Mở cửa trường học: Những tín hiệu vui

GD&TĐ - Cùng với nhiều địa phương, một số vùng xanh, an toàn tại TPHCM và địa phương khác dần mở cửa trường học.

 Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Điều này đáp ứng mong mỏi của thầy và trò, đặc biệt là phụ huynh khi phải đi làm trở lại nhưng không có chỗ gửi trẻ; trẻ phải học ở nhà dẫn đến mỗi lo về an toàn, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc.

Phù hợp với tình hình hiện tại

TPHCM dự kiến sẽ hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học, trong đó một số vùng xanh, an toàn có thể tổ chức lại trước. Cụ thể, tại buổi làm việc với UBND TPHCM về kế hoạch năm học 2021 - 2022 (ngày 19/11), Sở GD&ĐT đề xuất cho học sinh lớp 9 và 12 đi học lại từ ngày 10/12, tiếp đó mở dần các khối khác. Về lộ trình mở cửa trường học, đại diện Sở GD&ĐT cho biết sẽ tập huấn cho cán bộ, giáo viên công tác phòng chống dịch vào đầu tháng 12, họp phụ huynh học sinh khối 9 và 12 trước ngày 5/12.

Thông tin mở cửa trường học trở lại được cả giáo viên, phụ huynh và học sinh mong chờ, chuẩn bị sẵn các tình huống nếu được đi học trực tiếp. Cô Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8, TPHCM) cho rằng phương án này phù hợp với tình hình hiện tại. Thời điểm này, phần lớn học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17 đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và tạo miễn dịch cộng đồng cần thiết. Đây là một trong những điều kiện an toàn để các em có thể trở lại trường học tập.

“Phòng tiếp tục rà soát để tham mưu UBND quận chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên, học sinh khó khăn, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập. Phối hợp với phòng Y tế quận tiêm vắc-xin cho học sinh theo lộ trình. Bên cạnh đó, phòng phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng khu vực Quận 8 cải tạo các cơ sở giáo dục đang được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngay sau khi được bàn giao lại…”, ông Dương Văn Dân thông tin.

Theo ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8 (TPHCM), chuẩn bị cho học sinh đi học trực tiếp trở lại, các trường trên địa bàn đã xây dựng, triển khai kế hoạch mở cửa trở lại trên cơ sở kế hoạch của UBND quận. Đồng thời, phòng đề xuất cấp bù kinh phí cho nhà trường do những phát sinh từ dịch Covid-19 như chi phí trong công tác phòng, chống dịch, thiếu nhân sự, chi phí phát sinh trong việc chia nhỏ lớp nhằm tận dụng tối đa “khoảng thời gian vàng” để dạy và học trực tiếp, bảo đảm kinh phí hoạt động cho cơ sở giáo dục cũng như chính sách hỗ trợ khác.…

Cô Phạm Thị Tố Như - giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng: Đa số giáo viên đều mong cho học sinh được trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Vì như thế, giáo viên sẽ đánh giá chính xác hơn năng lực học trò và các em cũng học tập tập trung hơn dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Ngoài ra, học trực tiếp sẽ giúp tình cảm thầy trò và bạn bè gắn kết, có nhiều cảm xúc hơn dạy trực tuyến.

Chị Nguyễn Thị Bẩy có con học lớp 9 tại TP Thủ Đức (TPHCM) bày tỏ: “Khi nghe tin TP có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại tôi mừng lắm. Điều này đồng nghĩa với việc các cháu đã được tiêm vắc-xin đủ 2 mũi. Đồng thời, con đi học trở lại cũng đỡ áp lực cho phụ huynh khi vừa phải đi làm vừa phải lo con ở nhà học online.

Học trực tiếp sẽ dễ tiếp thu bài, đồng thời cháu được gặp gỡ bạn bè có động lực để học hơn. Điều quan trọng khác là cháu được chạy nhảy, vận động, chứ không suốt ngày nhìn màn hình điện thoại và vi tính nữa. Do đó, việc ăn uống, ngủ nghỉ, học tập sẽ giờ giấc hơn…”.

Một buổi dạy trực tuyến môn Ngữ văn lớp 9 của cô Phạm Thị Tố Như (Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, TPHCM).
Một buổi dạy trực tuyến môn Ngữ văn lớp 9 của cô Phạm Thị Tố Như (Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, TPHCM).

Bảo đảm an toàn dạy học trực tiếp

Sau thời gian dài “tạm dừng đến trường - không dừng học” để phòng chống dịch Covid-19, một số tỉnh, thành từng bước cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Ngày 22/11, nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai bắt đầu đón học sinh quay lại trường học trực tiếp.

Tỉnh Đồng Nai, ngày 22/11, có 6 trường THCS, THPT tổ chức cho học sinh trở lại trường học gồm: THCS Phú Hòa, THCS - THPT Tây Sơn (huyện Định Quán), THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu), THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom), THCS Suối Cao (huyện Xuân Lộc), THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch), với gần 600 trên tổng số gần 1.150 học sinh đi học lại (đạt trên 50%). Những học sinh chưa đi học lại do mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 và những nguyên nhân khác.

Trong ngày đầu cho học sinh trở lại trường học, các trường đã bố trí giáo viên, nhân viên y tế trực ở cổng trường đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp học. Lớp học được trang bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang dự phòng, học sinh được bố trí ngồi xa nhau.

Phía học sinh, hầu hết các em đều có tâm trạng háo hức. Em Hoàng Thị Mai - học sinh lớp 12A6, Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) chia sẻ: “Quá trình học trực tuyến em gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Được trở lại trường học trực tiếp, em rất vui. Đi học trực tiếp em dễ dàng trao đổi những điều mình chưa hiểu với thầy cô, đồng thời gặp gỡ, chia sẻ với bạn bè nhiều kiến thức xã hội…”.

Ngoài ra, theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai, trong ngày 22/11 có 4 trường trên địa bàn tỉnh cho học sinh đến trường test Covid-19 nhưng chưa dạy chính thức. Sau khi có kết quả test nhanh sẽ tính toán phương án dạy học trực tiếp vào những ngày tới. Tuy nhiên, cũng có một số trường dù đã có kế hoạch cho học sinh trở lại trường vào ngày 22/11 nhưng phải tạm dừng vì có nhiều học sinh nhiễm và tiếp xúc gần với người mắc Covid-19.

“Để bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường, hơn một tháng qua, ngành Giáo dục Đồng Nai phối hợp cùng ngành y tế và các địa phương chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, y tế, tập huấn cho giáo viên phương án xử lý khi phát sinh F0 trong lớp học, đồng thời đề ra quy định học sinh trước khi đi học chính thức phải được được test nhanh Covid-19”, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai thông tin.

“Là phụ huynh, tôi cũng mong con mình được đến trường học trực tiếp để tránh tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, đồng thời để con được tham gia hoạt động vận động phát triển thể chất. Hy vọng nhịp sinh hoạt và học tập của các em sẽ trở lại trong trạng thái bình thường mới và thích ứng an toàn…”, cô Phạm Thị Tố Như chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đao phủ là nghề phải có nhưng hiếm người nhận làm. Ảnh: Ancient-origins.net

Phúc - họa nghề đao phủ

GD&TĐ - Trên phương diện pháp luật, đao phủ là người thực thi công lý nhưng trên phương diện lương tâm, họ là những kẻ tước đoạt mạng sống một cách tàn bạo.

Kích thích miễn dịch cây giống như việc tiêm vắc-xin cho cây trồng.

'Tiêm vắc-xin' cho cây trồng

GD&TĐ - Trong một thế giới đang phát triển và thay đổi nhanh chóng, nhu cầu sản xuất đủ lương thực cho mọi người đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Minh họa/INT

Viêm khớp cấp tính

GD&TĐ - Các nguyên nhân gây viêm khớp cấp tính thường gặp là do nhiễm virus, vi khuẩn, viêm tủy xương, ung thư xương...