Rộng mở môi trường khởi nghiệp trong trường học

GD&TĐ - Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025”.

Sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) tham dự cuộc thi SV_STARTUP.
Sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) tham dự cuộc thi SV_STARTUP.

Sau 4 năm triển khai, Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cũng trong 4 năm qua, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia dành cho HSSV được tổ chức đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.

Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Đánh giá kết quả sau 4 năm triển khai Đề án 1665, ông Phạm Hùng Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) - nhìn nhận: Sau 4 năm triển khai Đề án với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của cơ sở đào tạo, Đề án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo cho 3 cơ sở giáo dục đại học. Đã có 50% cơ sở đào tạo thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình. 70 cơ sở đào tạo bố trí được không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV. Có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) thành lập được trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải - cho biết: Xác định vai trò quan trọng của việc xây dựng môi trường khởi nghiệp cho sinh viên, nhà trường đã tiên phong trong việc xây dựng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo.

Dù mới đi vào hoạt động từ năm 2017 nhưng Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và quan hệ doanh nghiệp trường đã thực hiện thành công nhiều hoạt động như: Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cho HSSV, tổ chức thành công Cuộc thi “Sinh viên UTT với ý tưởng khởi nghiệp”.

Ngoài ra, trung tâm còn tham gia vào hoạt động kết nối, xây dựng môi trường khởi nghiệp như: Ký kết hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Thủ đô; Ký biên bản ghi nhớ với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc xây dựng vườn ươm tạo ngay trong Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

Trưởng dự án Sinh viên đi ghép - giảm ùn tắc giao thông, Bùi Quang Trung - sinh viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải - chia sẻ: Trên giảng đường, các thầy cô luôn lồng ghép những ý tưởng khởi nghiệp vào dạy cho sinh viên. Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của nhà trường đã tạo ra một môi trường thuận lợi giúp sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Học sinh tỉnh Ninh Bình tham gia vòng chung kết cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.
Học sinh tỉnh Ninh Bình tham gia vòng chung kết cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.

Trường đại học - trung tâm của đổi mới sáng tạo

Để nâng cao hiệu quả của Đề án 1665 trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường, hướng tới xây dựng các trường đại học thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo.

Trong đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa hoặc đưa vào chương trình đào tạo ngoại khóa, ngắn hạn bảo đảm giúp sinh viên hiểu về khởi nghiệp và đánh giá đúng khả năng, năng lực của bản thân.

Nghiên cứu đề xuất số lượng giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đảm bảo các hoạt động hiệu quả. Xây dựng chương trình ươm tạo, tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, doanh nghiệp nhỏ và vừa của cựu sinh viên trên cơ sở kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức ươm tạo ngoài cộng đồng để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tiếp tục huy động các nguồn lực của trường, xã hội hóa xây dựng không gian chung, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đảm bảo thiết thực, phù hợp với các nhóm, ngành đào tạo. Tăng cường phối hợp nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ HSSV thực hành, trải nghiệm, phối hợp sản xuất thử sản phẩm mẫu.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng để đầu tư ban đầu cho dự án khởi nghiệp của HSSV. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Trong đó, nghiên cứu thí điểm về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp vốn vào các dự án ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên phù hợp với quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế đặt hàng, phối hợp, nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm giữa doanh nghiệp, nhà trường và giảng viên, HSSV; nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp.

Trong 2 ngày (26, 27/3/2022), tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc), Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ IV (SV_STARTUP). 
Các hoạt động chính tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ IV gồm: Chương trình Khai mạc; Phiên Đối thoại chính sách “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp cho HSSV - Vai trò của nhà trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và địa phương”; Diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV & Tiềm năng khởi nghiệp của HSSV theo nhóm ngành”; Chung kết cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV (SV_STARTUP) và Chương trình trao giải và bế mạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.