Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do giáo viên tư vấn chưa phù hợp. Vậy thầy cô, nhà trường cần làm thế nào để vừa giúp học trò chọn được trường phù hợp mà vẫn tôn trọng quyền tự quyết của học sinh, gia đình?
Cha mẹ, thầy cô chỉ là người dẫn đường
Cô Lê Thị Hương Mai, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, mỗi học sinh có thế mạnh, năng lực khác nhau. Giáo viên, phụ huynh cần đồng hành, tư vấn giúp các em có lựa chọn phù hợp nhất. Tránh tạo áp lực không đáng có, hay đăng ký các trường thấp hơn năng lực và sự cố gắng, khiến học sinh không được học trong môi trường đáng ra bản thân có thể đạt được.
Cha mẹ hay thầy cô chỉ là người dẫn đường, chỉ dẫn học sinh hướng đi tốt nhất, không nên áp đặt, ép buộc. Ngoài ra, lên THPT, học sinh được lựa chọn môn học (theo Chương trình GDPT 2018). Bởi vậy, việc tìm hiểu, lựa chọn sớm ngành nghề mình muốn theo đuổi, phù hợp với năng lực rất quan trọng để xác định môn học tại THPT. Quá trình này, bên cạnh thầy cô, sự đồng hành của cha mẹ là vô cùng cần thiết.
“Tại Trường THCS Bế Văn Đàn, giáo viên theo sát việc học tập, đánh giá khách quan, đúng với năng lực từng người học trong quá trình giảng dạy. Đồng thời, tổ chức khảo sát chất lượng các môn thi vào 10, vừa để học sinh làm quen với việc làm bài thi, vừa có thêm thông tin khi lựa chọn trường theo học. Thầy cô cũng cung cấp cho phụ huynh thông tin về các hướng đi sau THCS; một số trường THPT ngoài công lập và cao đẳng, trung cấp nghề…
Như vậy, thầy cô cung cấp thông tin, tư vấn. Còn quyết định hướng đi nào là do học sinh - tùy theo năng lực, sở thích và điều kiện cụ thể của gia đình - để đưa ra quyết định cuối cùng. Thầy cô hoàn toàn tôn trọng và ủng hộ”, cô Lê Thị Hương Mai chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Vỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng: Có 3 vấn đề quan trọng nhà trường phải làm tốt, làm sâu. Đó là công tác tuyên truyền và hướng nghiệp cho học sinh sau THCS.
Tiếp đến là đánh giá đúng năng lực người học thông qua đánh giá trong và đánh giá ngoài một cách cụ thể theo từng giai đoạn; cung cấp thông tin rõ ràng, khách quan để học sinh và phụ huynh nắm được.
Cuối cùng là sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm với học sinh; sự tương tác thường xuyên của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy môn thi vào lớp 10 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) với phụ huynh học sinh, học sinh để cùng hiểu, đồng thuận, trên tinh thần đặt học sinh là trung tâm.
Cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) học, ôn tập trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. |
Cung cấp dữ liệu tốt hơn đưa lời khuyên?
Về vấn đề định hướng cho học sinh sau THCS, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: Khi có thông tin về việc có trường hợp học sinh bị ép không được thi vào lớp 10 công lập, ngành Giáo dục ngay lập tức có phát ngôn khẳng định không đưa kết quả thi tuyển lớp 10 THPT công lập vào tiêu chí xếp loại thi đua với các đơn vị, trường học nên không có chuyện chạy đua thành tích.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có văn bản quán triệt chỉ đạo tới tất cả trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (nếu có).
Nói riêng về việc đưa lời khuyên từ giáo viên tới học sinh trước ngưỡng cửa THPT, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ quan điểm: Cách nên làm là giáo viên chỉ cung cấp số liệu khách quan về tình hình thi cử, số lượng chỉ tiêu, điểm mạnh và điểm yếu của từng học sinh… để phụ huynh, học sinh có cơ sở đưa ra lựa chọn đúng.
Ngay cả khi phụ huynh yêu cầu giáo viên đưa ra lời khuyên, thầy cô nên khẳng định quyền quyết định thuộc về gia đình. Trường hợp gia đình vẫn tha thiết, lúc này giáo viên có thể chia sẻ góc nhìn của mình; nhưng phải cảnh báo là vẫn có xác xuất phương án lựa chọn không hiệu quả như mong đợi, vì không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn chắc chắn về tương lai.
“Tóm lại, giáo viên hãy cung cấp các con số và sự thật, chỉ rõ quy trình và các con đường, khuyến khích tính tự chủ, tự quyết của gia đình, học sinh”, PGS Trần Thành Nam nêu quan điểm.
Ở vai giáo viên, đồng thời cũng là phụ huynh năm nay có con thi vào lớp 10, cô Phạm Thị Quý, Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) có cùng suy nghĩ này và cho rằng, giáo viên tư vấn sẽ rất khó. Thay vào đó, thầy cô nên cung cấp dữ liệu (kết quả học tập, năng lực, thông tin điểm số của các trường…) để phụ huynh, học sinh lựa chọn.
Với các em học lực chưa đạt yêu cầu (thể hiện cả trên điểm thi thử và đánh giá của thầy cô giáo), có thể tư vấn tìm hiểu thông tin về các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên trong khu vực. Lời khuyên cô Quý dành cho học sinh là: Với xã hội hiện đại, trong một thế giới mở thì học trò có nhiều con đường để thành công. Học THPT công lập hay tư thục đều có cơ hội để tiến tới ngưỡng cửa đại học, cao đẳng... Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng. Nên sự lựa chọn thông minh nhất là vừa sức với mình.
“Thực tế, Trường THCS Thị trấn Nếnh cũng có trường hợp phụ huynh buộc con phải thi vào lớp 10 mà không xem xét mong muốn, học lực. Nhưng sau khi trẻ trao đổi, nói rõ năng lực học tập và mong được cho quyền lựa chọn, phụ huynh đã đồng thuận cao”, thầy Nguyễn Văn Vỹ cho hay.