Đề xuất áp thuế cao với người lướt sóng bất động sản liệu có khả thi?

GD&TĐ - Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu áp dụng thuế cao hơn đối với giao dịch BĐS có thời gian nắm giữ ngắn để hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng BĐS.

Đề xuất áp thuế cao với người lướt sóng bất động sản liệu có khả thi?

Áp thuế cao hạn chế đầu cơ, bong bóng bất động sản

Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để trình Chính phủ.

Trong đó, nghiên cứu bổ sung quy định về thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ. Cụ thể, cơ quan này đề xuất nghiên cứu áp dụng thuế suất cao hơn đối với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn để hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Hiện nay, khi thị trường địa ốc nóng sốt, người lướt sóng có thể mua vào bán ra trong vài ngày đến vài tuần hoặc một vài tháng để chốt lời. Khi thị trường trầm lắng, thời gian lướt sóng có thể kéo dài nhiều quý.

Tại Việt Nam, mức thuế suất áp dụng với người nắm bất động sản trong thời gian ngắn, theo các chuyên gia cần được xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.

Theo Bộ Tư pháp, thực tế thời gian qua, thị trường đã phát sinh tình trạng cá nhân thực hiện hoạt động chuyển nhượng bất động sản nhưng kê khai giá chuyển nhượng trong hồ sơ khai thuế thấp hơn nhiều so với giá thực tế mua bán nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế.

Do đó, Bộ đánh giá quy định chính sách thuế điều tiết đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản hợp lý sẽ góp phần hạn chế đầu cơ, bong bóng bất động sản. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần nghiên cứu để điều tiết thuế cao hơn khi chuyển nhượng đối với các trường hợp đầu cơ sở hữu 3, 4... bất động sản trong thời gian ngắn gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

Dự thảo cũng đề cập đến một số quốc gia đã sử dụng công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ, giảm sức hấp dẫn của việc lướt sóng bất động sản, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Do đó, rà soát nhằm sửa đổi quy định về giá chuyển nhượng bất động sản để tính thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới.

Việc sửa đổi quy định về xác định giá chuyển nhượng bất động sản nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên thị trường, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước về bất động sản.

Theo báo cáo của cơ quan thuế, năm 2022, số thu từ thuế chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản dự kiến đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với năm 2021. Số thu này có được là nhờ giao dịch bất động sản hai quý đầu năm khá sôi động.

Đề xuất áp thuế cao hơn đối với giao dịch bất động sản có thời gian nắm giữ ngắn để hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Đề xuất áp thuế cao hơn đối với giao dịch bất động sản có thời gian nắm giữ ngắn để hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Được biết, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản hiện nay là 2%. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, quyền thuê đất, thuê mặt nước và các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

Lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cao

Thị trường đầu tư bất động sản hiện nay vẫn được xem là một kênh đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cũng cao. Trong đó, thực trạng xuống tiền theo thông tin thị trường nóng sốt hoặc lời chào mời mua suất ngoại giao… đã khiến nhiều nhà đầu tư mới rơi vào thế mắc kẹt dài hạn.

Theo một báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, các dấu hiệu rõ nét của thị trường bất động sản là xuất hiện bong bóng cục bộ và giá cao nhưng khả năng thanh khoản thấp.

Các chuyên gia cho rằng, hệ luỵ của cơn sốt giá rất lớn. Đầu tiên, đó chính là hiện tượng nhà đầu tư "bỏ cọc" làm náo loạn thị trường. Từ đó, thiệt hại sẽ thuộc về những nhà đầu tư đưa ra quyết định sai lầm, gây tâm lý cẩn trọng quá mức cho các nhà đầu tư đến sau. Chính điều này cũng khiến khu vực xảy ra sốt nóng khó thu hút được dòng tiền đầu tư do mức giá neo ở ngưỡng cao.

Mặt khác, thị trường "gãy sóng" đến từ việc giá bất động sản đẩy lên quá cao. Các nhà đầu tư cũng đã thông thái trong quyết định xuống tiền vào bất động sản.

Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng và tính toán để đi đường dài. Cụ thể, nếu đi đường dài, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư cần nắm chắc 3 nguyên tắc quan trọng để xác định giá trị bất động sản.

Thứ nhất là điện, đường, trường, trạm. Thứ hai là chính sách phát triển kinh tế tại địa phương. Thứ ba là có sự hiện diện của các “ông lớn” về bất động sản hoặc sản xuất, tạo sức hút người dân về sinh sống và làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ