TP.HCM: Nghiêm cấm các trường ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo

GD&TĐ - Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh và học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Phụ huynh, học sinh tìm mua sách tại các nhà sách phục vụ cho năm học mới. Ảnh minh hoạ P.Nga
Phụ huynh, học sinh tìm mua sách tại các nhà sách phục vụ cho năm học mới. Ảnh minh hoạ P.Nga

Cụ thể, trước thềm năm học mới 2020-2021, một phụ huynh có con vào lớp 1 của Trường Tiểu học An Phong, Quận 8, TP.HCM phản ảnh về việc được giới thiệu mua bộ sách lớp 1 với giá 807.000 đồng trở thành tâm điểm được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trong số 23 đầu sách có SGK, vở bài tập, sách bổ trợ, ngoài ra còn có 10 cuốn tập trắng, bảng viết.

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Trường Tiểu học An Phong cho biết, nhà trường không yêu cầu, bắt ép phụ huynh phải mua đủ toàn bộ sách giáo khoa, bài tập, bổ trợ trong danh mục.

Trước đó, khi gửi thông báo nhập học cho học sinh lớp 1, nhà trường có đính kèm danh mục sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học, mục đích để phụ huynh có đi mua sách cho con ở ngoài thị trường thì mua đúng loại mà trường sử dụng.

Sau phản ánh của phụ huynh, trường đã đăng thông báo rõ ràng những sách nào cần mua lên bảng tin của trường. Trong sự việc này, có thể phụ huynh hiểu nhầm thông báo của nhà trường hoặc có thể giáo viên đã không thông tin đầy đủ đến phụ huynh.

Trước sự việc nói trên, ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng GD-ĐT Quận 8 thông tin, Phòng yêu cầu trường liên hệ với những phụ huynh đã mua trọn bộ nói trên và làm việc lại với phụ huynh.

Quan điểm là nếu phụ huynh có nhu cầu sử dụng hết thì không sao, còn nếu những phụ huynh muốn trả lại những cuốn không bắt buộc theo yêu cầu của chương trình lớp 1 trường sẽ nhận và gửi tiền lại cho phụ huynh.

Những số sách này sẽ có thể dùng để tham khảo cho thư viện trường. Phòng GD-ĐT Q.8 đã nhắc nhở, phê bình hiệu trưởng Trường tiểu học An Phong vì đã để ra sơ suất nói trên khi thực hiện bán SGK cho phụ huynh, dễ gây hiểu nhầm.

Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT Quận 8 cũng đã chỉ đạo các trường phải trang bị thêm cho thư viện nhà trường (khoảng 10%) để những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh mới chuyển đến chưa có điều kiện mua sách có thể mượn sử dụng.

Về phía Sở GD-ĐT TP.HCM, chiều ngày 9/9, Sở này đã có văn bản gửi các phòng GD-ĐT quận, huyện và yêu cầu, các trường công khai danh mục sách giáo khoa, chi tiết các cuốn trong bộ sách trường đã chọn lên trang bảng tin, trang web.

Theo đó, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh và học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021, thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mĩ thuật và 1 môn học tự chọn là môn Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh).

Trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại nhà trường để học sinh và gia đình học sinh biết, thực hiện mua sắm.

Sở GD-ĐT TP cũng thông tin thêm,  từ đầu năm học 2016-2017, Sở này đã có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận, huyện về hướng dẫn sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong trường tiểu học. Đến nay, năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục thực hiện các quy định này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.