Đầu tư cho GD&ĐT: Cần sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị

GD&TĐ - Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 

Đầu tư cho GD&ĐT: Cần sự đồng thuận  của toàn hệ thống chính trị

Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - nhìn chung qua các kênh phản hồi, đa số ý kiến đánh giá tích cực, ủng hộ cao đối với cả 2 dự thảo. Tuy nhiên, để các dự thảo này được thông qua và có hiệu lực cũng như khi áp dụng có tác động tích cực trong toàn hệ thống thì cũng còn nhiều việc phải làm, nhất là rất cần sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội.

Cần thiết xây dựng lại chính sách

Góp ý về chính sách đối với nhà giáo của dự thảo, PGS.TS Võ Văn Minh cho hay: Dự thảo luật lần này đã đề cập và được đa số đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến khác nhau và cách lập luận cũng như các lần dự thảo Luật Giáo dục trước đây, mà tôi đã từng nghe.

Đại thể là về mặt bằng thu nhập chung của cả nước, thì lương của giáo viên cũng tương đối, chưa phải thuộc hạng thấp và nghề giáo cũng không phải là nghề nguy hiểm như công an, quân đội… nên việc tăng lương là cần thiết nhưng chưa phải cấp thiết. Vì nếu tăng lương cho giáo viên trên cả nước sẽ gây áp lực đối với ngân sách, nhất là trong bối cảnh cần đầu tư ngân sách để phát triển kinh tế.

PGS.TS Võ Văn Minh nêu rõ: Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó. Theo tôi, từ quan điểm, đường lối của Đảng đến các văn bản pháp quy của Nhà nước đều khẳng định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững, thì các chính sách đối với ngành Giáo dục cũng phải xứng tầm là “quốc sách hàng đầu”.

Chính vì vậy, lần này, quan điểm đó phải được luật hoá: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Còn vấn đề áp lực, khó khăn đối với ngân sách thì cần phải cân đối lại để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Nếu đất nước không có nguồn nhân lực tốt, thì mọi đầu tư cho phát triển đều khó bền vững.

Trao đổi về vấn đề học phí ở phổ thông, PGS.TS Võ Văn Minh nhìn nhận: Hiện nay cũng còn nhiều tranh cãi khác nhau, đặc biệt là nhận dịch vụ giáo dục theo thị trường hay bao cấp. Có một số ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập cần thiết phải tăng học phí nhằm đầu tư giáo dục tốt hơn.

Sẽ rất khó thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục khi không thu học phí hoặc thu với mức thấp như hiện nay. Họ cũng cho rằng, người dân Việt Nam rất quan tâm đến con cái và chất lượng giáo dục của con cái nên sẵn sàng đầu tư tài chính cho con họ học tập…

“Tôi nghĩ, quan điểm trên chỉ đúng một phần là nếu đầu tư cho giáo dục thấp thì không thể có một nền giáo dục chất lượng, nhưng tăng học phí không phải là chính sách đúng đắn và công bằng. Như đã đề cập ở trên, Đảng và Nhà nước ta ngay từ đầu đã nhận thức rằng “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững”, thì điều đó phải thể hiện rõ ở chính sách đầu tư cho giáo dục xứng tầm, đâu nhất thiết phải huy động nguồn lực từ học phí. Mặt khác, mọi quốc gia trên thế giới đều thu các loại thuế để vận hành bộ máy. Thuế thu ngành này cao, ngành kia thấp để khuyến khích những ngành ưu thế và hạn chế những ngành không ưu tiên phát triển…”, PGS.TS Võ Văn Minh nhấn mạnh.

Chế độ tương xứng với năng lực, trình độ

Nói về chuẩn trình độ giáo viên các cấp, PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng: “Không nên phân biệt chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, mầm non là tốt nghiệp trung cấp, giáo viên THCS là tốt nghiệp cao đẳng và giáo viên THPT là tốt nghiệp đại học, để rồi hạng giáo viên MN, TH chỉ có II, III, IV và hạng của giáo viên THCS, THPT là I, II, III.

Giáo viên ở các bậc học chỉ khác nhau ở “cái nghề” và không thể khác nhau ở trình độ. Do vậy, họ phải được hưởng thang bậc lương giống nhau và có thể hưởng các loại phụ cấp khác nhau vì do tính chất công việc của họ khác nhau. Không nên so sánh với các thời kỳ trước đây, vì yêu cầu của từng giai đoạn phát triển đất nước khác nhau.

Ngày nay, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến giáo dục ở các bậc thấp như mầm non, tiểu học. Yêu cầu đối với giáo viên giảng dạy ở các cấp bậc học càng thấp thì càng khó chứ không phải dễ hơn so với các cấp bậc cao. Nếu chúng ta quan tâm đến những “mầm xanh” tốt, chúng ta sẽ có những “cây khỏe mạnh” và có những “cánh rừng xanh” tốt.

Chúng ta cũng cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng đội ngũ giáo viên; cố gắng cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên và kiên trì thực hiện trong nhiều năm để tương xứng với chế độ, chính sách dành cho họ.

Về vấn đề tự chủ trong GD&ĐT, PGS.TS Võ Văn Minh bày tỏ sự nhất trí với chủ trương tự chủ đại học, nhưng không phải mặc nhiên đối với tất cả các trường đại học. Theo ông, các ngành đào tạo về khoa học cơ bản, sư phạm và y khoa cũng như an ninh – quốc phòng không thể vận hành theo “thị trường” mà phải xem đây là những ngành đào tạo đặc thù và hạn chế.

Trước hết cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các trường có đào tạo các ngành học này, sau đó phải có chính sách đầu tư đặc biệt cũng như có chế độ hợp lý đối với người học và nhà giáo.

Bên cạnh đó cũng phải có những kênh, công cụ giám sát với những chế tài cụ thể đối với các cơ sở đào tạo được Bộ GD&ĐT quy hoạch và giao nhiệm vụ đặc thù. Bởi nếu không có chính sách hợp lý đối với các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, y khoa sẽ không có các nhà khoa học giỏi, không có giáo viên, bác sĩ giỏi để phục vụ cho đất nước khi chỉ đạo tất cả các trường tự chủ giống nhau.

Ngược lại, đối với tất cả các ngành nghề đào tạo đáp ứng nguồn lao động cho xã hội như kỹ thuật, kinh tế… thì tốt nhất nên để thị trường lao động quyết định và giám sát. Nhà nước chỉ cần ban hành các chính sách công bằng để các trường công tự chủ và các trường tư thục cạnh tranh cùng phát triển.

“GD&ĐT là ngành đặc thù, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài thì phải miễn phí để phổ cập là xác đáng. Có như vậy mới gọi là đầu tư cho giáo dục xứng tầm. Ngược lại cũng cần khuyến khích các trường tư thục, các tổ chức xã hội đầu tư phát triển giáo dục với dịch vụ tốt và giám sát theo một cơ chế riêng. Với thực trạng của đất nước hiện nay, nếu Chính phủ tập trung kiểm soát tốt các nguồn đầu tư cũng như giám sát việc thu thuế sẽ hoàn toàn đảm bảo ngân sách đầu tư cho giáo dục”.

PGS.TS Võ Văn Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ