Quản lý theo tinh thần “kiến tạo phát triển”
Xuất phát từ mục tiêu đổi mới thể chế và mở rộng dân chủ, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng tinh thần “kiến tạo phát triển” nhằm nâng cao khả năng quản lý và điều hành. Quán triệt đường lối chỉ đạo trên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH vừa mới công bố chứa đựng những quy định chi tiết, tạo hành lang pháp lý cho Bộ chủ quản thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về giáo dục theo tinh thần chung của Chính phủ.
ThS Lê Văn Phúc, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, cho rằng : “Với dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT có cơ sở tập trung vào công tác quản lý ở tầm vĩ mô, phối hợp với các bộ ngành khác, giúp giảm nhẹ đầu mối công việc. Bộ không cần quản lý bằng cách bám sát đến từng nội dung chương trình hoạt động của nhà trường, điều đó là cơ hội cho các cơ sở giáo dục ĐH nhận lãnh trách nhiệm tự chủ”.
Luật sửa đổi, bổ sung cũng gắn kết công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH với những mục tiêu cụ thể và thực chất, như đáp ứng “nhu cầu xã hội và thị trường lao động trong từng thời kỳ; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân”. N
ội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH được quy định chi tiết, có tầm bao quát cao, từ đó xác định phương hướng phát triển của hệ thống giáo dục đại học phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội và xác định căn cứ để tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ chủ yếu, các cơ sở giáo dục đại học và các ngành chất lượng cao.
Nội dung quản lý ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cho giáo dục ĐH cũng có sự thay đổi đáng kể. Theo ThS Lê Văn Phúc: “Tại khoản 2, điều 12 Luật GDĐH năm 2012, hoạt động đầu tư mang tính cấp tập và khẩn trương, diễn ra trên diện rộng, cụ thể là tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục ĐH, đầu tư có trọng điểm để hình thành một số cơ sở giáo dục ĐH chất lượng cao, theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao, ngành kinh tế - xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới”.
Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định lại việc đầu tư ngân sách nhà nước thông qua các đề án, dự án, chương trình, nhấn mạnh vào chính sách tín dụng sinh viên. Luật sửa đổi, bổ sung còn đề xuất hình thức phân bổ ngân sách bằng cách đấu thầu, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
“Điều này đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục ĐH. Trường nào có năng lực thực sự sẽ thụ hưởng khoản đầu tư xứng đáng. Quy định mới về quản lý ngân sách sẽ kiến tạo không gian phát triển rộng mở cho tất cả các trường ĐH” - ThS Lê Văn Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Ly, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục: Các điều luật sửa đổi, bổ sung cần xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên ngân sách như khoa học xã hội, và đặc biệt là khoa học giáo dục. Đó là những khoảng trống mà nhà nước phải lấp đầy, nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Đẩy mạnh tự chủ ĐH và nâng cao trách nhiệm giải trình
Quá trình đẩy mạnh tự chủ ĐH được đảm bảo bằng các nền tảng pháp lý vững chắc trong nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012. Điểm mới của việc sửa đổi, bổ sung Điều 66 là trao quyền cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập “tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư”, tự chủ trong quyết định đầu tư dự án; sử dụng vốn, tài sản và thương hiệu để liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học; nội dung và mức chi từ nhiều nguồn thu…
Trước đây, Luật GDĐH năm 2012 quy định rất chi tiết về công tác quản lý, cụ thể là cơ quan có thẩm quyền quy định khối lượng, cấu trúc chương trình, soạn thảo, xuất bản, in ấn, phát hành giáo trình, tài liệu giảng dạy (khoản 3, Điều 68). Nhưng sau khi sửa đổi, bổ sung thì công tác này chỉ còn tập trung vào quy định chuẩn chương trình đào tạo các trình độ, tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Cơ quan có thẩm quyền chỉ cần xây dựng, ban hành và thẩm định chương trình đào tạo.
Trong hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, Điều 45 của Dự thảo quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định các ngành không được liên kết đào tạo và phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Có thể nói, cơ quan quản lý nhà nước đã lựa chọn tư duy “chọn bỏ” (quy định danh mục không cấp phép) thay vì “chọn cho” (xét duyệt tuần tự đối với mỗi đề án, đối tượng) nhằm tạo thuận lợi cho các trường tự chủ trong quá trình liên kết.
Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung thiết kế không gian rất thông thoáng để các trường tự chủ hoạt động nhưng TS Phạm Thị Ly cũng lưu ý hai vấn đề xoay quanh việc tăng cường quyền tự chủ: Thứ nhất, quyền tự chủ là một trong những điều kiện cần, tuyệt nhiên không phải là điều kiện đủ để nâng cao chất lượng. Thứ hai, quyền tự chủ sẽ không có mấy ý nghĩa nếu như năng lực lãnh đạo không đủ mạnh. Được quyền chủ động trong chương trình đào tạo là một chuyện, tạo ra những chương trình đào tạo tốt lại là chuyện khác.
Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định thêm “trách nhiệm giải trình trong các hoạt động”, bên cạnh quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH (khoản 1, Điều 32). TS Phạm Thị Ly khẳng định:
“Trách nhiệm giải trình gắn với khả năng biện minh, nghĩa vụ pháp lý, tức là liên quan tới sự mong đợi về khả năng chịu trách nhiệm. Trách nhiệm giải trình là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách được đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý; gắn với nghĩa vụ báo cáo, giải thích, biện minh cho mọi hậu quả của những việc đã làm”.
Tự chủ ĐH không thể tách rời trách nhiệm giải trình của nhà trường, và việc thừa nhận quyền tự chủ không thể tách rời việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu để các trường thực hiện trách nhiệm giải trình. Đây là vấn đề được Luật sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ.
Xây dựng cơ chế quản trị hiệu quả thông qua hội đồng trường
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung định nghĩa: “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện các bên có lợi ích liên quan và đại diện quyền sở hữu nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học” (khoản 2, Điều 16). Dự thảo đã đạt được bước tiến đáng kể khi cải thiện thẩm quyền của hội đồng trường theo hướng thực chất, xác định rõ ràng chức năng quản trị và đại diện quyền lợi của các bên.
Đây là cơ sở rất quan trọng, làm tiền đề cho những quy phạm tại khoản 3, điều 16. Điều khoản này quy định cụ thể về thành viên hội đồng trường. Ngoài số lượng thành viên đảm bảo theo quy định của Luật hiện hành, dự thảo còn tạo điều kiện cho hội sinh viên bầu ra đại diện và các thành viên bên ngoài trường tham gia hội đồng, chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên (bao gồm nhà lãnh đạo, quản lý uy tín; nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học uy tín, doanh nhân tiêu biểu, cựu sinh viên…).
Nhận định về vấn đề này, TS Phạm Thị Ly cho rằng: “Hội đồng trường nên bao gồm các bên liên quan. Sinh viên là thành viên quan trọng nhất của trường ĐH. Không có sinh viên thì không có trường ĐH. Sự đa dạng thành phần của hội đồng trường giúp nhìn nhận lợi ích nhà trường một cách tổng thể từ quan điểm của nhiều bên khác nhau”.
Ở một phương diện khác, ThS Lê Văn Phúc đánh giá cao quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng trường ĐH. Luật sửa đổi, bổ sung đã cân nhắc bãi bỏ điều kiện “tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 05 năm” (điểm a, khoản 2, điều 20, Luật GDĐH 2012) khi tiến hành bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường.
Quy định này hướng đếnviệc trẻ hóa độ tuổi của người quản lý cơ sở giáo dục ĐH. Ngoài các yêu cầu cơ bản về bằng cấp, học vị, phẩm chất, uy tín, sức khỏe,… thì những người sở hữu năng lực lãnh đạo, có nhiều sáng kiến quản lý, có khả năng xây dựng tầm nhìn và chia sẻ giá trị với trường ĐH đều có thể đảm nhiệm cương vị hiệu trưởng, không cần phù thuộc vào vị trí từng nắm giữ trước đây.