Tổ ấm bị “xé toang” vì dịch
“Cho đến hiện tại em vẫn ổn, con trai, con gái đi cách ly ngoan, không khóc, tự lập trong mọi việc. Nhưng tâm trạng thì không ổn chút nào cả. Có nằm mơ cũng không ai nghĩ dịch lại lên được cái miền biên giới ngựa đi 7 ngày không tới này. Chỉ trong 3 ngày mà dân nghèo có nhà nhưng không được ở. Nhà 5 người, cách ly 3 – 4 chỗ, nhà 8 – 9 người đang quây quần bên nhau giờ còn lại 1 – 2 người ngồi lau nước mắt…
Những chuyến xe trở người đi cách ly ngày ngày chưa hết. Dân bản đứng đợi xe dưới cái nắng gió lào vùng biên, con khóc, mẹ khóc, cháu khóc, ông khóc. Tay xách nách mang bồng bế nhau đi. Thương lắm! Đau xót lắm!”
Đoạn chia sẻ của cô giáo Lường Vũ Ngọc Duyên từ tâm dịch Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đã lấy đi nước mắt của không ít người. Bởi nó đã lột tả quá chân thực về thực tế cuộc sống đảo lộn và mất mát kể từ khi “cơn bão” Covid-19 tràn qua.
Mới chỉ vài 3 ngày thôi, mà mọi thứ đã đảo lộn hoàn toàn. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng từng ngày. Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện ngày 14/5, đến sáng 18/5, Nậm Pồ đã có gần 30 ca dương tính với SARS-CoV-2, truy vết được gần 1.000 F1, hơn 3.000 F2. Kéo theo đó là không ít gia đình phải ly biệt, mỗi người một nơi.
Có những gia đình, vợ chồng, con cái, cô, bác họ hàng “rồng rắn” nhau đi cách ly, nhưng chẳng ai biết ai ở đâu mà liên lạc. Ở vùng khó này, không phải người nào cũng có điều kiện để sở hữu riêng 1 chiếc điện thoại. Thế nên, lấy gì mà liên lạc?! Đi cách ly rồi, cũng “bặt vô âm tín” với nhau luôn. Trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng, thần tốc, lực lượng chức năng phải phân loại cách ly tùy thuộc vào đối tượng, yếu tố dịch tễ và biểu hiện bệnh, nên việc 1 gia đình phải “chia 5 xẻ 7” là điều dễ hiểu, và ai cũng phải cảm thông.
“Khổ nhất là những đứa trẻ chị ạ. Trẻ ở đây không như ngoài thành phố. Các cháu còn rất nhát khi gặp người lạ và nhất là ở những chỗ lạ. Không dám ăn uống, rồi khóc lóc… Thương lắm! Nhưng những người làm bố, làm mẹ có con bị cách ly cũng thương. Khổ nhất là cảm giác bất lực, khi không biết con mình ở đâu?!” – cô giáo Lường Vũ Ngọc Duyên tâm sự.
Thực tế ấy, cô Duyên là người cảm nhận sâu sắc. Bởi lẽ, nhà cô có 9 người, thì 5 người đi cách ly ở 3 – 4 điểm khác nhau. Tai ương ập đến quá nhanh, khiến người đi cũng chẳng kịp dặn dò người ở nhà.
Ở Si Pa Phìn – tâm dịch lần này, những ngôi nhà liền kề nhau từng là tổ ấm của những gia đình có cha mẹ, con cái, thậm chí vài ba thế hệ chung sống, giờ cùng khóa trái cửa. May mắn hơn thì còn 1, 2 người ở lại ngóng trông, cũng đều thuộc diện F2, F3. “Cơn bão” này, với một huyện nằm trong nhóm nghèo nhất nước, thì đúng là quá sức!
San sẻ từ mớ rau, con cá
Những điều được chính người trong cuộc phản ánh, chia sẻ, thật ra thực tế còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Vốn dĩ, Nậm Pồ đã rất khó khăn, cách xa trung tâm thành phố cả trăm cây số, dân cư lại có tới hơn 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên ngoài sự lo lắng vì dịch bênh “chưa thấy bao giờ”, thì còn muôn vàn nỗi lo khác.
Bởi thế mà những người ở ngoài lại cảm thấy mình có trách nhiệm trong đó. Để có lương thực, thực phẩm phục vụ trong khu cách ly đều đặn mỗi ngày 3 bữa, nhiều cán bộ, người tình nguyện phục vụ ở đây đã phải dồn đến đồng tiền cuối cùng của gia đình để mua thực phẩm.
Rồi những người dân nghèo lam lũ, vì nghĩ “lá rách ít đùm lá rách nhiều” mà không ngần ngại gom góp đồ ăn, thức uống, thậm chí củi lửa trong nhà mang đến khu cách ly. Người ít vài ba bó rau nhà trồng, con cá đánh dưới suối, nhưng có nhà cũng ủng hộ tới cả gần tạ gạo. Đó là cách người dân vùng khó chia sẻ với nhau.
Cho đến giờ, chị Poòng Thị Vương, cán bộ Mặt trận tổ quốc bản Nà Cang, xã Chà Nưa vẫn chưa thể quên hình ảnh của cụ ông Khoàng Văn Tín và vợ tất tưởi mang gạo đến ủng hộ điểm cách ly. “Em không dám nhận vì thương ông bà, đã ngoài 70 tuổi rồi, sống chỉ dựa vào mảnh nương mà giờ có tí gạo cũng mang đi thì lấy gì ăn. Nhưng ông bà nhất quyết không chịu mang về. Bà bảo, nhìn bọn trẻ bé tí phải đi cách ly, ông bà thương lắm!”, chị Vương nói.
“Dân trong này còn nghèo lắm. Nhưng trong lúc cấp bách dịch bệnh này người ta sẵn sàng sẻ chia, đùm bọc nhau. Nhà trồng rau mang rau, nhà có gạo mang gạo, có củi mang củi. Thậm chí, chỉ có 1 túi rau nhỏ họ cũng cầm ra đóng góp. Như Nậm Nhừ sáng nay các hộ dân ủng hộ được 1 xe củi đang vận chuyển ra để phục vụ nấu nướng tại điểm cách ly” – Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ tâm sự.
Trân trọng mọi tấm lòng
Dẫu sao, Nậm Pồ vẫn là huyện nghèo, liệu rằng “gồng gánh” nhau được bao lâu? Trong khi “cuộc chiến” này xác định còn dài. Hơn bao giờ hết, sự cộng đồng trách nhiệm của các mạnh thường quân là vô cùng quan trọng.
Để kết nối được những tấm lòng thiện nguyện ấy, suốt những ngày qua, Nậm Pồ đã bằng nhiều cách kêu gọi từ thiện. Từ các văn bản kêu gọi của các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, đến mỗi cá nhân vận dụng hết các mối quan hệ của mình để kêu gọi, kết nối tấm lòng của mọi miền tổ quốc.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Mặc dù, địa phương đã chủ động xây dựng các phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất cho các khu cách ly ngay từ khi chưa phát hiện ca bệnh nào. Song dịch đến quá nhanh, mỗi ngày liên tiếp đều ghi nhận các ca dương tính. F0 tăng là F1 cũng tăng, trong đó số đông là học sinh. Chính vì vậy, tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, đồ dùng cá nhân, lương thực, thực phẩm là không tránh khỏi với 1 huyện nghèo, khó khăn như Nậm Pồ. Vì thế chúng tôi trân trọng mọi tấm lòng!”
Sức lan tỏa của tình thương, lòng nhân ái đã dẫn đường cho những chuyến xe từ thiện vượt đường xá xa xôi tiếp nối nhau lăn bánh đến với Nậm Pồ. Hiện nay, toàn huyện có đã có hơn chục điểm cách ly tập trung. Có những điểm mỗi ngày tiếp nhận cả chục chuyến hàng từ thiện. Từ khẩu trang, nước sát khuất, bánh, sữa, đồ ăn thức uống; cho đến các đồ dùng, vật dụng thiếu yếu như: Chăn, màn, quạt, bột giặt...
Đến nay, địa phương nhận được hàng trăm lượt cứu trợ và ngay sau đó đều đã thực hiện phân chia hợp lý cho các điểm cách ly. Trong đó đối tượng được ưu tiên đặc biệt là các cháu học sinh, nhất là các loại bánh kẹo, sữa, xúc xích được dành tuyệt đối cho nhóm này.
“Hiện nay, thứ chúng tôi đang thiếu nhất là nước khử khuẩn, đồ bảo hộ cho những người tuyến đầu, thực hiện nhiệm vụ truy vết, khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm, di chuyển người đến các điểm cách ly… Nếu được, bọn trẻ cần thêm sữa!” – ông Sơn cho hay.
Đây sẽ là khoảng thời gian hết sức đặc biệt và vô cùng khó khăn của Nậm Pồ. Xác định đợt chống dịch còn dài và ngày càng phức tạp hơn, khó khăn sẽ bộn bề, thế nhưng, gian khó thử thách lòng người. Thử thách này sẽ minh chứng cho tinh thần đoàn kết và nội lực của mảnh đất biên giới này. Và nó cũng là tấm gương phản chiếu về tình người vẫn luôn hiện hữu trong xã hội hôm nay.