Chữ "uy" và chữ "tâm"
Theo cô Nguyễn Thị Hương, cũng như hiệu trưởng, chủ nhiệm lớp phải nghiêm túc và cần một bộ óc kế hoạch hóa.
Đối tượng quản lý trường học, lớp học là con người phải giáo hóa do đó không thể có một chương trình cài đặt sẵn. Phải lao vào làm.
Thấy đúng thì tổng kết và áp dụng tiếp, thấy sai phải điều chỉnh kế hoạch kịp thời hoặc huỷ bỏ theo quy trình: Xây dựng kế hoạch - thực hiện kế hoạch - kiểm tra kế hoạch - tổng kết và vạch kế hoạch mới.
Bên cạnh đó, rất cần ở chủ nhiệm lớp các phẩm chất nhiệt tình, sâu sát, cần cù, trí nhớ tốt, quan sát tinh, tâm lí giỏi, có khả năng xây dựng đội ngũ cán bộ học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm phải vừa là thầy vừa là bạn của học trò. Đó là lời nói, việc làm, hành động; là trang phục, tư thế tác phong, cách thức cư xử... và sự hấp dẫn trong từng tiết học của thầy của giáo viên chủ nhiệm.
Cô Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, bên cạnh chữ “uy” thì phải nói tới chữ “tâm” của giáo viên chủ nhiệm. Chữ “tâm” được hiểu ở đây là lòng thương yêu trẻ đích thực, là lòng tâm huyết với công việc của mình.
"Người giáo viên chủ nhiệm cần phải quản lý lớp, giáo dục học sinh bằng tình yêu thương. Kinh nghiệm của bản thân tôi: Học sinh yêu quí thầy cô nào thì thích học thích vâng nghe theo lời thầy cô ấy" - Cô Hương chia sẻ.
Làm gương
Trong lớp học, giáo viên chủ nhệm là người để học sinh noi theo. Cách hành động, suy nghĩ, cư xử của giáo viên sẽ ảnh hưởng rất nhiều về quan niệm của học sinh và phụ huynh về giáo viên.
Cô Hương tâm sự: Bản thân tôi vừa là giáo viên chủ nhiệm đồng thời là giáo viên bộ môn Ngữ văn. Vì vậy, khi đến trường hoặc lên lớp, tôi đều có những tác phong làm gương cho học sinh.
Soạn bài trước khi đến lớp, theo tôi, chỉ khi nào thầy cô cảm thấy hứng thú với bài dạy thì sự hứng thú đó mới lây truyền sang học sinh.
Sự hứng thú này đi đôi với việc soạn bài trước và có một chương trình trước cho những gì phải làm trong giờ học thay vì một thái độ "tùy cơ ứng biến".
Giáo vên cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, đồ dùng dạy học trước khi dạy. Người dạy càng tận tâm thì học sinh càng cố gắng học.
Cô Hương cũng bày tỏ quan điểm, khi lên lớp, giáo viên cần có lời nói gọn, rõ ràng, dứt khoát. Khi nói nhìn thẳng vào học sinh, nói thẳng với các em chứ đừng nói như nói với chính mình hay nói khơi khơi giữa lớp. Dùng từ, câu dễ hiểu, hợp với trình độ học sinh.
Một điều rất quan trọng là giáo viên cần biết lắng nghe học sinh nói. Mỗi khi các em phát biểu ý kiến hay nói một điều gì, thầy cô dù bận rộn cũng phải lắng nghe. Có như vậy khi thầy cô nói các em mới chú ý nghe trở lại.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm phải biết thông cảm và chia sẻ những khó khăn của học sinh; trả lời những câu hỏi của các em một cách thấu đáo (nếu chưa có câu trả lời, hứa sẽ tìm câu trả lời chính xác).
Đồng thời, cho học sinh biết là các em có thể điện thoại cho thầy cô để nói chuyện hay hỏi bài vở (cách làm bài, giải thích chữ khó, cách trả lời ...); hỏi về những khó khăn trong đời sống, những khó khăn ở trường... giúp các em giải quyết những khó khăn này.
"Thêm nữa, trong lớp học hay ngoài lớp học, thầy cô còn phải đóng vai người anh, người chị mà các em có thể tin tưởng, nhờ cậy được. Qua đó, các em sẽ biết sống nhẫn nại, kiên trì và giàu lòng nhân ái" - Cô Hương chia sẻ.