ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình): Danh mục ngành nghề tương ứng độ tuổi nghỉ hưu
Hiện tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nam, vì vậy độ tuổi nữ cao hơn nam mà lại nghỉ sớm hơn. Vậy suy ra thời gian hưởng quỹ BHXH dài hơn và việc cống hiến cho xã hội để tạo dựng nên quỹ BHXH là ít hơn. Về mặt sức khỏe nữ bảo đảm, nhưng làm đến 60 chứ không phải 62 vì xã hội ưu ái hơn. Về mặt GD-ĐT thì nữ và nam phải tham gia đầy đủ các chương trình và thời gian học như nhau...
Tuổi nữ ngành nghề khác nhau thì cần đi lấy ý kiến từng ngành nghề, ví như giáo viên mầm non 60 tuổi không thể múa hát cho các cháu, lao động thể thao, lao động nghệ thuật, lao động trong hầm mỏ... Tôi đồng tình có danh mục ngành nghề thì có độ tuổi nghỉ hưu khác nhau, tùy thuộc vào lấy ý kiến của những đối tượng chịu sự tác động đó. Tôi cũng đồng tình việc nâng mức nghỉ hưu nhưng 15 năm nữa mới có nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 60 và 8 năm nữa mới có nam nghỉ hưu ở độ tuổi 62. Tôi tin rằng, 15 năm nữa tuổi thọ của nữ không chỉ dừng lại ở 81 như hiện nay, có thể tăng lên 82, 83... Với lộ trình đó thì đáp ứng được tất cả tác động của xã hội (từ tác động tâm lý, ảnh hưởng vị trí việc làm...).
ĐBQH Bùi Văn Cường (đoàn Gia Lai): Cần khung quy định phù hợp từng khu vực, đối tượng
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TPHCM): Lao động nữ sẽ không giữ được việc làm
Tôi không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Giải trình của Bộ LĐ,TB&XH rằng, tăng tuổi nghỉ hưu để chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số, chuẩn bị lực lượng lao động, yêu cầu cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH)… là chưa thuyết phục. Hiện nay, lực lượng lao động của Việt Nam, đơn cử như ở TPHCM thì nhóm lao động kỹ thuật thấp rất nhiều, chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Đó là chưa tính các lực lượng lao động khác chưa tham gia BHXH và không nằm trong tác động của Luật.
Người lao động (NLĐ) sẵn sàng nghỉ để bảo đảm sức khỏe chứ không thể theo đuổi đến 60 tuổi để nghỉ hưu theo luật được. Nếu suy nghĩ theo góc độ của NLĐ thì không tăng tuổi nghỉ hưu. Bệnh nghề nghiệp mà NLĐ đang gặp phải là một vấn đề lớn. Luật Lao động phải nhìn thấy vấn đề này để có tính toán. Những tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà tỷ lệ thương tật của NLĐ khá cao, chẳng hạn như: Bệnh xương sống, phổi… Đó là chưa kể các doanh nghiệp thường có xu hướng sa thải NLĐ trong độ tuổi từ 40 - 45 tuổi để chọn lao động trẻ hơn. Vì thế nếu bây giờ tăng tuổi nghỉ hưu thì lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ sẽ không giữ được việc làm.
ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): Nhận thức đồng thuận thì sẽ không có hiểu lầm
Tôi cơ bản tán thành với lý do mà Chính phủ đưa ra vì có nhiều áp lực trong đó có BHXH nhưng cần lý gỉải thêm khu vực có quy định riêng về hạn chế tuổi lao động. Hiện nay, Luật đưa ra là 24 ngành nghề nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá thêm xem có ngành nghề mới phát sinh để dự báo trước và quy định cho phù hợp. Khi nhận thức đồng thuận thì sẽ không có hiểu lầm việc tăng tuổi nghỉ hưu là áp dụng cho tất cả các đối tượng lao động.
Ngoài ra, phải có quy định linh hoạt để quy định chuyển tiếp về tăng tuổi nghỉ hưu khi Quốc hội thông qua sửa đổi Bộ luật này. Như Chính phủ có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ để khoảng cách tuổi lao động của nam và nữ tiếp cận ngang bằng nhau nhưng cần phân biệt tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bình quân không có nghĩa là ngang bằng vì tạo hóa sinh ra phụ nữ có lợi thế và yếu điểm khác nhau. Do vậy, cần cá biệt hóa từng trường hợp cụ thể và lý giải tường minh vấn đề này trong quá tình tiếp thu.