Tín hiệu vui từ mô hình trường học mới

GD&TĐ - Năm học 2013-2014 là năm thứ hai triển khai mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN). Từ khi mô hình được thí điểm, thông qua việc đổi mới cách tổ chức các hoạt động GD, hoạt động dạy học ở trường TH đã thể hiện những mặt tích cực. 

Khi triển khai mô hình trường học mới VNEN, cả GV và HS đều giảm được rất nhiều áp lực dạy - học
Khi triển khai mô hình trường học mới VNEN, cả GV và HS đều giảm được rất nhiều áp lực dạy - học

Ở tỉnh Kiên Giang, chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực từ các cấp quản lý GD, từ GV và phụ huynh HS. Đây được xem như dấu hiệu khởi đầu cho bước đổi mới tận gốc từ mục tiêu GD đến nội dung, chương trình, cách thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá...

Sức hấp dẫn của một mô hình

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN), năm học 2012 – 2013, tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện tại 45 trường chính và 45 điểm trường lẻ của 14 huyện, thị xã, thành phố. 

Đến năm học 2013 – 2014 đã triển khai nhân rộng thêm tại 11 trường, nâng tổng số trường tham gia Mô hình VNEN lên 56 trường và 45 điểm trường lẻ.

Cùng hoàn cảnh như các tỉnh khác, việc triển khai bước đầu hết sức khó khăn: Về tài liệu dạy học, về kinh phí, đội ngũ, cơ sở vật chất… GV “chân ướt, chân ráo” mới được tập huấn hết sức lo lắng, vất vả khi tổ chức lớp học theo mô hình mới. 

Tài liệu về chậm 4 - 5 tuần gây nhiều hoang mang, nghi hoặc. Đến giữa tháng 3/2013, các trường mới nhận được kinh phí hỗ trợ, trong khi mọi hoạt động của mô hình này được khởi động từ đầu tháng 8/2012.

Nhưng chính nhờ sự triển khai, tập huấn khá chu đáo, kỹ lưỡng từ cấp trung ương đến địa phương, sự hấp dẫn, thiết thực của mô hình cộng với sự khát khao đổi mới giáo dục đã là động cơ thúc đẩy sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các nhà quản lý giáo dục. 

Sự nỗ lực, kiên trì vượt qua những khó khăn, trở ngại cũng như áp lực trong học kỳ đầu tiên tham gia Dự án của Ban giám hiệu các trường và GV dạy lớp VNEN, đã khiến nhiều thầy, cô giáo sáng tạo biến lớp học trở nên sinh động, thú vị đối với HS, làm thay đổi không khí, môi trường học tập… giúp các em thích thú, tự tin và phát huy năng lực học tập của mình tốt hơn. Từ đó, tạo được niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh HS và của cộng đồng.

Tính đến cuối năm học 2012 - 2013, tham gia Dự án có 45 trường TH và 45 điểm trường lẻ. Số HS lớp 2 VNEN lên lớp thẳng: 4.392/4.445 em, tỷ lệ 98,8% (toàn tỉnh 97,5%). HS lớp 3 VNEN lên lớp thẳng: 4.286/4.341 em, tỷ lệ 98% (toàn tỉnh 98%). Qua hơn 1 năm học thực hiện thí điểm dạy học theo mô hình trường học mới, có thể nhận thấy những điểm như:

Mô hình lớp học và hình thức tổ chức dạy học đã tạo được sự hứng thú cho GV và HS, khi thực hiện giảng dạy và học tập. Lớp học sinh động, HS, ham thích học; HS được tự quản, phát huy tính chủ động, khả năng tự học phát triển. 

Các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn, linh hoạt hơn trong học tập và giao tiếp. HS được rèn luyện thêm kỹ năng sống, biết bày tỏ ý kiến, biết quan sát, quan tâm đến việc học của bạn, biết diễn đạt bằng luận điệu, ngôn ngữ của mình. 

Mô hình tự quản của VNEN giúp HS nâng cao tính tự giác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập. Tài liệu học tập VNEN gợi ý hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện nội dung dạy - học khá thuận tiện cho GV, giảm được thời gian soạn bài, GV chỉ cần nghiên cứu bổ sung điều chỉnh cách dạy sao cho phù hợp với đối tượng lớp mình dạy. Tài liệu học bền, đẹp, màu sắc hấp dẫn, tranh ảnh phong phú, dễ thu hút sự chú ý của HS...

Tuy mới hơn 1 năm thực hiện thí điểm Dự án Mô hình trường học mới, nhưng tại Kiên Giang đã nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của đội ngũ CQBL, GV tiểu học, đặc biệt sự đồng tình của phụ huynh HS vì chính chất lượng học tập của mô hình VNEN. 

Các lớp VNEN sau buổi đầu khó khăn, bỡ ngỡ vì sự khác lạ về hình thức tổ chức lớp học, sau đó đã được HS ham thích; mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, thân thiện, tự giác, tự học, tự khám phá kiến thức. Cả GV và HS đều giảm được rất nhiều áp lực dạy - học.

Nhận thấy được hiệu quả tích cực của Dự án, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang - Trưởng ban chỉ đạo Dự án đã đề ra ý tưởng, quyết tâm phát huy những yếu tố tích cực từ mô hình, nhân rộng mô hình. 

Tháng 6/2013, tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Dự án để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm khâu tổ chức thực hiện, đề ra giải pháp khắc phục khó khăn, phát huy những ưu điểm, tính hiệu quả, tinh thần sáng tạo của các đơn vị trường; trao đổi học tập kinh nghiệm tổ chức lớp VNEN giữa các địa phương, đồng thời chỉ đạo phương hướng triển khai mô hình VNEN cho năm học 2013 – 2014; tháng 8/2013, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 974/SGDĐT-GDTH để chỉ đạo triển khai và nhân rộng Mô hình trường học mới trong toàn tỉnh.

Toàn ngành đã huy động các nguồn lực để nhân rộng mô hình từ kinh phí của Dự án, kinh phí đào tạo và nguồn chi sự nghiệp của địa phương, đến nguồn xã hội hóa… để tập huấn hàng nghìn lượt giáo viên giảng dạy ở một số môn, một số lớp học tại những trường đang giảng dạy học tập 2 buổi/ngày, các lớp ghép và lãnh đạo tất cả các trường Tiểu học trong tỉnh; bài trí lớp học theo hình thức lớp VNEN; khuyến khích các lớp ghép và các lớp tiểu học còn lại tham gia bài trí một số bảng biểu phù hợp, GV có thể tham gia dạy một số tiết theo phương pháp, tài liệu học VNEN… để tạo sinh khí, giáo dục tính tự quản, tự giác và kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho HS…

Phụ huynh, nhà trường cùng đồng thuận

Lớp học theo mô hình VNEN ở trường TH Âu Cơ, TP Rạch Giá (Kiên Giang)

Lớp học theo mô hình VNEN ở trường TH Âu Cơ, TP Rạch Giá (Kiên Giang)

Vùng ĐBSCL có đặc thù là nhiều địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại hết sức khó khăn, các em HS thường hay nhút nhát, ít phát biểu trong giờ học. 

Do đó, khi bắt đầu triển khai mô hình trường học mới VNEN ai cũng tưởng rằng rất khó khăn và không có hiệu quả. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, các em HS học theo nhóm, GV sẽ hướng dẫn từng nhóm để các em cùng học, cùng khám phá nên tiến bộ rất nhanh.

Điều dễ nhận thấy là ở những lớp theo mô hình trường học mới không khí luôn sôi nổi. GV cũng chạy “hết tốc lực” với các em HS để giải đáp thắc mắc, nhận xét, đánh giá theo từng nhóm, từng đối tượng. 

Điều đặc biệt là ở các lớp này không còn cảnh thầy trên bục giảng viết từng chữ rồi đọc cho trò chép mà thay vào đó là các em HS cùng nhau thảo luận nhóm, phát biểu, nhận xét lẫn nhau rất sôi nổi… 

Nhiều GV chia sẻ, ban đầu khi triển khai mô hình trường học mới, lớp học không khác nào “cái chợ”. Các em ngồi thành nhóm trao đổi rất sôi nổi, có đồng tình, có ý kiến phản biện, đôi khi tranh luận đến nảy lửa. 

Thấy cảnh này, phụ huynh tỏ ý không đồng tình, họ sợ không khí ồn ào làm con em không học được; có người còn lo ngại các em sẽ nhìn bài nhau… 

Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, các em tiến bộ rất nhanh, về nhà các em đọc chữ, làm bài tập rành rọt và cha mẹ không cần dạy kèm thêm như trước. 

Nhiều em về nhà còn tổ chức cho cha, mẹ, anh chị em thành nhóm học và thảo luận rất vui vẻ, kèm theo đó là những câu chuyện về kỹ năng sống đã làm cho phụ huynh bất ngờ, thú vị.

Hiệu quả đáng ghi nhận nhất được nhiều thầy cô giáo và phụ huynh đánh giá cao là mô hình trường học mới đảm bảo cho HS rèn luyện một cách toàn diện, không chỉ học kiến thức mà cả kỹ năng sống, năng lực tự quản bản thân, tự quản tập thể của mình... 

Trong quá trình dạy học, GV phát hiện những nhân tố tích cực, những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, tạo hứng thú học tập. Đồng thời phát hiện những khó khăn mà HS có thể không vượt qua được để hướng dẫn các em khắc phục.

Mô hình trường học mới VNEN là mô hình học tập rất tiến bộ, phù hợp với lứa tuổi và được nhiều thầy cô giáo cũng như xã hội đồng thuận. Trên cơ sở đánh giá, lấy ý kiến rộng rãi từ GV, phụ huynh và HS, tất cả đều rất phấn khởi, tin tưởng phương pháp GD này. 

Năm học 2014 - 2015, chúng tôi chỉ đạo duy trì và nâng cao hiệu quả ở các trường lớp đã và đang thực hiện; nhân rộng mô hình trường học mới ở tất cả các lớp học 2 buổi/ngày, các lớp ghép; đối với các lớp học 1 buổi/ngày và những nơi đặc biệt khó khăn không thực hiện được toàn phần thì đổi mới phương pháp, lấy phương pháp của mô hình trường học mới đưa vào thực hiện bước đầu…

Trước mắt, ngành GD&ĐT Kiên Giang còn phải vượt qua nhiều thách thức, nhất là hiện trạng cơ sở vật chất trường, lớp học. Hy vọng rằng các cấp quản lý giáo dục sẽ có được những giải pháp hữu hiệu để tăng nguồn lực đầu tư cho các trường TH đủ phòng học, đủ GV nhằm đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi/ngày một cách bền vững, thực hiện mô hình trường học mới một cách hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ