Cùng dự có bà H’ Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; đại diện các sở, ngành của tỉnh; đại diện các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Về phía Trường Đại học Tây Nguyên có TS Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng cùng đại diện Hội đồng Trường, lãnh đạo các khoa, phòng.
Các đại biểu dự buổi làm việc. (Ảnh: Thành Tâm) |
Hướng tới thành lập đại học vùng
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng an ninh . Trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 đột phá chiến lược, cũng là yếu tố then chốt để Tây Nguyên phát triển bền vững.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu. (Ảnh: Thành Tâm) |
“Theo kế hoạch, Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk) và Trường Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ phát triển thành 2 trung tâm nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên và đất nước. Vì vậy, địa phương cần xác định rõ các nguồn đầu tư tổng hợp thành Đề án phát triển Trung tâm đào tạo chất lượng cao báo cáo để Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu đề dẫn.
Theo TS Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, từ nay đến 2030, nhà trường sẽ tập trung sắp xếp, cơ cấu lại, chuẩn bị các điều kiện để thành lập trường trong trường, tiến đến thành lập Đại học vùng. Cụ thể, thành lập Trường tiểu học, THCS và THPT thực hành Cao Nguyên trên cơ sở Trường THPT thực hành Cao Nguyên. Thành lập các đơn vị thuộc khoa như, Trạm Thú y thành Bệnh viện Thú y, bộ môn Du lịch thuộc khoa Kinh tế. Đặc biệt, thành lập các Trường đại học: Y Dược, Nông nghiệp, Sư phạm, Kinh tế.
TS Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên báo cáo. (Ảnh: Thành Tâm) |
Cũng theo TS. Trúc, tầm nhìn đến 2045, Trường Đại học Tây Nguyên trở thành Đại học vùng và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề mũi nhọn cho Tây Nguyên cũng như các nước vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà H’ Yim Kđoh thay mặt UBND tỉnh Đắk Lắk gửi lời cảm ơn Bộ GD&ĐT đã quan tâm đến tỉnh Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định việc Bộ GD&ĐT quan tâm, đề xuất giải pháp xây dựng Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường đại học Tây Nguyên phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến 2045. Căn cứ pháp lý đã có, bà H’ Yim Kđoh đề nghị các sở, ngành liên quan và Trường Đại học Tây Nguyên tiếp thu ý kiến tư vấn, chỉ đạo của đại diện Bộ GD&ĐT, cụ thể hóa vào đề án. "Phải làm sao khi đề án trình Bộ để Bộ trình Chính phủ phê duyệt là thực hiện luôn, không để duyệt rồi lại xây dựng đề án con”, bà H’ Yim Kđoh nói.
Bà H’ Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu. (Ảnh: Thành Tâm) |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’ Yim Kđoh cũng đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, muốn có đại học tốt thì phải có giáo dục phổ thông tốt, phải quan tâm đến đầu vào và nâng cao tỷ lệ, chất lượng đầu vào của học sinh THPT nhất là con em người dân tộc thiểu số.
“Tôi đồng tình với gợi ý của Thứ trưởng, nên ưu tiên đào tạo chất lượng cao đối với ngành sư phạm. Bởi thầy có giỏi thì mới đào tạo ra nhiều trò giỏi”, bà Yim nhấn mạnh.
Giáo dục chất lượng cao phải vì người dân
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong xây dựng Đề án, phát triển Trường Đại học Tây Nguyên, Nhà trường và địa phương cần xác định đúng, rõ, cụ thể ngành nào, lĩnh vực nào là trọng tâm. Ngành nào gắn với sinh kế của người dân thì ưu tiên trước. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ các em học sinh khó khăn có năng lực, có nhu cầu muốn đào tạo các ngành chất lượng cao cũng cần ưu tiên.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng phát biểu. (Ảnh: Thành Tâm) |
“Giáo dục chất lượng cao trước hết là mang đại học đến cho người dân, trong đó trọng tâm là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tiếp đến, phát triển KT-XH, giữ vững an ninh - quốc phòng gắn với phát triển khoa học, công nghệ, sáng tạo từ đó mới xác định ngành nghề đào tạo. Trường Đại học Tây Nguyên cần rà soát lại, xem lại chiến lược phát triển đến 2030 và tầm nhìn 2045", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk phát biểu. (Ảnh: Thành tâm) |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vụ thuộc Bộ GD&ĐT và các sở, ngành tại địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp để bảo đảm Đề án triển khai mang lại hiệu quả. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh phía nhà trường cần rà soát, tính toán cẩn thận từ đất đai, cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư và thu hút nguồn nhân lực.
“Hiện nay, tiến sĩ về trường được hỗ trợ 100 triệu, thạc sỹ khối ngành sức khỏe được hỗ trợ 50 triệu. Ngoài ra, trường có chế độ hỗ trợ nhà ở, thù lao thu nhập tăng thêm cho những cán bộ, giảng viên”, TS. Trúc nói.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, sẽ tạo cơ chế để Đề án sớm hoàn thiện.
Các đại biểu dự buổi làm việc. (Ảnh: Thành Tâm) |
Bên cạnh việc khẳng định ưu tiên đào tạo chất lượng cao ngành Sư phạm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi ý: "Đề án phải chỉ ra được, tại sao phải đào tạo chất lượng cao ở đây chứ không phải đưa ra Huế, Đà Nẵng... Nếu ở đây với chi phí tốt thì việc tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người dân sẽ tăng lên như thế nào. Các chương trình, nội dung đào tạo cũng phải được tính toán dài hơi. Mục tiêu vẫn là tăng tỷ lệ đầu vào đại học đối với người dân nhất là ở vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên".
Thứ trưởng giao Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên tiếp thu ý kiến góp ý của các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT, các sở, ban, ngành tại địa phương để bổ sung, hoàn thiện Đề án xây dựng Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại Tây Nguyên.
Liên quan đến nội dung này, sáng mai 21/5, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT sẽ có buổi làm việc với Trường Đại học Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.