Chia sẻ về nội dung này, cô Lê Thị Hương - Giáo viên Trường THPT Triệu Sơn (Thanh Hóa) qua thực tế làm công tác chủ nhiệm, nhận thấy rằng, nếu giáo viên chỉ đưa ra những quy định mang tính chủ quan, áp đặt, chưa chủ động tìm hiểu, gần gũi học sinh thì chắc chắn hiệu quả của công tác giáo dục không cao.
Tìm hiểu, nắm bắt đối tượng học sinh
Cô Hương cho biết, việc đầu tiên khi nhận lớp chủ nhiệm là tiến hành tìm hiểu, nắm bắt thông tin về đối tượng học sinh qua các kênh thông tin khác nhau.
Cụ thể: Thực hiện điều tra qua học bạ năm học trước của học sinh, qua giáo viên chủ nhiệm cũ (nếu bản thân giáo viên không chủ nhiệm các em từ lớp 10);
Lập phiếu điều tra các thông tin cá nhân học sinh với các thông tin cơ bản về gia đình, cá nhân; chỉ tiêu phấn đấu trong năm học; sẽ làm gì để đạt được chỉ tiêu phấn đấu của bản thân và góp phần xây dựng tập thể lớp vững mạnh; ứớc mơ về nghề nghiệp sau này; nguyện vọng, ý kiến, đề nghị gì với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường...
Sau khi nắm được thông tin cá nhân của từng học sinh, tiến hành phân loại học sinh theo các tiêu chí: Học lực - hạnh kiểm - thi học sinh giỏi - năng khiếu các lĩnh vực; khả năng làm cán bộ Đoàn, cán bộ lớp; hoàn cảnh gia đình, địa bàn cư trú, sở thích cá nhân…
Đối với những học sinh cá biệt, cần tìm hiểu kĩ qua bạn bè, gia đình, giáo viên bộ môn và các kênh thông tin khác để có biện pháp giáo dục thích hợp.
Sự phân loại và các thông tin trên sẽ là căn cứ để lựa chọn những em có năng lực nhiệt tình vào Ban cán sự lớp, BCH chi đoàn đồng thời cũng là cơ sở để đưa ra những biện pháp phù hợp trong việc giáo dục học sinh lớp chủ nhiệm.
Lựa chọn cán sự lớp và ban chấp hành chi đoàn
Cô Hương cho rằng, việc lựa chọn được đội ngũ cán sự tốt có ý nghĩa rất lớn đối với sự thành công của công tác chủ nhiệm và sự đi lên của tập thể lớp chủ nhiệm.
Cơ sở lựa chọn sẽ căn cứ vào hồ sơ học bạ của học sinh, căn cứ vào những thông tin cá nhân của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm đã thu thập được; căn cứ sự tín nhiệm của tập thể lớp và căn cứ vào sự nhiệt tình, năng nổ, ý thức tổ chức kỷ luật, tính gương mẫu, các biểu hiện ban đầu của học sinh trong tập thể lớp.
Giáo viên chủ nhiệm phân công nhiệm vụ cho ban cán sự lớp, đại diện cho lớp, chịu trách nhiệm trước giáo viên chủ nhiệm và nhà trường về toàn bộ hoạt động học tập, rèn luyện, đời sống của lớp trong thời gian học. Ban cán sự lớp do tập thể lớp bầu ra, được giáo viên chủ nhiệm quyết định công nhận. Nhiệm kỳ của Ban cán sự lớp là một năm.
Ban cán sự lớp gồm: Lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó văn thể, lớp phó lao động, bốn tổ trưởng, cán sự các bộ môn; ban chấp hành chi đoàm gồm bí thư, phó bí thư và một ủy viên.
Khi đã tìm được đội ngũ cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm cần bồi dưỡng cho các em có ý thức trách nhiệm cao đối với lớp, phục vụ tập thể lớp, biết phê bình và tự phê bình. Bồi dưỡng cho các em có phương pháp quản lý lớp.
Mỗi tháng họp một lần để tổng kết rút kinh nghiệm, giao kế hoạch nhiệm vụ tháng tới, mua sổ theo dõi. Mỗi tuần giao ban một lần vào 15 phút sinh hoạt đầu giờ thứ 6 để thứ 7 có số liệu sinh hoạt và khen, chê kịp thời.
Khi xây dựng đội ngũ cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm cũng cần chú ý chọn đúng nguồn, tránh việc thay cán bộ lớp, không phó mặc việc lớp cho đội ngũ cán bộ lớp.
Lập sơ đồ tổ chức lớp học.
Khi sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh trong lớp, cô Hương cho biết mình không quá áp đặt và cũng không đưa ra tiêu trí xếp nam, nữ ngồi cạnh nhau mà dựa trên các cơ sở sau:
Căn cứ vào tình trạng sức khỏe của học sinh: Học sinh thấp trước, cao sau; học sinh mắt yếu ngồi gần bảng.
Căn cứ vào học lực của học sinh: Học sinh yếu kém, chậm tiến ngồi trước; học sinh khá giỏi ngồi sau. Căn cứ vào nhiệm vụ của ban cán sự lớp.
Lưu ý: Học sinh cần ngồi đúng theo sơ đồ lớp học dưới sự giám sát của giáo viên bộ môn trong các tiết học, của bàn trưởng, tổ trưởng…
Giáo viên cần có sự điều chỉnh chồ ngồi của học sinh kịp thời nếu thấy sự bất hợp lí theo phản ánh của chính bản thân học sinh, cán sự lớp, giáo viên bộ môn,… Ví dụ mất trật tự, không chú ý, nhận thức chậm.
Xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể
Căn cứ vào đặc điểm tình hình lớp, mỗi năm học cô Hương đều lập tiêu trí thi đua, mục tiêu cụ thể, các giải pháp thực hiện rồi công bố trước lớp được tập thể học sinh nhất trí tại cuộc họp Chi đoàn, thông qua và xin ý kiến phụ huynh tại cuộc họp phụ huynh đầu năm.
Sau đó thống nhất, đưa ra cho tập thể lớp thực hiện, lấy đó làm cơ sở để xếp loại thi đua. Có sự điều chỉnh và thay đổi, bổ sung kịp thời tùy theo tình hình thực hiện nội quy, nề nếp và ý thức rèn luyện của học sinh.
Đề ra định mức khen thưởng và kỉ luật kịp thời: thông qua cuộc họp phụ huynh đầu năm, giữa năm,…..
Các hình thức khen thưởng gồm có: Học sinh giỏi cấp tỉnh; học sinh giỏi toàn diện; học sinh tiến tiến; học sinh có nỗ lực nhất lớp; cán bộ lớp xuất sắc; tập thể tổ xuất sắc,…
Những khen thưởng đăc biệt khác như: Tham gia các hội thi và đạt thành tích cao, có hành động dũng cảm cứu người, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, nhặt được của rơi trả người đánh mất và các hành động đáng được khen ngợi khác…
Rèn ý thức tự giáo dục bằng sổ tự cập nhật
Cùng với thực hiện và phát huy tác dụng của sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ ghi chép của lớp trưởng, lớp phó, cán sự bộ môn, tổ trưởng, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã công phu sáng tạo, biến quá trình quản lý, giáo dục của giáo viên thành quá trình tự giáo dục của trò bằng một loại sổ thật đơn giản, nhưng thật ý nghĩa.
Bản thân cô Hương đã lập một quyển sổ với tên “Nhật kí học tập ” và treo vào một vị trí trang trọng trong lớp.
Ở sổ này, sau mỗi buổi học, các em có thành tích tốt trong buổi học và những em còn bị phê bình, nhắc nhở tự ghi nhật ký về những điều mình đã làm được hoặc nhưng sai sót mà mình mắc phải có chữ ký xác nhận của tổ trưởng.
Mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm sẽ tổng kết nhận xét, đánh giá, khen thưởng và phê bình, nhắc nhở kịp thời.
Mỗi học sinh khi soi mình trong đó cũng tự có ý thức cần nỗ lực và cố gắng hơn và điều quan trọng là thông qua việc làm này các em biết nhận lỗi và sửa lỗi.
Phát huy vai trò của cha mẹ học sinh
Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với giáo viên bộ môn và các tổ chức đoàn thể, cô Hương cho biết, trong quá trình làm công tác chủ nhiệm, việc phối hợp với hội cha mẹ và gia đình học sinh, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình học tập và rèn luyện, những biểu hiện bất thường của học sinh với gia đình là việc làm mang lại hiệu quả giáo dục rất lớn.
Để thực hiện điều này, giáo viên chủ nhiệm cần tổ chức và thực hiện tốt các kỳ họp phụ huynh học sinh do nhà trường đề ra;
Đi thăm trao đổi trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với gia đình học sinh khi cần thiết;
Mời phụ huynh học sinh đến trường để trao đổi về việc giáo dục học sinh khi có những hiện tượng bất thường và khẩn cấp;
Liên hệ thường xuyên với Ban chấp hành Hội phụ huynh học sinh để tích cực hoá các hoạt động của hội phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục;
Mỗi chủ điểm sinh hoạt trọng tâm mời Chi hội trưởng Hội phụ huynh học sinh dự buổi sinh hoạt ngoại khóa;
Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình qua sổ liên lạc và qua điện thoại;
Cung cấp cho phụ huynh số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để phụ huynh tiện liên hệ khi cần thiết.
Quan tâm đặc biệt đến học sinh cá biệt
Bên cạnh việc nhấn mạnh việc đổi mới giờ sinh hoạt lớp, cô Hương cũng lưu ý những biện pháp giáo dục học sinh cá biệt.
Theo đó, với những học sinh này, giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu lý lịch, tính cách học sinh, tìm hiểu điểm yếu, thế mạnh của những học sinh này. Kết hợp với giáo viên bộ môn, nhà trường, gia đình.
Đối với học sinh cá biệt, giáo viên chủ nhiệm không được nóng vội mà phải kiên trì uốn nắn dần, khi đưa ra tập thể lớp không nói nhiều, khi gặp riêng không được chì trích mà nhẹ nhàng tâm sự và phân tích.
Có thể giao cho học sinh cá biệt một số việc phù hợp với năng lực của bẩn thân các em và sau đó phải động viên khuyến khích kịp thời những việc em làm tốt.
Cũng cần lập kế hoạch cho cán sự lớp để thành lập các đôi bạn cùng tiến; luôn thông báo kịp thời các thông tin về học sinh với gia đình và ngược lại.
“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải gần gũi, thân thiện, biết lắng nghe để học sinh cá biệt giải bày được tâm tư, khúc mắc để cùng giáo viên bộ môn và gia đình phối hợp giáo dục” - Cô Hương cho hay.