Tinh thần “3 sẵn sàng” còn mãi với thời gian

GD&TĐ - Phong trào Ba sẵn sàng, không còn là một phong trào của tuổi trẻ mà đã đi vào lịch sử Cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ.

Đoàn viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng tại Lễ phát động ngày 30/4/1964.
Đoàn viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng tại Lễ phát động ngày 30/4/1964.

Những bức huyết thư mang khí phách tuổi trẻ

Đầu những năm 1960, đế quốc Mỹ đã thất bại nặng nề trong chiến tranh đặc biệt, ồ ạt đưa quân vào miền Nam và quyết chặn đứng viện trợ của miền Bắc cho miền Nam.

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, quyết đưa miền Bắc trở lại thời kì đồ đá.

Tại Hàm Rồng, Thanh Hóa, không quân đã xuất kích lần đầu tiên bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Một chiến công hết sức to lớn. Trước tình hình khẩn trương của cách mạng cả nước bước vào chiến tranh, trong các nhà máy, trên đồng ruộng, trường học đâu đâu cũng thấy các đoàn viên, thanh niên nêu nguyện vọng thiết tha sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng ra tiền tuyến đánh giặc. Đó là nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ cả nước trong đó có Hà Nội.

Hàng ngàn bức thư tình nguyện để chiến đấu, trong đó có nhiều bức thư viết bằng máu, tỏ rõ nguyện vọng của thanh niên. Máu của đồng bào miền Nam tiếp tục đổ, những gì mà chế đổ xã hội chủ nghĩa đem lại cho tuổi trẻ miền Bắc đã bị đe dọa nghiêm trọng. Chống Mỹ cứu nước đã thành nguyện vọng của tuổi trẻ cả nước, trong đó có Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, Thành Đoàn Hà Nội nhất thiết phải có một phong trào gì đáp ứng nguyện vọng của tuổi trẻ. Các phong trào trước đây của Hà Nội đã tạo nên khí thế của thanh niên thủ đô đòi hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng miền Bắc giải phóng miền Nam hiện nay không còn gia trị phù hợp nữa.

Thành ủy Hà Nội, mà cụ thể là đồng chí Bí thư Thành ủy đã mời tôi lên văn phòng Thành ủy gợi ýi: “Cách mạng đã chuyển giai đoạn, nên đáp ứng nguyện vọng của tuổi trẻ Hà Nội cần có một phong trào, phong trào đó phải thể hiện khí phách của tuổi trẻ”.

Thời kỳ đó, chúng tôi ghi nhận nguyện vọng của sinh viên Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Y Hà Nội, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy ô tô Hòa Bình…

Đêm đi vào lịch sử phong trào thanh niên

Trong bối cảnh lịch sử đó, đòi hỏi phải có một phong trào mới thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong thanh niên, lôi cuốn được đại đa số thanh niên tham gia.

Lúc bấy giờ tại Trường ĐH sư phạm Hà Nội đã dấy lên phong trào “Tam bất kì” với nội dung: Đi bất kì nơi đâu mà tổ quốc cần đến, làm bất kì việc gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu. Bất kì chế độ đãi ngộ nào cũng không chấp nhận.

Lúc đó, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khí phách của thanh niên hết sức tuyệt vời. Phong trào “Tam bất kì” của thanh niên nhà trường được mở rộng, sôi sục và quyết liệt.

Tôi đã trực tiếp xuống trường để khảo sát tình hình, thấy ý tưởng đó rất tốt và có hào khí phù hợp với nguyện vọng của tuổi trẻ. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy phong trào “Tam bất kì” cần thay đổi cả nội dung và tên gọi cho phù hợp để đáp ứng cho mọi tầng lớp thanh niên và trao đổi với Đoàn Trường ĐH sư phạm Hà Nội và chúng tôi đã nhất trí.

Đêm 7/8/1964, Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội họp đột xuất tại trụ sở 43 Lý Thái Tổ. Cuộc họp lịch sử đó với tinh thần sôi sục của cách mạng, Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội đã xem xét phong trào của đoàn thanh niên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và các nơi khác đã đi đến quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên Hà Nội: Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sang đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà tổ quốc yêu cầu.

Đêm 9/8/1964, tại hội trường Bộ Công nghiệp nặng (phố Hai Bà Trưng) tập trung khoảng 500 đoàn viên tập trung ngoài phố giương cao khẩu hiệu Ba sẵn sàng. 

Thành Đoàn đã đọc lời kêu gọi ba sẵng sàng được thanh niên đáp lại sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng vang động cả góc trời Hà Nội. Đêm đó đã đi vào lịch sử phong trào thanh niên Thủ đô như một dấu son của tuổi trẻ.

Sau một tuần phát động, có 240 ngàn thanh niên đã ghi tên nguyện ba sẵn sàng trong đó có 80 ngàn thanh niên xung phong ra trận.

Trên đường phố căng nhiều khẩu hiệu: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”; “Đâu có giặc là ta cứ đi”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Hình ảnh nửa đêm truyền hình lên đường xuất quân tại quảng trường Ngân hàng Trung ương, quảng trường Nhà hát lớn rực ánh lửa âm vang cồng chiêng cùng với lời thề Ba sẵn sàng đã tiễn đưa thanh niên vào Nam chiến đấu, tiễn đưa các đội TNXP ra trận dấu ấn không thể nào quên của tuổi trẻ Hà Nội.

Phong trào Ba sẵn sàng đã được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng thậm chí phong trào nhanh chóng vượt qua khỏi biên giới, nhiều du học sinh đã viết đơn xin về nước để chiến đấu nếu Tổ quốc cần.

Thủ đô Hà Nội có vinh dự là nơi khởi nguồn phong trào Ba sẵn sàng mà Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là cái nôi của phong trào gợi ý cho thành đoàn ý tưởng lớn.

Tháng 3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung thêm nội dung của phong trào.

50 năm một chặng đường lịch sử đã đi qua, nhưng bài học về Ba sẵn sàng vẫn còn mang giá trị thiết thực; vẫn đang là ngọn lửa thôi thúc tiếp nối cho phong trào thanh niên tình nguyện ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ