Mong sớm được tiếp cận kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp

GD&TĐ - Chia sẻ tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4, đại diện học sinh chia sẻ mong muốn được tạo điều kiện để tiếp cận sớm với các kiến thức, kỹ năng về tư duy, sáng tạo khởi nghiệp.

Nguyễn Minh Anh phát biểu tại ngày hội.
Nguyễn Minh Anh phát biểu tại ngày hội.

Là một học sinh đang được sống và học tập tại một tỉnh vùng cao biên giới - nơi cửa ngõ biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc, Nguyễn Minh Anh, lớp 12D1, Trường THPT số 1 TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), cho biết mình may mắn khi không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được tham gia vào rất nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích, được sống với những đam mê và khát vọng.

Một trong những chương trình giúp minh Anh thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực đó chính là được tham gia vào các dự án “khởi nghiệp” ngay ở lứa tuổi học sinh.

Cách đây một năm, Minh Anh đã cùng các học sinh trong toàn quốc được tham gia cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SV Startup lần thứ III do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nhóm của Minh Anh tham gia với dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” và đoạt được giải Ba. Dự án được triển khai với mong muốn nhiều người biết đến đặc sản Lào Cai hơn, cũng như tháo gỡ 1 phần khó khăn cho đồng bào người Mông, người Hà Nhì huyện Bát Xát.

Dự án đã tận dụng được nguồn khách hàng rất tiềm năng với hơn 2500 học sinh, phụ huynh, giáo viên trong trường, từ đó lan tỏa sản phẩm ra thị trường tại tỉnh Lào Cai. Với thông điệp Dòng Sản phẩm kết tinh từ Ngọc Đất, dự án của Minh Anh và các bạn mang đến những sản phẩm sạch, an toàn góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của cộng đồng; trích một phần lợi nhuận vào công tác thiện nguyện để tiếp bước các bạn học sinh khó khăn đến trường.

Nữ sinh Trường THPT số 1 TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho rằng, mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là một con đường kiếm sống, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình và được thử thách, kiểm nghiệm năng lực bản thân. Với các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đây chính là quãng thời gian vàng quan trọng nhất để chuẩn bị cho mình về kiến thức và kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để khởi nghiệp. Như vậy khi tốt nghiệp ra trường sẽ không bị bỡ ngỡ.

Trong thời gian tới, Minh Anh thể hiện mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có định hướng chỉ đạo các trường phổ thông triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp hơn nữa. Một trong những hoạt động có thể làm được ngày là các nhà trường tạo điều kiện cho học sinh được học, được tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng về tư duy, sáng tạo khởi nghiệp từ sớm. Từ đó, học sinh có thể tự phát hiện được khả năng của bản thân, tự nhận thức được những xu hướng tiềm tàng về kinh doanh và khi học tiếp lên đại học có thể lựa chọn được đúng ngành, đúng nghề.

Bên cạnh đó, cần có các chương trình trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp thực tế thật bài bản, nghiêm túc, có định hướng để học sinh có thể vận dụng kiến thức đã học để tạo nên những dự án khởi nghiệp hoặc định hướng được nghề nghiệp.

Dương Thế Long, sinh viên năm nhất Vinuni phát biểu tại ngày hội.
Dương Thế Long, sinh viên năm nhất Vinuni phát biểu tại ngày hội.

Đại diện cho sinh viên toàn quốc phát biểu tại ngày hội, Dương Thế Long, sinh viên năm nhất Vinuni  cho rằng: Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Đảng, Nhà nước định hướng chỉ đạo rất cụ thể bởi nhiều chủ trương lớn trong những năm gần đây.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có một bước tiến rất dài. Chúng ta đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 70 không gian làm việc chung dành cho start-up trong các trường đại học, trên 3.000 doanh nghiệp start-up thành công.

Các nhà trường cũng đã triển khai thực hiện rất nhiều các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp qua đó, có rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt từ học sinh phổ thông đã được khơi dậy khát vọng, tinh thần khởi nghiệp để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, Dương Thế Long cho rằng, công tác này tại các nhà trường vẫn còn một số hạn chế. Đa số các phong trào khởi nghiệp của sinh viên hiện nay chỉ phát triển tại chính trường đại học mà sinh viên theo học, làm giảm đi sự kết nối giữa sinh viên các khối trường khác nhau và chính vì thế, thiếu đi những mắt xích quan trọng trong việc phát triển mô hình, dự án khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, quan sát thấy trong khuôn khổ cuộc thi SV.Startup, Dương Thế Long nhận thấy, sinh viên giữa các mùa thi chưa có cơ hội được kết nối với nhau. Các đội thi năm nay thường không biết về các đội thi của năm trước, hoặc đôi khi, thậm chí còn không biết về các đội sẽ tham gia thi với mình. Chính vì thế, cuộc thi thiếu đi sự giao lưu, kết nối, học hỏi kinh nghiệm từ các đội thi đi trước, những đội đã có kinh nghiệm vững vàng hơn.

“Với bản thân em, việc có thể học hỏi từ các thế hệ đi trước là điều vô cùng quan trọng, bởi, khi mình học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ ai đó thì mình không chỉ học từ một người, mà còn từ rất nhiều người đã cho người đó kinh nghiệm.

Vì thế, em rất mong các bộ, ban, ngành và các cơ quan có thẩm quyền có thể hỗ trợ, thúc đẩy và tạo dựng sự kết nối cho các sinh viên trên khắp cả nước bằng việc xây dựng 1 hệ thống website kết nối ngay trên nền tảng website của Đề án 1665.

Hiện nay, công nghệ và nguồn nhân lực tại Việt Nam về công nghệ thông tin đang rất phát triển, nên việc xây dựng một nền tảng website Em cho rằng là hoàn toàn trong tầm tay. Tại đây, các sinh viên có thể đăng tải thông tin cá nhân của mình, ghép đội với các nhóm khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước trên khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí là các sinh viên Việt Nam trên toàn thế giới” - Dương Thế Long bày tỏ.

Xuất phát từ những khó khăn gặp phải khi khởi nghiệp của bản thân, Dương Thế Long đề xuất các nhà trường cần mạnh dạn thay đổi, nội dung chương trình để tạo điều kiện cho mọi học sinh, sinh viên được sớm tiếp cận với các nội dung về đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Tình thần khởi nghiệp, văn hóa doanh nhân và khát vọng cống hiến cần sớm được trang bị cho học sinh, sinh viên ngay từ bậc học phổ thông.

Song song đó, các nhà trường đặc biệt là các trường đại học cần tăng cường cơ sở vật chất giúp sinh viên sớm được thực hành, trải nghiệm, sáng tạo với các dự án khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường. Có chính sách hỗ trợ các bạn sinh viên có phát minh, sáng kiến được đăng ký phát minh và quyền sở hữu trí tuệ.

Các bộ, ban, ngành có thẩm quyền, các doanh nghiệp và nhà trường có thể tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội được kết nối với những người cố vấn, những vườn ươm và các quỹ khởi nghiệp.

“Chúng em cũng mong muốn có nhiều Quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ hơn nữa giúp sinh viên có những nguồn vốn mồi để ban đầu có thể hỗ trợ chúng em hoàn thiện các ý tưởng dự án và có kinh phí để triển khai các sản phẩm mẫu” - Dương Thế Long chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.