Những thay đổi cần thiết để GD&ĐT phát triển đột phá

GD&TĐ - Ngày 8/12, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức các hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (GD) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH). Hai hội thảo lần lượt diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc; với sự tham dự của đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, các cơ sở GD ĐH từ Nghệ An đến Phú Yên.

Những thay đổi cần thiết để GD&ĐT phát triển đột phá

Đòn bẩy để thu hút người giỏi

Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - đặt vấn đề: “Nếu nói giáo viên phổ thông dạy một tuần 17 tiết, tiền lương như thế là cao thì không đúng. Để có 17 tiết dạy, giáo viên phải có sự chuẩn bị kế hoạch bài giảng và lao động nhà giáo là lao động đặc thù, đòi hỏi trách nhiệm cao. Nên đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp chính là một trong những động lực để thu hút HS giỏi vào ngành sư phạm”.

Bổ sung thêm ý kiến này, ông Nguyễn Hướng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, một thực tế đáng buồn là học sinh không mặn mà với nghề sư phạm. Ông nêu ý kiến: “Tôi cho rằng, có hai nguyên nhân: Thu nhập của giáo viên thấp và số lượng SV sư phạm ra trường không có việc làm, kể cả về những vùng sâu, vùng xa. Nên tôi rất đồng tình với việc tăng lương, nếu thực hiện được thì không chỉ giúp giáo viên tâm huyết với nghề mà còn thu hút người giỏi cho ngành Giáo dục”.

Về chủ trương miễn học phí ở bậc THCS, theo ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), khi triển khai miễn học phí, ngân sách Nhà nước phải cấp bù để duy trì những khoản chi trước đây được lấy từ nguồn học phí. Ủng hộ chủ trương không thu học phí ở bậc THCS, nhưng ông Lê Bá Thiềm cho rằng, đối với GD phổ thông, không nên đưa vấn đề tự chủ tài chính vào, vì nếu tự chủ tài chính thì lại phải thu học phí. Cùng quan điểm, ông Hà Thanh Quốc nêu ví dụ: Quảng Nam có nguồn thu từ học phí ở bậc THCS khoảng 100 tỷ, so với kinh phí chi cho GD thì không phải là lớn, nhưng lại kéo theo rất nhiều bất cập”.

Vấn đề phân cấp quản lý cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo ông Ngô Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên - việc phân cấp quản lý giữa các cấp học trong hệ thống GD phải sửa đổi làm sao để khi trở thành Luật rồi, thì quản lý chung phải thuộc về ngành GD; từ con người, tài chính, các vấn đề bổ nhiệm, đề bạt phải do ngành GD chủ trì. Ông Ngô Quang Hưng nêu thực tế, trong phân cấp quản lý, một số chỉ đạo về tài chính, con người, mỗi địa phương thực hiện một kiểu và không đúng với yêu cầu cần đạt tới trong chỉ đạo của Chính phủ. Chính vì vậy, ông cho rằng nên đưa vào nội dung: UBND tỉnh, huyện phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, Chính phủ; vì nếu tỉnh, huyện không thực hiện sẽ vi phạm luật.

Các đại biểu cũng thống nhất cao việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên CĐ là cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện nhanh được; lý do là hiện đa số giáo viên tiểu học ở các địa phương đều có bằng tốt nghiệp CĐ; thậm chí nhiều người đã có bằng tốt nghiệp ĐH SP.

Tiếp thu ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các đại biểu đến từ 10 tỉnh, thành khu vực miền Trung (từ Nghệ An đến Phú Yên), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc nâng lương cho giáo viên là mong muốn của Đảng, Nhà nước từ năm 1996 đến nay. Lần này, ban soạn thảo đã đưa vào Dự thảo Luật cùng với một số đề xuất khác về cơ chế chính sách GD, nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần nâng cao đời sống giáo viên, nâng cao chất lượng GD nước nhà.

Tạo hành lang pháp lý cho tự chủ ĐH

Với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật GD ĐH, các đại biểu đều thống nhất rằng ba yếu tố cơ bản để một trường ĐH phát triển, gồm: Tự chủ, Quản trị và Trách nhiệm giải trình, đều đã được dự thảo Luật quy định rõ ràng.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Phó Giám đốc ĐH Huế - cho biết, thuật ngữ “đại học” đã được sửa đổi, bổ sung: “Đại học là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm hệ thống trường, viện nghiên cứu và một số đơn vị trực thuộc khác để thực hiện hoạt động giáo dục đại học”, việc bỏ cụm từ “tổ chức theo hai cấp”, bổ sung thêm cụm từ “đa ngành, đa lĩnh vực” đã tạo được sự thống nhất và liên thông trong hệ thống giáo dục đại học, tăng cường hội nhập quốc tế.

“Cũng không nên phân biệt giữa ĐHQG và ĐH, vì phân biệt như vậy sẽ làm khó cho hội nhập và có sự phân biệt ngay trong Luật, việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho một số ĐH nên có cơ chế chính sách riêng, có thể không nên đưa vào Luật định” - PGS Huỳnh Văn Chương kiến nghị, đồng thời cho rằng trong ĐH nên có trường, viện nghiên cứu. Ông nhấn mạnh: “Các ĐH được thành lập nhằm phát huy ưu điểm của các ĐH đa lĩnh vực, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết các nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường ĐH chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Mục đích đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, cần tiếp tục đưa vào trong Luật”.

Về tổ chức Hội đồng trường (HĐT), GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho rằng HĐT nên mở rộng thành phần cho người ngoài trường, đảm bảo tỉ lệ 30% ngoài trường là phù hợp và có hiệu quả. Giám đốc ĐH Đà Nẵng nêu rõ: “Thực tế, Chủ tịch HĐT rất khó làm rõ vai trò của mình, vì phần lớn Hiệu trưởng là Bí thư Đảng ủy trường, điều này làm cho vai trò của Chủ tịch HĐT bị mờ nhạt. Thậm chí là Phó Hiệu trưởng cũng chỉ muốn làm đúng chức danh được giao trong Ban giám hiệu, chứ không muốn làm Chủ tịch HĐT. Vì thế, nên cơ cấu Chủ tịch HĐT là Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng không phải là Bí thư Đảng ủy”.

Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Sỹ Hùng, Trường ĐH Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi, cho rằng: Cần quy định rõ hơn về tiêu chuẩn của Chủ tịch HĐT và Chủ tịch Hội đồng ĐH, nhất là về kinh nghiệm quản lý, cần phải cao hơn so với dự thảo để đáp ứng điều hành được hội đồng và có tầm ảnh hưởng, ra được các quyết nghị. Đại diện các trường đào tạo đặc thù như nghệ thuật cho rằng, số lượng thành viên HĐT có thể 13 người, 15 người hoặc 17 người chứ không nên quy định cứng là 17 người thì quá nhiều.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến trong Dự thảo của Luật, vai trò của HĐT được nhấn mạnh và coi trọng thực sự. HĐT là tổ chức quản trị, đại diện các bên có lợi ích liên quan. Trên thực tế hiện nay, các trường ĐH trực thuộc nhiều đơn vị khác nhau. Chính vì vậy việc công nhận ban lãnh đạo nên để cho các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ngoài ra, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm rằng nếu chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành là quá hẹp, chia theo nhóm ngành thì phù hợp hơn.

Thay mặt ban soạn thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá các ý kiến phát biểu tâm huyết, cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu tất cả những đóng góp tại hội thảo, tập hợp với những ý kiến ghi nhận được trong các hội thảo tương tự Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai để góp ý cho Dự thảo Luật; qua đó giúp ban soạn thảo đánh giá, cân nhắc để hoàn chỉnh hơn Dự thảo Luật, theo hướng đảm bảo tính bền vững và phù hợp với xu hướng của quốc tế về phát triển GD ĐH.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH được Bộ GD&ĐT công bố lần này có những điều chỉnh phù hợp với xu thế chung của thế giới, cho phép tháo gỡ nhiều vấn đề cấp bách và tác động tích cực để đổi mới hệ thống GD&ĐT, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo góp ý cho hai dự thảo Luật được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8/12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ