Yêu thương là chìa khóa vàng
Đa số thầy cô cho rằng, cực chẳng đã giáo viên mới phải sử dụng đến những quyền mà ban giám hiệu trao cho vì khi sử dụng biện pháp nào đó là lúc học sinh đã vi phạm nội quy trường, lớp.
Mọi biện pháp đều nhằm giúp học sinh tiến bộ và không tái phạm nữa chứ thâm tâm không ai muốn “hành hạ” học sinh. Tuy nhiên có những hình thức xử phạt của thầy cô, nếu không khéo vô hình chung lại vi phạm pháp luật.
Các thầy cô đã kinh qua công tác chủ nhiệm đều nhận định: Giáo viên chủ nhiệm phải chịu phần lớn trách nhiệm về hạnh kiểm của học sinh. Tuy nhiên, đối với học sinh nói chung, đặc biệt lứa tuổi THPT thì việc chỉ dùng lời nói để giáo dục uốn nắn rất khó mang lại hiệu quả.
Cô Ngọc Anh, (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Để có thể cương, nhu đúng lúc và luôn làm chủ những tình huống vi phạm trong lớp học, việc nắm bắt tâm lý tình cảm của học sinh là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với giáo viên chủ nhiệm.
Ngoài việc tìm hiểu tâm lý học sinh, tôi đề ra biện pháp khen chê theo từng nội dung (nội quy). Và luôn phối kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục học sinh.
Yêu thương là chìa khóa của sự thành công trong công tác chủ nhiệm. Bạn hãy luôn tôn trọng học sinh. Khi gặp những sai phạm của học sinh, điều đầu tiên giáo viên chủ nhiệm nên làm là phân tích để các em thấy được sai sót, cho các em cơ hội sửa sai.
Nếu vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần thì hãy chọn các cách phạt mang tính giáo dục như vệ sinh lớp, quét cầu thang... Đồng thời cùng trao đổi với phụ huynh để biết sự thay đổi tâm sinh lí của học sinh và cùng tìm biện pháp giáo dục.
Hãy linh hoạt khi vận dụng nội quy vào tình huống cụ thể và với một học sinh cụ thể. Không có một biện pháp đúng hoàn toàn cho nhiều học sinh. Có như vậy mới khiến học sinh thấy thầy cô "có lý có tình" và mới “tâm phục khẩu phục”.
Những “đặc quyền” của giáo viên chủ nhiệm
Dù sử dụng biện pháp nào để xử lý tình trạng học sinh vi phạm nội quy thì ta cũng dựa trên cơ sở nguyên tắc "Thiện ý sư phạm" và "Hiểu học sinh" của giáo viên chủ nhiệm.
Theo Điều 29 (Nhiệm vụ của giáo viên), trích Điều lệ trường THPT/ 2007: Ngoài những quyền của giáo viên nói chung, giáo viên chủ nhiệm có thêm những quyền sau:
Được dự các giờ học, các hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp mình; Được dự các cuộc họp của hội đồng khen thưởng và hội đồng kỷ luật khi các hội đồng này giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp mình; Được dự các lớp bồi dưỡng, các hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm;
Được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 03 ngày, nếu có lý do chính đáng; Được tính thêm giờ lên lớp hàng tuần khi làm công tác chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, mỗi nhà trường có thể đề ra những quy định và chế tài xử phạt riêng phù hợp với đặc thù và đối tượng học sinh của trường mình. Và mỗi thầy cô có thể dùng kiến thức, kinh nghiệm để đưa ra những quyết định xử lý tốt nhất trong các tình huống cụ thể.
Thầy Phạm Phương (THPT Trương Vĩnh Ký) chia sẻ: Khi học sinh vi phạm, tôi xử lí theo các bước cụ thể, đã được thông qua với tất cả học sinh ngay từ khi tôi bắt đầu “nhậm chức”.
Lưu ý khi xử lý các tình huống, các thầy cô nên ghi lại thật kĩ những vi phạm của học sinh, những lời hứa của học sinh và phụ huynh để tránh phiền hà về sau:
Lần 1: Mời các em vi phạm ở lại sau giờ sinh hoạt lớp để GVCN phân tích cái đúng, cái sai cho các em biết; Lần 2: Khiển trách trước lớp và thông báo cho phụ huynh biết; Lần 3: Viết kiểm điểm có chữ kí của phụ huynh; Lần 4: Cảnh cáo dưới cờ, có thể cho đọc tự kiểm dưới cờ; Lần 5: Mời phụ huynh + Ban giám hiệu + Đoàn trường cùng GVCN giải quyết (sau buổi họp phải có bản cam kết của phụ huynh và học sinh); Lần 6: Đuổi học 1 tuần, ....
Tuy đặt ra các bước xử lý bài bản như thế nhưng qua 16 năm kinh nghiệm làm làm chủ nhiệm lớp, tôi chưa lần nào phải áp dụng đến bước thứ 4 trong "Ba - rem" khung hình phạt mà mình đặt ra.
Hãy làm giáo viên chủ nhiệm trên tình thần “kỷ luật – tận tâm - tình thương – trách nhiệm” để lớp bạn làm chủ nhiệm không bao giờ mất điểm thi đua.