Tinh giản biên chế: Nỗi niềm kẻ ở, người đi

GD&TĐ - Có nhiều giáo viên tự nguyện tinh giản biên chế nhưng có những giáo viên tinh giản do chuyên môn, năng lực hành vi còn hạn chế...

Cô Nguyễn Thị Oanh luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Cô Nguyễn Thị Oanh luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Nhiều cán bộ, giáo viên tự ý thức được rằng, mình không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, sức khỏe không bảo đảm nên đã tự nguyện nằm trong số nhân sự thuộc diện tinh giản biên chế. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những giáo viên tinh giản biên chế do chuyên môn, năng lực hành vi còn hạn chế.

Tự nguyện thực hiện

Thầy Nguyễn Ngọc Bình, nguyên giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) tình nguyện xin được tinh giản biên chế. Theo thầy, mấy chục năm dạy học ở miền núi, sống xa gia đình, điều kiện dạy học cũng vất vả, sức khỏe lại xuống nhanh nên tôi xin nghỉ trước tuổi.

Cô Nguyễn Thị Hồng Yến (SN 1969) – nguyên giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đăk Cấm (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế vào đầu năm 2022. Cô Yến chia sẻ, hàng chục năm công tác trong ngành Giáo dục, từ những ngày đầu cơ sở vật chất, thiết bị, điều kiện dạy – học còn nhiều thiếu thốn nhưng bản thân vẫn gắn bó với trường lớp, tận tụy trong từng tiết dạy để học sinh nắm vững kiến thức.

Là một trong những giáo viên cốt cán của địa phương, cô Yến tham gia các chương trình bồi dưỡng thay sách giáo khoa qua từng thời kỳ. Thế rồi mấy năm gần đây thấy sức khỏe yếu dần, đi khám bệnh, cô được chẩn đoán viêm họng mãn tính, giãn tĩnh mạch…

“Có những thời điểm căn bệnh viêm họng mãn tính khiến tôi không thể nói được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc truyền tải kiến thức đến học sinh và chất lượng dạy học. Tôi cũng cố gắng chữa trị nhiều nơi để tránh ảnh hưởng đến nhà trường, giáo viên và học trò nhưng không được. Do đó, tôi tự nguyện thực hiện tinh giản để không làm phiền đến mọi người”, cô Hồng Yến bộc bạch.

Theo cô Yến, giáo viên còn thiếu nên công việc của thầy, cô ngày càng nhiều. Áp lực công việc ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của giáo viên, đặc biệt là những người lớn tuổi. Cô mong rằng, các cấp chính quyền, Bộ, ban ngành cần quan tâm và có một cơ chế đặc thù, ưu ái hơn cho những giáo viên đã có nhiều năm đứng lớp, cống hiến cho ngành Giáo dục.

Hơn 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Nguyễn Thị Biên, Trường Tiểu học – THCS Đăk Blà (TP Kon Tum) đã dạy dỗ, đào tạo nhiều thế hệ học sinh ưu tú. Dự kiến vào ngày 1/1/2023, cô Biên là viên chức bị tinh giản biên chế. Bởi năm học 2020 - 2021, cô được đánh giá xếp loại Hoàn thành nhiệm vụ. Trước đó, năm học 2021 - 2022 xếp loại Không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

Theo cô Biên, lý do lớn nhất khiến cô không hoàn thành nhiệm vụ là vì tuổi cao, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn hạn chế. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu dạy - học, đặc biệt là đối với Chương trình GDPT 2018. “Đối với Chương trình, sách giáo khoa mới, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, mình không bắt nhịp kịp với phương pháp mới. Do đó, mình tự nguyện xin tinh giản để lớp trẻ có điều kiện phát triển năng lực và cống hiến cho ngành Giáo dục”, cô Biên chia sẻ.

Mặc dù thuộc diện tinh giản biên chế, nhưng cô Biên không cảm thấy buồn mà vẫn lạc quan và hết lòng giảng dạy cho các thế hệ học trò trong thời gian đứng lớp còn lại. Cô Biên nghĩ rằng, mục tiêu của mỗi cán bộ, giáo viên đều là giúp ích cho học sinh và ngành Giáo dục. Ở thời điểm hiện tại, cô Biên cho rằng, năng lực của bản thân hạn chế nên xin nghỉ để thế hệ mới có cơ hội thể hiện năng lực. Qua đó, giúp ngành Giáo dục ngày càng phát triển hơn.

Còn hơn 1 tháng đứng trên bục giảng dạy học trò, cô Biên cho biết bản thân sẽ cố gắng, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cô sẽ truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm sống cho học sinh. Qua đó, giúp các em nên người, thành đạt và sống có ích cho xã hội.

“Trong quá trình dạy học, vận động trò ra lớp, tôi thường xuyên vào các thôn làng. Tại đây, tôi chứng kiến nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh phải ở nhờ nhà thờ hoặc các sơ. Do đó, nếu không còn giảng dạy trên trường lớp, tôi sẽ đến đây để giúp đỡ, bồi dưỡng thêm kiến thức cho lũ trẻ nơi này”, cô Biên tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Hồng Yến (ở giữa) tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế vào đầu năm 2022.

Cô Nguyễn Thị Hồng Yến (ở giữa) tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế vào đầu năm 2022.

Nỗ lực đến giờ dạy cuối cùng

Cô Nguyễn Thị Sương – nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Prao (Tà Lu, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cũng xin nghỉ lao động trước tuổi, nằm trong diện tinh giản biên chế từ đầu năm 2021. Sinh tháng 10/1970, nếu tính theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thì phải 7,5 năm nữa, bản thân cô mới đủ tuổi. Cô Sương cho hay, nếu theo cách tính cũ với nữ là 55 tuổi, cô có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng kéo dài thêm vài năm nữa thì không biết sức khỏe mình có kham nổi không.

“Do bị bệnh xương khớp nên tôi phải điều trị châm cứu nhiều ngày. Điều này cũng ảnh hưởng đến công việc chung của nhà trường. Thời gian nghỉ phép của công chức, viên chức đều có hạn. Nếu cứ tranh thủ nghỉ để đi chữa bệnh mà không báo phép thì 2 phó hiệu trưởng sẽ phải gánh thêm phần việc của hiệu trưởng, mình thấy không đành lòng”, cô Sương chia sẻ.

Dù vẫn dạy học nhưng cô Nguyễn Thị Oanh, Trường Mầm non Sơn Ca (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum) vẫn thấp thỏm khi mình đang ở diện “báo động đỏ”. Vào viên chức từ tháng 6/2013, đến nay, cô Oanh có 9 năm giảng dạy ở xã vùng 3 của huyện biên giới Sa Thầy. Năm 2015, chồng mắc bệnh u não nên cô Oanh thường xuyên phải nghỉ dạy. Đến nay, sức khỏe của chồng cô vẫn không bảo đảm nên cô lo lắng bản thân tiếp tục nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng đến đánh giá chất lượng công việc.

“Tôi cũng lo lắng vì những yếu tố khách quan mà bản thân không hoàn thành nhiệm vụ và thuộc diện tinh giản biên chế. Do đó, tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc được giao, thu xếp thật tốt chuyện gia đình để hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng đến công tác dạy học”, cô Oanh bộc bạch.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Trà Nam (Quảng Nam) trong giờ đọc sách.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Trà Nam (Quảng Nam) trong giờ đọc sách.

Còn nhiều trăn trở

Đầu năm học 2021 - 2022, thầy giáo Hồ X.B., công tác tại Trường Tiểu học – THCS huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi, theo diện tinh giản biên chế.

Sinh năm 1970, thời gian công tác của thầy B. còn khá dài, tuy nhiên, thầy không đạt chuẩn theo yêu cầu vị trí việc làm. Vốn trước đây, thầy B. chỉ tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc cho giáo viên miền núi với thời gian 6 tháng. Ngay cả bằng tốt nghiệp THPT, thầy B. cũng không có nên sau đó, không thể tham gia các khóa học nâng chuẩn được. Không đáp ứng được yêu cầu công việc nên thầy B. cũng không nặng nề khi biết mình nằm trong diện tinh giản biên chế.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Quế Bình Minh vừa có đơn khiếu nại Sở GD&ĐT Quảng Nam liên quan đến công văn về việc trả lời đơn thư về đánh giá, xếp loại viên chức giáo viên năm học 2020 – 2021 tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP Tam Kỳ), nơi cô Minh công tác. Cô Minh cho rằng, việc đánh giá, xếp loại viên chức được thực hiện nhiều lần và không công khai minh bạch…

Theo kết quả xác minh của Thanh tra tỉnh Quảng Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu Lê Minh Thơ tham gia cuộc họp đánh giá xếp loại viên chức tại Tổ Ngoại ngữ là thực hiện theo quy định trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học. Việc đánh giá, xếp loại viên chức của Hiệu trưởng Lê Minh Thơ đối với giáo viên Nguyễn Thị Quế Bình Minh trong năm học 2020 – 2021 ở mức Hoàn thành nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng theo quy định tại Điều 43, Luật Viên chức năm 2010.

Thầy Lê Minh Thơ cho biết, Hội đồng liên tịch, Hội đồng sư phạm nhà trường họp thống nhất với đánh giá cô Bình Minh là Không hoàn thành nhiệm vụ.

“Năm học 2019 – 2020, cô Minh đã không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu năm học 2020 – 2021, cô vẫn tiếp tục không hoàn thành nhiệm vụ nữa có nguy cơ phải ra khỏi ngành. Do đó, nhà trường rất cân nhắc và cuối cùng xếp loại cô Bình Minh là Hoàn thành nhiệm vụ ở năm học 2020 - 2021. Tôi không hiểu sao cô lại nghĩ rằng bị trù dập khi chúng tôi nâng mức xếp loại lên chứ không phải là hạ xuống” – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu thông tin.

Trong buổi Thanh tra tỉnh tổ chức đối thoại với cô Nguyễn Thị Quế Bình Minh, có sự tham gia của đại diện Sở GD&ĐT Quảng Nam và nhà trường, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở, cho rằng, đây là một sự việc lẽ ra không nên có trong môi trường giáo dục. Hơn nữa, không phải là nhà trường xếp loại thấp đi mà tốt hơn, nhân văn hơn. Từ câu chuyện này, ông Tường đề nghị mỗi thầy, cô giáo phải xây dựng lại thái độ sống, cư xử trong trường học, xứng đáng với đạo đức nhà giáo.

Chia sẻ bản thân rất áp lực trước tập thể khi nâng mức đánh giá của cô Bình Minh từ Không hoàn thành nhiệm vụ lên mức Hoàn thành. Bởi theo thầy Lê Minh Thơ, nhiều năm liền, cô Minh rất ít hợp tác với các thầy cô khác trong trường. Phụ huynh, học sinh cũng thường xuyên kiến nghị đổi giáo viên nếu năm đó cô Minh được phân công đứng lớp.

“Nhưng việc để một giáo viên đứng trước nguy cơ nằm trong diện tinh giản biên chế, tôi phải rất cân nhắc, đắn đo. Vì đằng sau đó là cả một gia đình nữa. Nếu trù dập thì tôi sẽ không nâng lên làm gì cả” – thầy Thơ khẳng định đồng thời đề xuất: Ngoài yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chí xét tinh giản biên chế, cần có thêm đánh giá năng lực hành vi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ