Thu thuế nhà, đất thứ hai liệu có ngăn chặn được đầu cơ bất động sản?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên.

Thu thuế nhà, đất thứ hai liệu có ngăn chặn được đầu cơ bất động sản?

Tình trạng đầu cơ bất động sản đã diễn ra trong nhiều năm và chưa được xử lý triệt để là do không có đủ công cụ để xử lý và hệ lụy là nhiều đợt “sốt đất” diễn ra tại hầu hết các địa phương.

Mới đây, UBND TP.HCM đã xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố.

Đáng chú ý, trong dự thảo này, TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên. Trong đó, 2 phương án thu thuế bất động sản thứ hai đã được địa phương này đưa ra để lựa chọn và áp dụng.

Phương án thứ nhất, thành phố sẽ thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan quy định mức thuế, thuế suất, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Phương án thứ hai, TP.HCM sẽ áp dụng tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên địa bàn gồm lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.

Theo đó, mức tăng do HĐND TP.HCM quyết định, gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng.

Theo UBND TP.HCM, thu thuế nhà đất thứ hai trở lên sẽ có 3 thách thức cho thành phố. Đó là phải đảm bảo điều chỉnh bất cập trong hệ thống thuế hiện hành vì chưa phân biệt rõ đối với tài sản thứ hai trở lên; phải đảm bảo điều chỉnh đúng đối tượng; rà soát cơ sở dữ liệu về nhà ở, định giá nhà đất, thông tin nhà đất trên phạm vi một địa phương và sự liên kết thông tin với các địa bàn khác.

Đối với phương án 1, TP.HCM cho rằng khi thực hiện sẽ tác động sâu rộng đến người dân. Do vậy, phương án này cần được tính toán cụ thể.

Với phương án 2, trước mắt có thể điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn, làm tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới.

Ngoài ra, giải pháp này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này.

TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên.

TP.HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên.

Trước đó, tháng 12/2022, UBND thành phố trình lên Chính phủ việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.

Nghị quyết 54 được Quốc hội ban hành ngày 24/11/2017, với 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM nhằm tạo động lực mới để "siêu đô thị" bứt phá đi lên.

Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 54, thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng cho rằng, việc thu thuế bất động sản thứ hai hiện nay có thể thực hiện vì cơ sở dữ liệu thông tin cư dân như căn cước công dân đã khá phổ biến.

Tuy nhiên việc đánh thuế cần phải chuẩn bị xây dựng cho cụ thể, rõ ràng và công bằng giữa các khu vực. Ví dụ nội - ngoại thành, đô thị - nông thôn, nhà đất ở và bất động sản dùng để sản xuất kinh doanh.

“Việc thí điểm riêng tại TP.HCM cũng cần xem xét tính đến vấn đề người dân có 1 căn nhà ở tại TP.HCM nhưng sở hữu 1 bất động sản ở tỉnh khác thì tính sao? Việc đánh thuế căn nhà thứ hai thì sớm muộn cũng làm, chỉ là hiện nay chưa đúng thời điểm và quan trọng nhất là phải có khung luật đầy đủ”, chuyên gia Nguyễn Hoàng phân tích.

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, trong bối cảnh giá nhà đất hiện nay quá cao do tình trạng đầu cơ, sốt ảo, việc UBND TP.HCM đề xuất thu thuế người sở hữu bất động sản thứ hai là cần thiết, nhưng chỉ nên làm thí điểm để đánh giá tính hợp lý trước khi áp dụng đại trà.

Luật sư Hậu cũng cho rằng, thí điểm là theo giá nhà hay là theo giá đất, bởi vì thị trường người ta mua nhà đất rất nhiều loại, để làm sao có hiệu quả toàn quốc, để điều tiết đồng vốn trong lĩnh vực này.

Do vậy, việc đánh thuế có thể sẽ làm người mua cân nhắc hơn; qua đó cũng có thể phần nào giảm bớt việc đầu cơ bất động sản, đồng thời góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách nếu thành phố làm nghiêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.