Tính toán kỹ về thuế

GD&TĐ - Đánh thuế bất động sản là chủ trương đúng đắn, để hiện thực hóa chủ trương này cần có lộ trình và bước đi rõ ràng, đặc biệt với thuế nhà ở và đất ở.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Việc đánh thuế bất động sản được đề cập mới đây trong dự thảo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, qua nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ đề nghị đưa dự luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Đánh thuế bất động sản là chuyện sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra. Bởi lẽ, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất của Trung ương yêu cầu phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai.

Trong đó, quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Bên cạnh đó, như dự thảo báo cáo của Chính phủ nêu, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sau hơn 10 năm triển khai đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế gần đây, chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã phát sinh một số điểm hạn chế, cần được sửa đổi cho phù hợp.

Theo định hướng ban đầu của cơ quan chức năng, sẽ đánh thuế cả nhà ở (gồm cả chung cư) và đất ở. Cụ thể, sẽ đánh thuế trên toàn bộ diện tích đất ở, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với đất được xác định theo ngưỡng giá trị.

Đồng thời, tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản nhằm đảm bảo đơn giản, dễ tính toán, dễ thực hiện, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhà, đất lấn chiếm, bỏ hoang sẽ phải chịu mức thuế suất cao.

Đánh thuế bất động sản là chủ trương đúng đắn. Không thể để một người sở hữu nhiều nhà, đất mà không đưa vào khai thác, chỉ chờ giá tăng để bán, vừa ảnh hưởng đến nền kinh tế vừa tạo ra sự không công bằng.

Hiện nay, tình trạng đất đai bỏ hoang rất nhiều, hoặc người sở hữu nhiều nhà nhưng không khai thác cũng vô cùng lãng phí.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương này cần có lộ trình và bước đi rõ ràng, đặc biệt với thuế nhà ở và đất ở. Trước hết, việc xác định ngưỡng giá trị để áp dụng biểu thuế lũy tiến đối với đất ở, nhà ở cần đảm bảo mục tiêu tạo được sự đồng thuận của người dân, có tính toán đến mức độ điều tiết, khả năng nộp thuế của người dân.

Phải bảo đảm bảo hầu hết các thửa đất ở, nhà ở nông thôn, có giá trị thấp đến trung bình đều ở dưới ngưỡng, đảm bảo từng bước thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy thuế suất cũng rất khác biệt giữa đất và nhà được sử dụng với các mục đích khác nhau, mỗi loại tài sản đều có phân tầng và có mức thuế suất riêng.

Thuế suất phải tính trên những nguyên tắc mang tính công bằng và phân phối dựa trên thu nhập của người dân, đồng thời có tính đến mục đích sử dụng tài sản của chủ sở hữu. Vì vậy, muốn đánh thuế, cơ quan chức năng phải điều tra, thống kê, theo dõi, quản lý sát sao để hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ mới tạo nền tảng xem xét, định giá.

Đặc biệt, sự đồng thuận của nhân dân là rất cần thiết do đây là việc khó và liên quan tới tất cả người dân. Vì vậy, để tránh những hệ lụy đáng tiếc gây mất ổn định cuộc sống thì cơ quan chức năng, chính quyền rất cần tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thời lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.