Mở cửa trường học: Ngập ngừng do đâu?

GD&TĐ - Mặc dù Chính phủ và Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về việc mở cửa trường học đối với “vùng xanh” nhưng nhiều địa phương vẫn còn “rón rén”.

Một lớp học của Trường THCS Phong Vân (Ba Vì, Hà Nội).
Một lớp học của Trường THCS Phong Vân (Ba Vì, Hà Nội).

Không loại trừ có những người sợ trách nhiệm nên thiếu kiên quyết trong việc này.

Điệp khúc… chờ hướng dẫn

Toàn huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) có 17 xã, thị trấn. Tính đến ngày 22/11, 2 xã có F0, còn lại được xác định là “vùng xanh” và “vùng vàng”. Tuy nhiên, địa phương này mới chỉ mở cửa trường học, bố trí cho học sinh lớp 1 học trực tiếp 3 buổi/tuần. Các khối lớp còn lại vẫn học trực tuyến. Lý giải về việc này, ông Đỗ Văn Hải, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Mỹ cho hay: Địa phương vẫn chưa tiêm phủ vắc-xin cho giáo viên và học sinh. Ngoài ra, phòng GD&ĐT đang chờ hướng dẫn của UBND tỉnh và UBND huyện về việc mở cửa trường học, đón học sinh trở lại học tập bình thường.

“Toàn huyện mới tiêm mũi 2 cho 80% giáo viên. Theo kế hoạch ngày 24/11 tiêm vắc-xin cho học sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, ông Hải thông tin, đồng thời cho biết: Phòng chưa có kế hoạch cụ thể về việc mở cửa trường học. Tuy nhiên, dự lệnh  có thể học sinh sẽ phải học trực tuyến đến hết kỳ I, năm học 2021 - 2022.

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết: Tỉnh vẫn áp dụng linh hoạt phương thức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp và dạy học trên truyền hình. Tỉnh cũng cân nhắc mở cửa trường học ở những “vùng xanh” để thầy - trò được đến trường dạy - học trực tiếp.

Trước đó, ngày 15/10, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 157 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, tỉnh trao quyền quyết định cho UBND cấp huyện về việc cho học sinh tới trường hay học trực tuyến. Văn bản mới nhất của Sở GD&ĐT Hưng Yên yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ triển khai học trực tiếp khi đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết mà UBND đặt ra trong kế hoạch nêu trên.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cho rằng, đến thời điểm hiện tại, việc học sinh trở lại trường còn nhiều khó khăn do các cơ sở giáo dục chưa bảo đảm yêu cầu cần thiết về tiêm vắc-xin phòng dịch cho giáo viên theo quy định. Vì vậy, học sinh các cấp tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 16.000 giáo viên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, 20% giáo viên bậc mầm non, tiểu học và THCS, 60% giáo viên THPT được tiêm mũi 2.

Tại Bình Thuận, nhiều “vùng vàng” đã mở cửa trường học để thầy - trò dạy - học trực tiếp. Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Hiện còn 4 huyện dạy học trực tiếp, kết hợp trực tuyến. Trước khi mở cửa trường, sở đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các địa phương, cơ sở giáo dục về các tiêu chí an toàn trường học.

Đồng thời, đề nghị các huyện, thị xã, các trường học thuộc “vùng xanh”, “vùng vàng” mạnh dạn mở cửa trường học, tổ chức dạy học trực tiếp theo phương châm: Thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, theo ông Thái, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin cho giáo viên, học sinh để phụ huynh yên tâm đưa con em đến trường.

Tiết chào cờ đầu tuần của học sinh Trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội).
Tiết chào cờ đầu tuần của học sinh Trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội).

Được “bật đèn xanh”… nhưng vẫn sợ

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Để học sinh được học trực tiếp ở trường, không còn cách nào khác, ngành Y tế phải tham mưu với Chính phủ đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất được vắc-xin trong nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết với các quốc gia đã sản xuất được vắc-xin cho trẻ em để chuyển giao công nghệ. “Chỉ khi chúng ta làm chủ được việc sản xuất vắc-xin mới hy vọng trẻ em được đến trường an toàn nhất”, đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), trong giai đoạn này, khi chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vắc-xin thì vẫn nên duy trì dạy - học trực tuyến. Tuy nhiên, những nơi đã được xác định là “vùng xanh” nên cho học sinh đi học trực tiếp tại trường. Để ổn định việc dạy - học trực tiếp của thầy - trò, cần có lộ trình tiêm vắc-xin cho học sinh. Khi có vắc-xin, cần dồn sức tiêm trong 1 tuần là xong; trước mắt, có thể tiêm cho học sinh THPT để các em trở lại trường học tập.

Nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận sống chung với Covid-19 và phải thích ứng an toàn với dịch bệnh, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Các địa phương cần có biện pháp để mở cửa trường học. Có thể học cách mở cửa trường ở Mỹ: Phân chia giờ đến lớp của học sinh. Chẳng hạn, có khối lớp vào học 7 giờ, có lớp là 8 giờ hoặc 8 giờ 30… Ngoài ra, khi tổ chức ăn bán trú, họ chia suất ăn theo lớp và ăn ở nhiều phòng khác nhau để hạn chế đông người.

Ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, thậm chí là Chính phủ đã có hướng dẫn “vùng xanh”, “vùng vàng” có thể mở cửa trường học để thầy - trò được dạy - học trực tiếp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT vẫn còn “rón rén”, thậm chí có người né tránh và sợ trách nhiệm. “Nếu chúng ta sợ sẽ không bao giờ chiến thắng được Covid-19. Cần phải giữ vững tinh thần, kiên quyết kiểm tra, kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp như: 5K và vắc-xin…”, GS.TSKH Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng thời đặt vấn đề: Ở những vùng xanh, vùng vàng, nếu các trường, địa phương không mạnh dạn mở cửa trường học hoặc thấy khó mà không làm có thể sang năm diễn biến dịch còn phức tạp hơn thì sao? Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cần trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức, kiểm tra, khảo sát để việc mở cửa trường học được thực hiện theo hướng dẫn và bảo đảm an toàn.

Chính quyền địa phương phải cam kết thực hiện hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi khi đã được “bật đèn xanh” để thực hiện mà vẫn không dám triển khai các giải pháp thực hiện cần phải xem lại. Cứ né tránh, sợ trách nhiệm thì không làm được, cuối cùng học sinh là người chịu thiệt thòi. Cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu về việc này và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trong năm học.

Theo GS.TSK Phạm Tất Dong, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục về việc mở cửa trường học. Không nên chỉ tay 5 ngón, mà cần có sự đồng cảm, sẻ chia để cùng làm, chung tay với nhà trường trong việc thực hiện các giải pháp mở cửa trường học an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ