Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính

GD&TĐ - Trong hai ngày 25 và 26/8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính

Phát biểu tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, nhắc lại yêu cầu và quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, nói đi đôi với làm, tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần thượng tôn pháp luật, chuyển mạnh từ quản lý hành chính cứng nhắc sang phục vụ người dân và doanh nghiệp, vì sự phát triển.

Nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nói đi đôi với làm, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác nhằm kiểm tra theo dõi, rà soát, đôn đốc toàn bộ nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm đến nay, xem đây là việc làm thường xuyên, trước hết kiểm tra ngay tại 2 Bộ tham mưu tổng hợp là KH&ĐT và Tài chính, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 sắp diễn ra.

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đánh giá cao hai Bộ đã có nhiều nỗ lực đổi mới, cải cách, đạt nhiều kết quả. Bộ KH&ĐT đã chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng ban hành các chính sách về đầu tư công trung hạn – qua đó bỏ cơ chế xin-cho, tăng chủ động cho các bộ ngành, địa phương; xây dựng các chương trình, đề án, dự án lớn, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã quyết liệt đổi mới, cải cách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng rất quyết liệt, trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, giảm thủ tục, thời gian, giấy tờ cho doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hai Bộ nghiêm túc kiểm điểm, xem xét một số vấn đề.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT phải kiểm điểm làm rõ việc vẫn còn tư tưởng cơ chế xin-cho, tư tưởng co kéo về Bộ, ngay cả khi tham gia xây dựng Luật Đầu tư công, phân giao vốn. Tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh phân cấp thay vì cơ chế xin-cho. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, gỡ bỏ hết những vướng mắc về điều kiện kinh doanh, để năm 2016 là năm khởi nghiệp.

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng nhắc nhở khi xây dựng dự toán thu giao cho các địa phương, Bộ Tài chính chưa siết chặt. Vẫn có tình trạng Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố lên Bộ Tài chính đề nghị giao dự toán thấp, để khi thực hiện có thể thu vượt dự toán. Đồng thời, nhiều nơi doanh nghiệp vẫn kêu ca phàn nàn, Bộ cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách, đặc biệt trong cải cách hành chính thuế, hải quan, nhất là cán bộ thực thi các cấp.

Theo số liệu trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi của VPCP, tính từ đầu năm tới ngày 22/8, hai Bộ đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT còn 15 nhiệm vụ, Bộ Tài chính còn 5 nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành. Tại các cuộc làm việc, Tổ công tác và Bộ KHĐT, Bộ Tài chính đã tập trung làm rõ nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm; xác định cụ thể thời hạn hoàn thành nhiều nhiệm vụ.

Bày tỏ “sốt ruột” khi công việc chậm, vẫn có tình trạng “ôm bóng trong chân”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Tôi đã nhắc nhiều lần không được ôm bóng, phải có ý kiến trả lời ngay, chúng ta làm thêm ngoài giờ một chút thôi, công việc chạy thì xã hội, người dân, doanh nghiệp được lợi rất nhiều”.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng “xin nhận trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Tổ công tác” về những nhiệm vụ bị chậm trễ, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách một cách thực chất. Bộ trưởng thừa nhận việc Thủ tướng nhắc nhở về công tác giao dự toán cho các địa phương là hoàn toàn chính xác và sắp tới sẽ trình quy trình xây dựng dự toán minh bạch hơn, sát thực tế hơn.

Tại các cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẳng thắn nhận phần lỗi chủ quan đối với nhiều công việc bị chậm. Qua trao đổi cho thấy có một số nguyên nhân chính dẫn tới các công việc chậm.

Một là do các đơn vị chủ trì, các chuyên viên được giao nhiệm vụ chưa tận tụy với công việc, chưa nắm chắc nhiệm vụ được giao.

Hai là, trong nhiều trường hợp, các bộ ngành, địa phương chậm trả lời khi được hỏi ý kiến.

Ba là, nhiều nhiệm vụ mới, lớn và khó, đòi hỏi tầm nhìn, thời gian nghiên cứu, như nhiệm vụ nghiên cứu mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có điều kiện; Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nhiệm vụ xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế…

 Kết luận các cuộc làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá các Bộ đã báo cáo cụ thể, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới tất cả các cán bộ, công chức, hết sức đổi mới phương thức làm việc, khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan gây chậm trễ.

Về cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương – vấn đề nổi lên qua các cuộc kiểm tra, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành quy chế làm việc mới với quy định khi lấy ý kiến các Bộ mà không trả lời thì coi như đồng ý và Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm chính trị trước Thủ tướng, đồng thời phải giải trình tại phiên họp Chính phủ.

Với những vấn đề mới, lớn và khó, ý kiến tại các cuộc làm việc thống nhất cho rằng nếu không làm được thì các đơn vị, các Bộ cần thông báo với VPCP, báo cáo lãnh đạo Chính phủ, xin phép lùi thời hạn và phối hợp với các cơ quan khác để giải quyết. Ngoài ra, thấy việc được giao mà không thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình thì thông báo lại.

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cũng đề nghị, với những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các Bộ trong quá trình phối hợp, cần thông báo cho VPCP để tổ chức thảo luận, bàn bạc trực tiếp, đi tới thống nhất, giải quyết vấn đề, không giải quyết được mới trình Chính phủ, Thủ tướng, tinh thần là không đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng.

“Chúng tôi sẽ cáo báo cáo đầy đủ tới Chính phủ, tới Thủ tướng. Đây là nhiệm vụ rất mới, rất va chạm, nhưng được Thủ tướng giao, giả sử có va chạm thì cũng là vì việc chung của Chính phủ, của đất nước. Phải nhận thức rõ như vậy”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Văn phòng Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.