TPHCM: Vì sao “dự án ma” sống khỏe dù nhiều giám đốc đi tù?

GD&TĐ - Trong thời gian ngắn, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt giam, truy nã nhiều giám đốc “bất động sản ma” bởi hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Dự án “bánh vẽ” mượn mác Bộ Công an được chào bán cho người dân với giá vô cùng hấp dẫn vừa được UBND phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TPHCM cảnh báo người dân.
Dự án “bánh vẽ” mượn mác Bộ Công an được chào bán cho người dân với giá vô cùng hấp dẫn vừa được UBND phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TPHCM cảnh báo người dân.

Một trong những nguyên nhân là vì thiếu các thông tin đối chiếu, tham khảo về vị trí khu đất, quy hoạch, pháp lý dự án…

Chiêu cũ nhưng vẫn có người mắc bẫy

Ngày 5/12, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định truy nã đối với Trịnh Minh Thanh (sinh năm 1964; ngụ phường 6, quận Tân Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại chung cư Khang Gia Chánh Hưng do Công ty Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư.

Theo cơ quan CSĐT, Trịnh Minh Thanh với vai trò là tổng giám đốc công ty đã bán căn hộ số 12B tầng 5 không có thật cho bà T.T.K.L., chiếm đoạt trên 1,5 tỉ đồng. Không những vậy, cùng căn hộ số 10, tầng 7 sau khi bán cho bà L.T.X.H., Công ty Khang Gia tiếp tục bán cho P.N.H., chiếm đoạt 984 triệu đồng.

Hiện cơ quan CSĐT vẫn đang tiếp nhận nhiều đơn tố cáo cho thấy có dấu hiệu lừa đảo tài sản tại các chung cư do Công ty Khang Gia làm chủ đầu tư. Cụ thể, với cùng một chiêu thức là một căn hộ bán cho nhiều người, bán căn hộ ki-ốt thuộc diện tích xây dựng trái phép tại các chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú), chung cư Khang Gia (quận Gò Vấp).

Tương tự, ngày 3/12 Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Quốc Hưng (40 tuổi), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư KingLand có trụ sở tại quận Thủ Đức, TPHCM để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công an đã nhận được 44 đơn thư của nhiều cá nhân. Đơn thư tố cáo ông Trịnh Quốc Hưng thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng hợp tác đầu tư của dự án Khu nhà ở Định An (tên gọi khác: KingLand Home City 5) ở ấp Đồng Sến, xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương để chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của khách hàng.

Trước đó, ngày 27/11, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và truy nã bị can Nguyễn Đức Tâm (36 tuổi, quê Phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, Hòa Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Đức Tâm là Giám đốc Công ty TNHH bất động sản tư vấn và đầu tư Đức Tâm Land (gọi tắt Công ty Đức Tâm Land), trụ sở trên đường Phạm Thế Hiển, Quận 8. Với vai trò là Giám đốc Công ty Đức Tâm Land, Nguyễn Đức Tâm đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với ông H.V.H - người được chủ đất là Công ty Thiện Minh ủy quyền thỏa thuận hoàn thành thủ tục phân lô tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Sau khi ký hợp đồng, Tâm cùng các cá nhân khác tại Công ty Đức Tâm Land đã tự ý lập bảng vẽ phân lô, lập khống dự án với tên “Khu nhà ở nghỉ dưỡng sinh thái Bửu Hòa - Biên Hòa - Đồng Nai” rồi ký hợp đồng chuyển nhượng, nhận của 10 cá nhân hơn 6,4 tỉ đồng. Trong các hợp đồng thể hiện, Công ty Đức Tâm Land sẽ bàn giao đất sau 5 tháng tuy nhiên sau khi nhận tiền, Tâm bỏ trốn, không thực hiện thỏa thuận.

Kẽ hở pháp lý nào khiến người dân liên tục sập bẫy

Công an TPHCM nhận định loại tội phạm này ngày càng thể hiện sự tinh vi. “Không chỉ lợi dụng lòng tham của nhà đầu tư, các kẽ hở trong công tác quản lý, thời gian qua các đối tượng còn mượn danh các đơn vị của Bộ Công an để lừa đảo. Việc UBND phường Tân Thới Nhất (Quận 12, TPHCM) cảnh báo về dự án có tên gọi: “Căn hộ nhà ở xã hội Lê Minh - Bộ Công an” được một sàn giao dịch bất động sản giới thiệu, chào bán cho khách tại đường Phan Văn Hớn là ví dụ” - đại diện cơ quan CSĐT nói.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Đoàn luật sư TPHCM, các “dự án ma” có đất sống và lừa đảo được nhiều người dân bởi chiêu bài quen thuộc: Giá rẻ, vị trí đắc địa, tỉ suất sinh lời nhanh. Ngoài ra, chính việc quản lý lỏng lẻo cùng các chế tài chưa đủ mạnh trong việc kiềm chế các hoạt động môi giới, quảng cáo là nguyên nhân dẫn đến các “dự án ma” vẫn nở rộ.

“Dự án ma không phải là hiện tượng mới vì nó tồn tại đã lâu. Vấn đề nằm ở công tác quản lý. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý đất đai. Giám sát chặt hoạt động môi giới, quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng (xử lý nghiêm, tước giấy phép). Ngăn chặn hành vi tiếp tay lừa đảo ngay từ trong trứng nước” - luật sư Thường nói.

Phân tích sâu về thực trạng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, các “dự án ma” tập trung nhiều tại vùng ven TPHCM và một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Nhu cầu đất nền tại khu vực này rất lớn.

“Thủ đoạn của các dự án “ma” là các đối tượng lừa đảo tìm khu đất có diện tích từ vài ngàn mét vuông theo hình thức hợp tác đầu tư với chủ sử dụng đất hoặc mua đất nông nghiệp giá rẻ. Thậm chí chiếm đất công rồi tự vẽ ra dự án với tên gọi mĩ miều.

Sau đó, cho nhân viên mang phát tờ rơi trên đường, quảng cáo trên mạng… bán đất nền. Các nạn nhân dù chưa tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án nhưng do hám rẻ đã vội vàng xuống tiền nên ôm hận” - ông Châu nói.

Theo ông Châu, một nguyên nhân nữa là vì thiếu các thông tin đối chiếu, tham khảo về vị trí khu đất, quy hoạch, pháp lý dự án... Việc thờ ơ của chính quyền địa phương các khu đất được các đối tượng lừa đảo vẽ ra cũng góp phần không nhỏ khiến nhiều người dân sập bẫy.

“Một khu đất nông nghiệp nhưng đối tượng lừa đảo tự ý làm hạ tầng đường sá, vỉa hè, phân lô dù chưa có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Tuy vậy, chính quyền địa phương không phát hiện, khi phát hiện lại thờ ơ không xử phạt, không áp dụng biện pháp mạnh là bắt chủ khu đất hoàn trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định Luật đất đai khiến khách hàng khi xuống tiền đầu tư bị lừa” - ông Châu chia sẻ.      

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ