Hóa giải tên lửa hành trình
Quân đội Nga tiếp tục ngăn chặn những nỗ lực lặp đi lặp lại của Ukraine nhằm gây tổn hại cho dân thường và cơ sở hạ tầng của Moscow bằng các cuộc tấn công tầm xa liên quan đến máy bay không người lái và tên lửa hành trình do phương Tây cung cấp.
Hãng RIA dẫn lời ông Anpilogov cho biết, tỷ lệ thành công thấp đáng kinh ngạc của các cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào lãnh thổ Nga là minh chứng cho chất lượng và hiệu quả của hệ thống phòng không Nga.
Một hệ thống vũ khí như vậy tỏ ra đặc biệt tiện dụng trong việc bắn hạ bất cứ thứ gì Kiev tấn công vào quân đội Nga là Tor-M2 - hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn được thiết kế bởi Nhà máy Cơ điện Izhevsk Kupol, một công ty con của tập đoàn nhà nước Nga Almaz-Antey.
Tor-M2 có khả năng tấn công và tiêu diệt hầu như mọi loại mục tiêu trên không trong tầm bắn như máy bay chiến đấu và trực thăng, tên lửa, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, đạn dược dẫn đường chính xác cũng như máy bay không người lái trinh sát và tấn công.
Những hệ thống phòng không tầm ngắn này, mỗi hệ thống được trang bị 16 tên lửa đất đối không, thường được triển khai để bảo vệ các đội quân và các đơn vị thiết giáp khỏi các cuộc tấn công trên không hoặc để bảo vệ các cơ sở quan trọng khác nhau.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Nga, một chỉ huy đơn vị Tor-M2 nói rằng có lẽ mục tiêu khó khăn nhất mà ông phải đối phó là tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP do Anh và Pháp cung cấp cho Ukraine.
Tuy nhiên, người chỉ huy lưu ý rằng mặc dù những tên lửa này bay thấp này khó bị đánh chặn nhưng khó không có nghĩa là không thể bởi phòng không Nga đang sở hữu những hệ thống tối tân như Tor-M2.
Chặn đứng HIMARS
Cùng với khả năng vô hiệu đòn tấn công từ tên lửa hành trình, theo ông Anpilogov, Tor-M2 còn tạo ra bức tường thép ngăn chặn hệ thống HIMARS Mỹ cung cấp cho Ukraine.
"Nhiệm vụ đánh chặn đạn bay với tốc độ siêu âm kiểu như của HIMARS thậm chí còn không được đặt ra ở phương Tây. Trong khi đó, đối phó với những mục tiêu như vậy đang được tổ hợp Tor làm rất tốt trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga", chuyên gia Alexei Anpilogov nói.
Vị chuyên gia cho biết thêm, để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, các kỹ sư Nga đã thực hiện một số cải tiến và nâng cấp khiến Tor trở thành hệ thống đánh chặn gần như không có loại tương tự trên thế giới.
Để chuyển sang trạng thái chiến đấu, tổ hợp chỉ mất 1 đến 3 giây để phản ứng với các mục tiêu bay, kể cả các mục tiêu bay thấp và có độ phản xạ radar thấp.
Tor-M2 có thể theo dõi cùng lúc 144 mục tiêu ở phạm vi 32km và dẫn bắn vào 4 mục tiêu nguy hiểm nhất. Trong khi kíp điều khiển chỉ cần 2 người.
Với biến thể nâng cấp của đạn tên lửa 9M330, khả năng chiến đấu của Tor-M2 có thể vươn xa hơn. Đạn tên lửa này được thiết kế để ngăn chặn các vũ khí tấn công chiến thuật chính xác cao và UAV.
Hệ thống dẫn đường chính xác cao giúp Tor-M2 có thể tiêu diệt mỗi mục tiêu chỉ thị không quá 2 đạn tên lửa. Điều này giúp nâng cao đáng kể năng lực chiến đấu của từng xe phóng, cũng như của cả tổ hợp.
Theo thiết kế, mỗi xe phóng của Tor-M2 được trang bị 16 đạn tên lửa chứa trong ống phóng kiêm khoang bảo quản. Phiên bản nâng cấp của đạn tên lửa 9M330 được đánh giá có tỷ lệ chính xác tới 97% và đạt tốc độ bay tới 1000m/giây, tương đương Mach 3.
Điểm đặc biệt nữa của Tor-M2 là khả năng phóng tên lửa khi hành tiến. Xe phóng Tor-M2 có thể phóng tên lửa khi đang di chuyển với vận tốc 40km/h. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng sống sót của tổ hợp trong điều kiện tác chiến cơ động.
Theo Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga, Thượng tướng Aleksandr Leonov, riêng trong năm 2020, các tổ hợp Tor-M2 tại Syria đã bắn hạ ít nhất 40 UAV, hàng trăm quả đạn phản lực của phiến quân tại Syria.
Thiết kế tối tân cùng kinh nghiệm thực chiến dày dạn là câu trả lời cho câu hỏi vì sao đánh chặn đạn của HIMARS do Ukraine phóng, Nga thường sử dụng tổ hợp Tor.
Clip tàu ngầm chiến lược Nga phóng tên lửa Bulava. |