Tôi đi tiếp sức mùa thi

Tôi đi tiếp sức mùa thi

(GD&TĐ) - “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” - Màu áo thanh niên tình nguyện đã trở thành màu xanh thân thương trên các đường phố đông đúc hỗ trợ cảnh sát giao thông điều khiển phương tiện, ở các làng quê xa xôi giúp bà con xóa đói giảm nghèo, trong mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ… Đi làm tình nguyện, thực sự là cơ hội để các bạn trẻ tự rèn luyện mình, góp sức mình với xã hội…

Những giọt mồ hôi hạnh phúc

Quán nước miễn phí của đội SVTN Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

Quán nước miễn phí của đội SVTN Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

 

Dù là nhà báo, nhưng cũng phải nhờ mối “quan hệ” can thiệp từ Thành đoàn Hà Nội xuống, tôi mới được phép khoác chiếc áo xanh tình nguyện, hoà cùng các bạn sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trong chương trình Tiếp sức mùa thi 2013. Không phải vì “cái mặt”… già quá, chỉ đơn giản bởi cơ số đã đủ, nhiều bạn sinh viên phút cuối muốn đăng ký tham gia cũng không còn suất. Cũng dễ hiểu, công tác tổ chức luôn phải được đặt lên hàng đầu để đạt được những hiệu quả cao nhất, đặc biệt là sự quản lý về mặt an toàn cho chính các bạn sinh viên tình nguyện (SVTN).

Nguyên tắc đầu tiên được truyền đạt là luôn phải đến điểm trực được phân công sớm hơn thí sinh đầu tiên bước chân ra đường. Ngày “ra quân” đầu tiên gặp đúng hôm trời mưa như trút nước, vậy mà hơn 5 rưỡi sáng tôi có mặt tại điểm hẹn đã thấy màu áo xanh tíu tít với các phần việc được giao. Trời ngớt mưa nhưng  lại rất oi bức. Phụ huynh và thí sinh tới địa điểm thi ai nấy đều tay xách nách mang, mồ hôi nhễ nhại. Những chiếc khăn nhanh chóng được đưa ra, những bàn tay đón lấy túi hành lý đặt vào chỗ gửi đồ miễn phí cho người nhà thí sinh.

Cô đội trưởng Mỹ Hạnh của nhóm tôi vừa tất tả phân công mọi người, vừa cung cấp thông tin cho “thành viên” bị… gửi gắm: “Nhiệm vụ chính của nhóm là giúp các bác phụ huynh và các thí sinh tìm đường, tìm phòng thi. Công việc khá nhiều và vất vả, đặc biệt trong giờ cao điểm, khi mà các bác phụ huynh và thí sinh đều đã tập trung tại trường. Lúc ấy, lại phân công người lấy nước, người chuẩn bị đồ ăn miễn phí cho bữa trưa… Rất may là hầu hết mọi người đều đã có kinh nghiệm ở đợt thi đầu, nhất là được nhà trường tạo mọi điều kiện để hoàn thành tốt công việc”.

Hơn 6h sáng, chỉ còn chưa đầy 20 phút nữa là các thí sinh bắt đầu vào phòng thi, Mỹ Hạnh nhắc các bạn trong nhóm nhắc nhở thí sinh và người nhà kiểm tra lại các giấy tờ cần thiết. Một thí sinh nữ mới hốt hoảng gọi mẹ: “Con bỏ quên hết ở phòng trọ rồi”. Không kịp hỏi thêm một câu, Hạnh chụp vội chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, leo lên ngay chiếc xe tay ga để bên cạnh, giục giã: “Lên nhanh em, vẫn còn kịp giờ”. Chiếc xe nhanh chóng vút đi, để lại người mẹ dáng khắc khổ nhìn theo đầy lo lắng. Chỉ hơn 10 phút sau, hai chị em đã quay lại, vừa kịp giờ giám thị gọi vào phòng thi… Nụ cười vẫn tươi rói trên môi cô nữ sinh nhỏ nhắn trong màu áo xanh, với ấn tượng về một cô gái lém lỉnh dù luôn kè kè cặp kính cận dày cộp.

Thật tiếc khi tôi không kịp “chộp” khoảnh khắc người mẹ của thí sinh quên thẻ trìu mến lau giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt cô sinh viên vừa mới giúp con mình…

Trao đi, để rồi nhận lại…

Nụ cười tươi rói trên môi cô nữ sinh làm “xe ôm” tình nguyện
Nụ cười tươi rói trên môi cô nữ sinh làm “xe ôm” tình nguyện
 

Những tưởng sau khi có tiếng chuông gọi thí sinh vào phòng, nhóm sẽ có chút thời gian nghỉ ngơi trước khi chuẩn bị các công việc khác. Nhưng không, giải quyết các “phát sinh” là một phần nhiệm vụ của SVTN, và lúc này, nhiệm vụ khẩn cấp là mời những người không phận sự ra khỏi khu vực thi. Khó nhất là mời các bác phụ huynh lớn tuổi. Một bác năn nỉ: “Không phải các bác muốn làm trái quy định của nhà trường, để bác đứng đây thêm lúc nữa, xem em nó có quên thứ gì không còn biết đường tìm bác, kẻo điện thoại không có, không biết tìm bố ở đâu nó lại mất bình tĩnh”.

Phải một hồi giải thích, người cha đó mới yên tâm ra chỗ đợi đã được các SVTN bố trí cho người nhà thí sinh. Có lẽ thấy tôi “già” nhất trong nhóm, bác quay sang phân trần: “Chú thông cảm, cả đời tôi chưa bao giờ lo thế. Bố con tôi từ Sơn La xuống đây, trước khi đi đã nghe người ta nói bao nhiêu cái nhiêu khê với nào là xe ôm, nhà trọ, ăn uống… May có các cháu sinh viên hướng dẫn cho, được ở trong ký túc trường. Giờ chỉ cầu mong cháu nó làm bài tốt mà đỗ đạt học hành…”.

Một bạn nữ sinh đi bên cạnh nói nhỏ với tôi: “Giống y hình ảnh bố em đưa em đi thi năm ngoái. Chính sự lo lắng của ông khi em bước vào phòng thi mới là động lực lớn nhất để em hoàn thành tốt bài thi của mình. Anh có biết khi thi xong bước ra, bố em bảo gì không: Con làm bài tốt không, các anh chị ở đây nói đề năm nay vừa sức, thể nào con cũng làm được nên bố cũng yên tâm. Đó cũng là lý do mà năm nay em quyết định không về nghỉ hè vội để được tham gia SVTN, được làm những việc các anh chị đã giúp chính bố con em một năm trước…”.

Tôi hiểu cảm giác của cô sinh viên năm thứ nhất này. Chỉ một buổi tham gia tiếp sức mùa thi cùng các bạn trẻ, nhìn các bậc phụ huynh đưa con em mình đi thi với bao lo lắng bộn bề, từ nơi ăn chốn ở tới chuyện đề thi năm nay liệu có vừa sức, những kí ức về một kỳ thi đại học đã từ lâu lắm bỗng ùa về, tràn ngập tâm trí.

Chỉ một buổi hoà mình cùng các bạn trẻ làm tình nguyện, cũng đủ thấm được những việc làm tình nguyện vì cộng đồng mang lại nhiều ý nghĩa hơn chính bản thân mỗi người tưởng tượng. Tham gia và trải nghiệm, trao đi rồi sẽ được nhận lại - Đó là điều lớn nhất mà những SVTN đã học được từ mỗi chiến dịch tình nguyện, mà chương trình Tiếp sức mùa thi hàng năm chỉ là một trong số đó.

Lan Chi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ