Giúp học sinh cuối cấp có cái nhìn sâu sắc hơn về định hướng tương lai

GD&TĐ - Bên cạnh ôn luyện chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhà trường, giáo viên còn tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp...

Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi tại buổi tư vấn, hướng nghiệp tại Trường ĐH Cửu Long.
Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi tại buổi tư vấn, hướng nghiệp tại Trường ĐH Cửu Long.

Giải tỏa băn khoăn

Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 đóng vai trò quan trọng, giúp các em có cơ sở lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường. Đồng hành cùng học trò, nhà trường, giáo viên có nhiều giải pháp để việc lựa chọn nghề nghiệp và ôn luyện đạt hiệu quả.

Theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), tăng tốc tư vấn, hướng nghiệp trong giai đoạn hiện nay không chỉ giúp học sinh lựa chọn ngành phù hợp với bản thân, mà có định hướng nghề nghiệp đúng đắn trong tương lai. Bên cạnh đó, nhà trường hỗ trợ tư vấn tâm lý học sinh; linh hoạt các điều kiện giảng dạy tại đơn vị, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối học sinh và phụ huynh với nhà trường để tư vấn, hướng nghiệp đạt hiệu quả…

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, thời gian còn lại của năm học 2022 - 2023 không nhiều, chính vì vậy, học sinh lớp 12 có 3 việc quan trọng cần phải làm: Tập trung cao độ cho việc học tập cũng như ôn tập để thi tốt nghiệp THPT; Nghiên cứu, đưa ra quyết định về định hướng nghề nghiệp cho bản thân; Giữ cho bản thân tinh thần thật thoải mái, không áp lực.

Tại trường phổ thông, chương trình hướng nghiệp cho học sinh có 9 chủ đề với thời lượng 9 tiết/năm học. Ngoài chủ đề hàng tháng với thời lượng 1 tiết, trường còn tổ chức thêm nhiều hoạt động khác với nội dung, hình thức tổ chức phong phú như tham quan thực tế tại trường đại học, cao đẳng, tọa đàm, tham gia buổi tư vấn, hướng nghiệp…

Thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công, Tiền Giang), cho biết: Nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và nhận được nhiều câu hỏi từ học sinh, đặc biệt là lớp 12 như học ngành, nghề gì không thất nghiệp; ngành, nghề nào có thu nhập cao; ngành, nghề nào đang “hot”... Bên cạnh đó cũng băn khoăn có nên theo học đại học hay rẽ sang trường nghề, vì sao nhiều cử nhân thất nghiệp...

Học sinh lớp 12 trải nghiệm tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Trà Vinh.

Học sinh lớp 12 trải nghiệm tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Trà Vinh.

Hướng nghiệp qua trải nghiệm thực tế

Thời gian qua, ngành Giáo dục các địa phương, trường THPT phối hợp với trường đại học, cao đẳng, đơn vị giáo dục tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Mục tiêu của hoạt động này là trang bị cho học trò kiến thức, kỹ năng lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực, thể chất, điều kiện kinh tế gia đình.

Gần đây, Trường ĐH Cửu Long tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho gần 2.000 học sinh lớp 12 thuộc 15 trường THPT đến từ tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Hậu Giang. ThS Lê Thanh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, cho biết: Từ tháng 1/2023 đến nay, trường đón khoảng 3.000 lượt học sinh và thầy cô các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX đến tham gia tư vấn, hướng nghiệp.

Học sinh được nghe ban tư vấn giới thiệu điểm mới trong công tác tuyển sinh; ngành nghề đào tạo và phương thức tuyển sinh, cơ hội việc làm, các chế độ chính sách. Đồng thời những thắc mắc của các em được ban tư vấn giải đáp tận tình, thấu đáo, giúp các em có quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn ngành nghề.

Tương tự, từ đầu năm 2023 đến nay, Trường ĐH Trà Vinh đón hàng nghìn học sinh lớp 12 từ các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan, trải nghiệm.

Tham gia chuyến trải nghiệm, em Hồ Kim Ngân, học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Thanh Hòa (Cà Mau), chia sẻ: “Sau chuyến trải nghiệm tại Trường ĐH Trà Vinh, đặc biệt có một đêm nghỉ tại ký túc xá, em và các bạn rất vui vì được làm quen với cuộc sống, việc học của anh chị sinh viên. Ngoài ra, thầy cô và các anh chị sinh viên tư vấn nhiệt tình về môi trường học thuật cũng như các ngành nghề. Em cũng được tham quan các khoa, phòng thí nghiệm, ban đầu hình dung môi trường đại học là như thế nào và cần chuẩn bị những gì để theo học trong tương lai…”.

ThS Nguyễn Đồng Khởi, Thường trực Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: Trong những năm qua, trường luôn đồng hành và chào đón học sinh THPT trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm và tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Qua đó giúp học sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành học yêu thích và định hướng cho tương lai.

Đặc biệt, chương trình trải nghiệm “Một ngày làm sinh viên” tại Trường ĐH Trà Vinh là cầu nối giữa nhà trường với thầy cô và học sinh THPT. Qua đó tạo điều kiện để các em tham quan thực tế môi trường học tập, nơi thực hành, thí nghiệm, điều kiện sinh hoạt, hiểu rõ hơn về công tác giáo dục, đào tạo tại trường…

Cô Lê Hồng Tém, Trường THPT Thái Thanh Hòa (Cà Mau) cho hay: “Đưa học sinh đến trải nghiệm tại trường đại học, chúng tôi mong muốn các em hiểu rõ hơn môi trường giáo dục đại học để lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.