Tinh giản biên chế: Bất cập từ chính sách

GD&TĐ - Theo các đại biểu Quốc hội, chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả làm việc là điều cần thiết.

Việc tinh giản biên chế không nên cào bằng giữa các địa phương, lĩnh vực. Ảnh minh họa
Việc tinh giản biên chế không nên cào bằng giữa các địa phương, lĩnh vực. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, công tác này còn những hạn chế nhất định. Việc tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.

“Gọt chân cho vừa giày”

Bà Trần Thị Thanh Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề xuất, cần xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục cho phù hợp hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 năm qua, học sinh cả nước tăng 4 triệu, tương đương với 22,51%. Trong khi đó, số giáo viên tăng 8,7%. Nếu tính riêng bậc phổ thông, học sinh tăng hơn 21% còn giáo viên giảm 4,05%. Theo Bộ GD&ĐT, cả nước còn thiếu khoảng 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Cùng với các ngành, cấp, ngành Giáo dục cũng thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế mỗi năm.

Tuy nhiên, theo bà Hương, đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định, được pháp luật quy định và xác định rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học. Chính vì vậy, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hàng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và khó khăn cho ngành.

Bà Hương kiến nghị, Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc bảo đảm lực lượng lao động trong ngành Giáo dục theo định mức quy định. Với tinh thần có học sinh, có lớp học phải có đủ giáo viên. Cân nhắc thêm việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành Giáo dục.

Cần bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp cho các trường học. Ảnh minh họa

Cần bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp cho các trường học. Ảnh minh họa

Đề cập đến vấn đề vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, ông Đồng Ngọc Ba – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, nhiều năm qua, trong Báo cáo của Chính phủ đều có đánh giá việc tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm còn chưa đáp ứng yêu cầu hoặc tồn tại hạn chế. Tuy nhiên, việc đánh giá sâu thực trạng, vấn đề vị trí việc làm và giải pháp để chúng ta xử lý vấn đề này lại chưa được rõ.

Ông Ngọc Ba đề nghị, Chính phủ xem xét để đánh giá kỹ thực trạng. Cần thiết, chúng ta tổng kết quá trình thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức liên quan đến xác định vị trí việc làm, để trả lời những câu hỏi, vấn đề mà cử tri, dư luận quan tâm. Bởi, nhiều cơ quan làm mang tính hình thức, thậm chí đối phó.

“Nhiều chuyên gia đánh giá, chúng ta làm vị trí việc làm nhưng theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Cho nên dẫn đến việc: Khi tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì có giảm nhưng bộ máy không tinh. Điều này dẫn đến năng lực của bộ máy không được nâng lên. Ngược lại, nhiều cơ quan, đơn vị khi tinh giản lại yếu đi. Vấn đề này cần phải đánh giá kỹ. Nếu tìm được những nguyên nhân xác đáng mới có thể có những giải pháp” - ông Ngọc Ba nêu vấn đề.

Cô trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Cô trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Chưa bảo đảm được độ tinh

Cũng liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp viện dẫn: Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với năm 2015. Như vậy, vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng tối thiểu 10%. Đây là thành tích đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, bà Hoa đặt vấn đề, việc tinh giản biên chế liệu có thực sự đạt mục tiêu đề ra hay chỉ đạt chỉ tiêu về mặt cơ học. Ngoài ra, xu thế cán bộ, công nhân viên chức nghỉ việc gia tăng trong 2 năm qua - liệu có liên quan tới việc tinh giản biên chế ở các bộ ngành, địa phương.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, dù chọn câu trả lời nào thì rõ ràng đang có vấn đề lãng phí nguồn nhân lực ở khu vực sử dụng ngân sách Nhà nước. Có thể khẳng định, chủ trương tinh giản là đúng nhưng dường như kết quả thu lại là: Chúng ta đang giảm mà chưa bảo đảm được độ tinh. Vì đối tượng tinh giản chủ yếu tập trung ở những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác. Chúng ta chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy, đó là bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có vị trí nhưng khó bố trí việc làm.

“Thực tế, càng tinh giản biên chế thì áp lực công việc đối với những người làm được việc càng lớn. Công việc chủ yếu đang tập trung vào những người làm được việc. Trong khi bộ phận này, có thể họ ít cơ hội để thăng tiến. Ngạch, bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến. Đó chính là nguyên nhân khiến cho lực lượng cán bộ, công chức rời khu vực công sang khu vực tư để tìm một môi trường làm việc tốt hơn, có cơ hội thăng tiến nhanh hơn và chế độ lương bổng cao hơn” – bà Hoa nhìn nhận.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế để khắc phục tồn tại bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả là chủ trương đúng. Chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong 5 năm tới cần phải được làm khẩn trương. Song vấn đề đặt ra là, làm thế nào cho khoa học.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn – Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc tinh giản biên chế viên chức, trong đó có viên chức ngành Giáo dục. Bà Vương Thị Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nêu thực trạng: Hiện việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách chưa tính tới yếu tố vùng miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế.

Do tỷ lệ biên chế 2 ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương. Trong khi các tỉnh miền núi, biên giới, với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ cũng như thực hiện xã hội hóa 2 lĩnh vực này rất khó thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, việc cào bằng chỉ tiêu giảm 10% biên chế dẫn đến nhiều hạn chế, bất cập. Có ý kiến cho rằng, cần thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2022 - 2026 theo hướng chia theo từng khu vực vùng, miền và không cào bằng. Đối với các tỉnh miền núi biên giới tỷ lệ tinh giản từ 3 - 5%.

Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Bất cập cần điều chỉnh

Theo ông Tao Văn Giót – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra rằng còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực. Điều này dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương. Từ thực trạng trên, ông Giót đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này. Trong thời gian tới, giải quyết thế nào và bao giờ thì giải quyết. Đây cũng là nội dung mà bà Vương Thị Hương chất vấn Bộ trưởng.

Trao đổi về thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, phải có hệ thống thể chế để cải cách lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời, quan tâm, rà soát hệ thống thể chế để chúng ta đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, sớm xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài, có chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, giai đoạn vừa qua chúng ta ghi nhận nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bởi chưa bao giờ chúng ta làm việc sắp xếp tổ chức, bộ máy và giảm biên chế được như vậy. Chúng ta giảm được 10,01% biên chế công chức. Giảm được 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn nhìn nhận, giai đoạn vừa qua đúng là có tình trạng cào bằng và một mặt nào đó vẫn giảm theo hướng cơ học.

Ông Lưu Bá Mạc – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề xuất, cần xem xét, điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn. Trong đó, cần gắn với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương trong từng năm và bảo đảm mục tiêu đủ số lượng người làm việc và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhất là đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo, gắn với định mức, số lượng giáo viên mỗi cấp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.