“Tôn sư trọng đạo” thời nào cũng đúng

“Tôn sư trọng đạo” thời nào cũng đúng

(GD&TĐ) - Tháng 11 - tháng của những tôn vinh cho những người cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", GD&TĐ đã trao đổi với nhà giáo - TS tâm lý Lê Tiến Hùng xung quanh vấn đề chúng ta nên dạy học sinh "Tôn sư trọng đạo" như thế nào trong giai đoạn hiện nay. 

Thưa TS, ông quan niệm thế nào là "Tôn sư trọng đạo"?

Nhà giáo – TS Lê Tiến Hùng. Ảnh: Tuấn Nam
Nhà giáo – TS Lê Tiến Hùng. Ảnh: Tuấn Nam

- "Tôn sư trọng đạo" nghĩa là phải dạy cho học sinh biết ơn, yêu quý và kính trọng những người đã dạy dỗ mình thành người. Trong thời buổi kinh tế thị trường, còn tồn tại hiện tượng học trò vô lễ với thầy cô giáo; Một số bậc phụ huynh coi ngày 20/11 là dịp mang quà (nhất là phong bì) đến biếu xén giáo viên để xin điểm cho con mình; Đâu đó vẫn còn những kẻ doạ nạt, đe dọa, thậm chí hành hung thầy cô... Đó là những hành động trái với đạo lý và nhân cách.

Người xưa có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ  cũng là thầy). Từ cổ chí kim, dân ta ai cũng “Tôn sư trọng đạo”. Trò đến trường phải “Tiên học lễ", đó là văn hóa của dân mình. Đến bây giờ, theo tôi, đã là quan hệ thầy - trò thì phải tính cả hai phía. Trò phải “Tiên học lễ”, còn thầy thì phải tiên dạy lễ. Thầy luôn yêu thương, tận tuỵ với trò, đó là cái "lễ" của thầy; Trò tin tưởng, vâng lời kính trọng thầy cô, đó là cái "lễ” của đạo làm trò. 

Muốn như vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục đạo đức trong nhà trường. Trong tình hình hiện nay, đạo đức học sinh có nhiều biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, một số em coi thường, vô lễ với thầy cô giáo, bất kính, bất hiếu với cha mẹ, ông bà... Vì thế, các trường cần lấy phương châm rèn luyện đạo đức, tác phong, nề nếp kỉ cương, lối sống lành mạnh cho học sinh là kim chỉ nam trong việc giáo dục toàn diện. Câu đúc kết của cha ông "Tôn sư trọng đạo", "Tiên học lễ, hậu học văn" ở giai đoạn nào cũng đúng.

 Có những thầy cô giáo vì đồng lương còn thấp, để tăng thêm thu nhập đã phải làm thêm một số việc mà trong con mắt học sinh là không mang tính "sư phạm" cho lắm và một bộ phận học sinh tỏ ra thiếu tôn trọng những giáo viên này. Ông nhìn nhận vấn đề đó như thế nào?  

- Thời bao cấp, khi con tôi đang học cấp 1, bỗng một hôm cháu chạy về hớt hơ hớt hải: "Bố ơi ! Thầy giáo con đang đi thu mua đồng nát". Tôi bảo cháu: "Sao gặp thầy con không chào, không mời vào nhà chơi?". "Ứ đâu! Các bạn biết thì con xấu hổ lắm". Tôi nói với cháu: “Thầy giáo của con rất nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên lương thầy ít. Vì thế, thầy phải kiếm thêm để trụ lại với nghiệp “giáo” của mình. Con làm thế là không phải với thầy. Mình có quý thầy thì thầy mới quý mình”.

Thời nay, cũng có nhiều thầy cô phải làm thêm việc phụ để kiếm sống. Nếu con cái có vì thế mà thiếu tôn trọng thầy thì các bậc cha mẹ nên khuyên con, các thầy cô làm việc lương thiện bằng chính sức lao động của mình, không có gì là xấu. Quan trọng là tới trường, các thầy cô vẫn là những nhà giáo luôn yêu quý và hết lòng dạy dỗ học sinh và các thầy vẫn xứng đáng được tôn trọng.

Cô và trò gần gũi và thân thiện. Ảnh: Tuấn Nam
Cô và trò gần gũi và thân thiện. Ảnh: Tuấn Nam
 

Ông nhìn nhận thế nào về những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa? 

- Cũng là giáo viên, nhưng tôi thật sự khâm phục trước những gì mà các thầy cô giáo đã mang đến cho các em nhỏ ở vùng cao. Bên cạnh cuộc sống xô bồ, bon chen nơi phồn hoa đô thị, vẫn còn những con người từ bỏ vinh hoa phú quý và cuộc sống an nhàn, để đến với những “miền đất khổ”, đó là những thầy cô cắm bản. Tấm lòng họ đẹp trong sáng, tinh khôi như hoa của núi rừng. Tôi rất cảm động trước tình thầy trò ở đó. Và để mang được con chữ tới với học sinh ở những miền quê hẻo lánh còn vô vàn khó khăn, cùng với trách nhiệm và sự nhiệt huyết của mình, các thầy cô giáo phải bền bỉ, kiên trì bám trụ, đồng cam, cộng khổ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Các thầy, cô xứng đáng được tôn vinh, nhất là trong dịp 20/11 này, vì họ đang cống hiến trong những điều kiện hết sức nghiệt ngã. Chính vì vậy, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên cụ thể về lương, phụ cấp... để thầy cô giáo có thể đứng vững được nơi đầu sóng, ngọn gió. Bởi thầy cô cắm bản là những người đã, đang và sẽ tiếp tục đưa cái chữ tới vùng xa xôi của Tổ quốc cho thế hệ mai sau.  

Hiện nay, một số người  mang danh nhà giáo nhưng lại có những hành động, việc làm không xứng dáng với danh xưng cao quý này.  Vậy cha mẹ phải giáo dục con như thế nào về "Tôn sư trọng đạo" trong giai đoạn hiện nay, để các em không hiểu sai nghĩa của từ này?

- Đúng là trong đội ngũ giáo viên, một bộ phận có biểu hiện xuống cấp trong đạo đức của người thầy. Những hành động trên rất đáng lên án. Song, cha mẹ cần nói cho các con hiểu rằng đó chỉ là "Con sâu làm rầu nồi canh", không được đánh đồng với đại đa số giáo viên có nhân cách; Và kính trọng, lễ phép với các thầy cô là bổn phận của học trò.

 Vậy theo ông, người thầy thời nay cần có những phẩm chất gì?

- Cả đời tôi đã dành trọn cho học sinh, còn sức tôi còn tiếp tục cống hiến cho ngành Giáo dục. Tôi quan niệm, một giáo viên có nhân cách người thầy ngoài yêu nghề, yêu trẻ nên lấy tính nhân hậu, trung thực làm kim chỉ nam và phải thật sự trở thành người mẹ, người cha thứ hai của học sinh. Phần thưởng quý giá nhất với tôi trong cuộc đời dạy học, đó là niềm tin và tình cảm ấm áp chân tình của đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh... đã dành cho, trong suốt những năm tháng hết lòng vì sự nghiệp “Trồng người”.

Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe, hạnh phúc!

 Tuấn Nam (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ