Đổi mới công tác chủ nhiệm lớp

GD&TĐ - Không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng có phương pháp tốt để quản lý lớp; thậm chí, không ít giáo viên còn tỏ ra lúng túng trong một số tình huống sư phạm.

Đổi mới công tác chủ nhiệm lớp

Với cô Lương Thanh Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Phù Cừ  (Hưng Yên), trước thực tế trên, đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực thực sự là phương pháp có hiệu quả.

Với cách làm này, Ban giám hiệu nhà trường cần chủ động trong tất cả các khâu của quá trình quản lí, từ việc lập kế hoạch, bồi dưỡng năng lực và kỹ năng sống cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, tổ chức các nội dung triển khai, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra đánh giá theo hướng đổi mới.

Xây dựng kế hoạch

Với nội dung này, cô Lương Thanh Hằng cho rằng, cần thực hiện thông qua 4 bước.

Trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực cần phải bám sát kế hoạch đã xây dựng; phải giám sát xem trong quá trình thực hiện, GV và học sinh có cần hỗ trợ gì không; phát hiện những bất cập cần có sự ghi chép lại để có thể điều chỉnh kế hoạch trong những năm tiếp theo.

Bước 1:Trang bị cho cán bộ giáo viên nhà trường những kiến thức cơ bản về đổi mới phương pháp quản lí lớp học bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.

Giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm lớp, khối trưởng các khối 10,11,12, nghiên cứu đặc điểm của từng khối, lớp, xây dựng kế hoạch cho từng khối, lớp.

Thảo luận, đóng góp ý kiến, xây dựng kế hoạch, thống nhất thực hiện kế hoạch đề ra. Tập huấn cho giáo viên, cán bộ chỉ đạo, chuẩn bị điều kiện để thực hiện kế hoạch.

Bước 2: Chỉ đạo làm điểm, rút kinh nghiệm (có thể chỉ đạo ở một lớp của một khối)

Bước 3: Chỉ đạo triển khai đại trà việc thực hiện kế hoạch đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực trong toàn trường.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch. Đây là bước quan trọng nhất, vì nó giúp nhà quản lí tổ chức nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được theo kế hoạch đã đã đặt ra, đồng thời xem xét những nguyên nhân dẫn đến thành công hoặc tồn tại hạn chế.

Nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm

Với nội dung này, nhà trường cần tổ chức hội thảo, tập huấn để giáo viên nhận thấy được lợi ích của việc sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực, cung cấp tài liệu, sách báo tham khảo cho giáo viên.

Những nội dung cần nhấn mạnh trong những buổi tập huấn là: Cần chấm dứt trừng phạt thân thể học sinh; lợi tích của việc sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh, giáo viên, nhà trường và cộng đồng.

Đồng thời, xây dựng các cơ chế khuyến khích thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực; từ đó GV chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm và chuẩn bị cho mình một tâm thế tự tin để thay đổi .

Theo cô Lương Thanh Hằng, hiện nay, giáo viên luôn chịu áp lực từ nhiều phía như yêu cầu về chất lượng dạy và học, những khúc mắc trong quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp hay những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày...

Chỉ đạo những nội dung đổi mới 

Ai cũng hiểu tức giận, căng thẳng có thể làm chúng ta có những hành vi nóng giận nhất thời và gây hậu quả tai hại. 

Để hạn chế tình trạng căng thẳng trên, giáo viên nên tự rèn luyện bản thân với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp, hạn chế hút thuốc hoặc dùng chất kích thích.

Các thầy cô cũng có thể giảm căng thẳng bằng việc trau dồi khả năng hài hước, tinh thần lạc quan trước mọi tình huống…

Khơi dậy lòng bao dung, tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và hướng dẫn giáo viên sử dụng một số phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực cụ thể như:

Thay đổi cách cư xử trong lớp học dựa trên cơ sở động viên, khuyến khích, nêu gương, tìm hiểu nhằm thúc đẩy HS có thái độ và hành vi đúng.

GV cần nắm bắt được tình hình, đặc điểm lớp học, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp; không nên cầu toàn, đặt quá nhiều kì vọng vào HS, không nên yêu cầu quá cao ở học trò.

GV cần ghi nhận những cố gắng và kết quả mà các em đạt được về mọi mặt học tập, nề nếp hay tham gia các hoạt động văn thể mĩ của trường. Đồng thời khuyến khích các em phát huy thế mạnh của mình, kích thích sự tích cực của mỗi cá nhân trong lớp học.

GV cần tuyên dương HS có tiến bộ trong mỗi tuần. Sự động viên, khích lệ kịp thời của GV sẽ có sức mạnh cổ vũ sự tự ý thức của HS.

GV nhận xét, góp ý một cách khéo léo về những điều mà các em chưa làm được hoặc làm chưa tốt, không nên chê bai, chỉ trích vì điều đó sẽ làm thui chột đi sự tích cực chủ động ở các em. Hãy để HS cảm nhận được sự tin tưởng của thầy cô dành cho chúng.

Mỗi lời nói, mỗi hành động, tác phong cũng như cách cư xử của GV trên lớp sẽ có tác động không nhỏ đến nhận thức và tình cảm của học trò.

GV sẽ không thuyết phục được HS nghe theo sự chỉ dạy của mình nếu như bản thân không chuẩn mực và thiếu đi sự chân thành. Cho nên, mỗi GV phải là một tấm gương sáng về nhân cách để HS noi theo.

Quan tâm đến những khó khăn của HS: GV nên tìm hiểu kĩ về hoàn cảnh của từng học sinh và đặc biệt chú ý đến những HS có hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn tình cảm do cha hoặc mẹ mất sớm, cha mẹ li hôn, gia đình bất hòa, cha mẹ thiếu sự quan tâm.

Những HS có hoàn cảnh này thường dễ có thái độ sống buông thả, bất cần; vi phạm nội quy lớp học.

GV lúc này không chỉ đóng vai trò là người thầy mà còn là người bạn gần gũi, thân thiện, được HS tin tưởng tâm sự, sẻ chia những khó khăn, vướng mắc của mình. GV cần lắng nghe và gợi ý, định hướng cho HS giải quyết những khó khăn của mình

Tăng cường sự tham gia của HS trong việc xây dựng nội quy. Điều này có ý nghĩa tác động vào tinh thần tự giác của HS, tình thần tôn trọng kỉ luật tập thể mà chính các em đề ra.

Tổ chức các hoạt động xây dựng tập thể lớp: Một tập thể lớp tốt là một tập thể đoàn kết, thân ái, thân thiện, cởi mở, tôn trọng nhau. Để xây dựng tập thể đó GV cần tăng cường tổ chức các hoạt động nhóm, tổ chức trò chơi hoặc hướng dẫn HS tự tổ chức trò chơi trong các giờ sinh hoạt lớp.

GV chia lớp thành 4 tổ, mỗi tổ sẽ đảm nhận nhiệm vụ tổ chức trò chơi trong giờ sinh hoạt của từng tuần. Có phần thưởng dành cho các nhóm. Mỗi tháng hoặc vào những dịp đặc biệt như: 20/10, 20/11…, GV có thể thiết kế trò chơi bằng giáo án Power Point với những hình ảnh và âm thanh sinh động, hấp dẫn.

Biện pháp này sẽ kích thích được sự chủ động, tinh thần tham gia vào hoạt động tập thể của các em.

Trong một số trường hợp HS cá biệt, vi phạm nội quy trường lớp, các biện pháp giáo dục ý thức kỉ luật HS tỏ ra bất lực thì các hình thức kỉ luật bằng hình phạt mới được đưa vào để giáo dục.

Hình phạt chỉ là biện pháp sau cùng nhằm mục đích điều chỉnh những sai phạm của người học. 

Biện pháp kỉ luật bằng hình phạt phải vì lợi ích của HS, không gây tổn hại đến thể xác và tinh thần của các em, để sau mỗi lần bị phạt các em sẽ giác ngộ hơn về đạo đức, lối sống, từ đó chủ động rèn luyện và phấn đấu.

Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động thực tiễn

Tổ chức hội nghị chuyên đề giáo viên chủ nhiệm giỏi, thông qua đó cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả sẽ được giáo viên nhà trường đúc rút thành kinh nghiệm và chia sẻ với đồng nghiệp, những tình huống khó được cùng nhau thảo luận để tìm hướng giải quyết tối ưu nhất.

Đổi mới cách giao ban giáo viên chủ nhiệm hàng tuần theo chuyên đề. Ví dụ. tuần 1 là chuyên đề nâng tính chuyên cần học tập cho học sinh. Tuần 2: Chuyên đề nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho học sinh. Tuần 3: Chuyên đề rèn kỹ năng sống cho học sinh. Tuần 4: Lắng nghe học sinh nói, chia sẻ và cảm nhận.

Lồng ghép trong các hội nghị chuyên đề, BGH đưa những hình ảnh, những tin tức thời sự trong và ngoài nhà trường để GV cùng trải nghiệm, suy nghĩ về tác hại hay lợi ích của nó, từ đó có sự tác động đến việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của giáo viên.

Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề thường xuyên, GV đưa ra những tình huống thực tế của lớp mình để hội nghị thảo luận bàn cách tháo gỡ, phương pháp này giúp giáo viên học tập lẫn nhau, phát huy tốt hiệu quả giáo dục, đặc biệt đối với các giáo viên chủ nhiệm trẻ, tuổi đời, tuổi nghề chưa nhiều…

BGH nhà trường cũng cần chỉ đạo những giờ sinh hoạt điểm, tổ chức bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực, tạo sự giao lưu giữa thầy và trò trong trường, sau đó đức rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện đại trà.

Đồng thời, tổ chức các cuộc thi đồng đội nhân các ngày lễ lớn mà đối tượng là cả thầy và trò các lớp cùng tham gia, tạo sự đồng điệu gắn kết, thân thiện giữa thầy và trò.

Kiểm tra, đánh giá

Lãnh đạo nhà trường thường xuyên phân công tham gia, theo dõi và điều chỉnh các hoạt động đổi mới nói trên thông qua vai trò của Tổ trưởng, khối trưởng chủ nhiệm, đặc biệt thông qua việc tăng cường hoạt động của kiểm tra đánh giá giáo viên nhà trường.

Công tác kiểm tra việc đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực cần được đổi mới theo hướng coi trọng chức năng phát hiện để phòng ngừa, điều chỉnh, tư vấn cho giáo viên hơn là chỉ tập trung truy tìm sai sót.

Nhà trường nên kết hợp giữa đánh giá của cá nhân với đánh giá kết quả thi đua của học sinh để xác định những vấn đề chung cần giải quyết trong tình hình thực hiện đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp. Thay lối kiểm tra hành chính thủ tục, bằng coi trọng kiểm tra hoạt động giáo dục trên lớp của GV và HS.

Đổi mới công tác đánh giá thi đua GVCN và lớp học trên cơ sở chú trọng những tiêu chí, những quy định của nhà trường trong việc tham gia thực hiện đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp của mỗi bộ phận, cá nhân.

Song song đó, cải tiến công tác thi đua trong nhà trường trên cơ sở đánh giá đúng và có chế độ khuyến khích, động viên kịp thời các hoạt động đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.

Cô Lương Thanh Hằng cũng lưu ý biện pháp xây dựng hệ điều kiện cho đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp. Nội dung này có thể thực hiện bằng việc đa dạng hoá, tích cực hoá hoạt động bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm tại nhà trường; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong và ngoài nhà trường và làm tốt công tác thi đua khen thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ