Ông Blinken thừa nhận Mỹ hưởng lợi nhờ viện trợ quân sự

GD&TĐ - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 8/12 cho biết, việc viện trợ Ukraine giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng.

Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Stinger do Mỹ cung cấp.
Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Stinger do Mỹ cung cấp.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng

Tuyên bố được ông Blinken đưa ra sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh David Cameron tại Washington:

"Nếu nhìn vào các khoản đầu tư của chúng tôi dành cho quốc phòng Ukraine để đối phó với xung đột, 90% hỗ trợ an ninh mà chúng tôi đã cung cấp thực tế được chi cho các nhà sản xuất tại Mỹ".

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh các khoản chi này "tạo ra nhiều việc làm hơn cho Mỹ và giúp nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng mạnh hơn", ngoài việc củng cố chính trị toàn cầu và an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Cameron cùng ngày kêu gọi Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, trong bối cảnh quốc hội Mỹ đang tranh cãi về dự luật hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Chiến dịch viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đang hỗ trợ công nghiệp quốc phòng của nước này theo những cách quan trọng khác.

Trong đó, Ba Lan đã gửi 250 xe tăng cũ và trực thăng tấn công Mi-24 do Liên Xô sản xuất tới Ukraine và ký các thỏa thuận trị giá hơn 18 tỷ USD mua xe tăng M1A2 Abrams mới do Mỹ sản xuất và máy bay trực thăng Apache.

Ngoài ra, Phần Lan đang mua 64 chiếc F-35 với giá 9,4 tỷ USD và tặng F/A-18 Hornets, trong khi Na Uy đang mua 52 chiếc F-35 và trang bị cho chúng bom Stormbreaker.

"Do áp lực ngân sách hiện tại đối với chi tiêu của Bộ Quốc phòng, quân đội Mỹ sẽ khó có thể tự hiện đại hóa thiết bị cần thiết này… Tuy nhiên, bằng cách chuyển vũ khí và trang bị cũ sang Ukraine, đổi lại Quân đội sẽ nhận được nhiều vũ khí hiện đại hơn", Thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu John G. Ferrari thừa nhận.

Việc viện trợ vũ khí cho Ukraine được đánh giá như một chiến lược đầy khôn ngoan của Mỹ nhằm tiếp thêm sinh lực cho ngành sản xuất của nước này và hiện đại hóa kho vũ khí quân sự của Mỹ.

Cách tiếp cận này phục vụ một mục đích kép: hỗ trợ các nỗ lực quốc phòng của Ukraine bằng cách gửi cho họ những vũ khí cũ và lạc hậu, đồng thời nâng cấp cho quân đội Mỹ những thiết bị mới hơn, hiện đại hơn.

Phản ứng của Nga

Bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc họp báo ngày 8/12 nói "người Mỹ khá thực dụng và đương nhiên thịnh vượng của bản thân là vấn đề quan trọng nhất đối với họ".

"Ukraine nên hiểu rằng nước này không phải mối quan tâm chính của Mỹ. Washington luôn quan tâm nhiều hơn đến người Mỹ, thậm chí cả khi phải đánh đổi một lượng rất lớn người Ukraine", ông Peskov nói.

Ông Peskov cho biết thêm, Mỹ đã thu hàng tỷ USD từ nguồn khí đốt hóa lỏng giá cao bán cho châu Âu. Mỹ cũng phải đảm bảo việc làm trong nước và nguồn thu thuế cao hơn khi họ trao hợp đồng cho các hãng vũ khí nước này.

Mỹ là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine với hơn 76 tỷ USD, trong đó có 46,6 tỷ USD viện trợ quân sự và 26,4 tỷ USD viện trợ tài chính, đồng thời liên tục cam kết ủng hộ quốc gia Đông Âu đến khi nào cần thiết.

Clip cường kích Su-34 Nga tấn công đơn vị Ukraine tại tiền tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...