Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên thay đổi tích cực

GD&TĐ - Đây là nhận định được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đưa ra tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV ngày 26/3.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.

Môn học bắt buộc hoặc tự chọn tại nhiều trường

Ngày 30/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Nhìn lại 4 năm triển khai Đề án 1665, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở đào tạo, Đề án 1665 đã có một số kết quả đáng khích lệ.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, ngay sau khi Đề án 1665 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án trong các cơ sở giáo dục; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp để đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường. Bố trí cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Thành lập bộ phận/trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trên cơ sở các bộ phận, phòng, ban đã có của nhà trường... Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên đến thực hành, thực tập, khảo sát thực tế tại doanh nghiệp…

100% cơ sở đào tạo đã có kế hoạch triển khai Đề án 1665. Một số cơ sở đào tạo đã cụ thể hóa và lồng ghép các mục tiêu của Đề án vào nhiệm vụ, sứ mệnh của nhà trường.

Thứ trưởng cho biết: Tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học.

“Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị ban hành quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục và đang xây dựng Quyết định ban hành bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học đổi mới sáng tạo khởi nghiệp vì cộng đồng, dự kiến ban hành tháng 8/2022” - Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay.

75% cơ sở đào tạo tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% cơ sở đào tạo đã xây dựng chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa; hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2158/QĐ-BGDĐT, giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo cho 3 cơ sở giáo dục đại học. Có 50%  cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên. Có khoảng 45 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Về hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp và kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, theo Thứ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT về nghiên cứu khoa học sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó quy định các hoạt động khởi nghiệp là hoạt động được sử dụng nguồn kinh phí của nghiên cứu khoa học. Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 126/2018/TT-BTC hướng dẫn nguồn kinh phí sự nghiệp triển khai Đề án 1665. Một số cơ sở giáo dục, đào tạo đã nghiên cứu vận dụng và xây dựng Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại các nhà trường.

Hình ảnh tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.
Hình ảnh tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.

Ban hành chính sách thúc đẩy học sinh sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp

Hiện nay, khởi nghiệp không còn là vấn đề xa lạ đối với các nhà trường, đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo viên. Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên trong cả nước ngày càng cải thiện tích cực. Công tác đào tạo gắn với khởi nghiệp được các cơ sở giáo dục quan tâm thúc đẩy. Đặc biệt tỷ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp tăng đáng kể từ khoảng 4% năm 2016 lên 9% năm 2020.

Chia sẻ điều này, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định: Với vai trò của mình, ngành Giáo dục luôn nhận thức rõ việc thúc đẩy, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của đội ngũ cán bộ giảng viên, học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ then chốt.

Trên tinh thần đó, thực hiện Đề án 1665, hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương tổ chức sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên”. Mục tiêu nhằm thúc đẩy và phát huy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giúp học sinh, sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ý tưởng thành hiện thực.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chung tay cùng với các Bộ, ban ngành tại Trung ương, các địa phương, tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế, các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp của Đề án 1665.

Ngày hội khởi nghiêp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức năm 2018. Sau 3 năm tổ chức, Ngày hội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên trong toàn quốc, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Số dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tăng dần theo từng năm và hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án ngày càng cao. Rất nhiều dự án đã thành lập được các doanh nghiệp khởi nghiệp và tiến hành gọi vốn thành công.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách thực sự thiết thực để hỗ trợ học sinh, sinh viên giảng viên và nhà trường tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp, bảo đảm mọi nhân tố khi tham gia đều được bảo đảm quyền lợi chính đáng trên cơ sở giá trị thu được từ các doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập, tạo dựng thành công.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, gắn với các hoạt động thương mại hóa và khởi nghiệp, để có thể sớm tạo ra những đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và là cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đồng thời, sớm nghiên cứu và hình thành các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong các nhà trường đưới dạng các quỹ quyên tặng, Quỹ cộng đồng.

Ban Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia nghiên cứu xây dựng Ngày hội trở thành một sân chơi lớn cho tất cả học sinh, sinh viên, các nhà trường, doanh nhân, doanh nghiệp trong toàn quốc. Bảo đảm mọi đối tượng tham gia đều thu được những giá trị nhất định cho bản thân và luôn mong muốn được tham gia sân chơi này.

Năm 2022, Ngày hội khởi nghiệp lần thứ IV được tổ chức từ ngày 25 - 27/3. Ban Tổ chức đã lựa chọn 50 dự án của các trường đại học và 20 trường trung học phổ thông và trung học cơ sở trong cả nước từ gần 400 dự án để mang đến trưng bày thông qua các gian hàng tại ngày Hội và tham dự Vòng chung kết Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.