Trong tuyên bố trên kênh truyền hình NTV, Bộ trưởng Yasar Guler cho biết, những hệ thống S-400 sẽ được sử dụng khi cần thiết nhưng hiện tại chúng vẫn được nằm trong kho của quân đội.
"S-400 là vũ khí phòng thủ. Nếu chúng tôi bị tấn công, liệu chúng tôi có sử dụng vũ khí đó để đáp trả không? Quân đội của chúng tôi ở cấp độ chuyên nghiệp biết phải làm gì và làm như thế nào.
Nếu tình huống đó đòi hỏi phải sử dụng vũ khí phòng thủ thì khi đó những người có thắc mắc về những vũ khí này sẽ biết S-400 hoặc các hệ thống phòng không khác của chúng tôi sẽ được sử dụng như thế nào", ông Yasar Guler nói.
Tuyên bố được Bộ trưởng Yasar Guler đưa ra khi nói về tình trạng những hệ thống đánh chặn S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trái ngược với những gì được người tiền nhiệm Hulusi Akar đưa ra trước đó.
"Hệ thống phòng không S-400 Thổ Nhĩ Kỳ đã và sẽ luôn được triển khai trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu để đối phó với mọi mối đe dọa", ông Hulusi Akar nói.
Mặc dù vậy, ông không nói rõ những hệ thống S-400 này đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu từ thời điểm nào và đang được triển khai ở đâu.
Tuy nhiên ông Akar khẳng định quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không gặp vấn đề nào trong quá trình vận hành hệ thống S-400, nhấn mạnh hợp đồng mua các tổ hợp vũ khí này từ Nga chỉ được tiến hành sau khi Mỹ không đáp ứng đề xuất bán các hệ thống phòng không tầm xa cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký thỏa thuận mua bán tổ hợp S-400 đầu tiên vào tháng 12/2017 với trị giá khoảng 2,5 tỷ USD, bất chấp phản đối của Mỹ. Ankara đã nhận được những chuyến hàng đầu tiên vào tháng 7/2019.
Mỹ sau đó áp các biện pháp hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12/2020, loại Ankara khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35, với lý do S-400 có thể đe dọa hệ thống phòng không tích hợp của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ khi đó chỉ trích động thái này không công bằng.
Thổ Nhĩ Kỳ được xem là đồng minh khiến Mỹ và NATO đau đầu, khi luôn có những động thái đi ngược mục tiêu chung của liên minh.
Ankara không những không tham gia cùng các nước phương Tây để áp lệnh trừng phạt với Nga mà nước này còn rất tích cực đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Kiev và Moskva, trong đó có nỗ lực giải phóng ngũ cốc ở Ukraine.