Tìm MH370, vướng tầng lớp rác thải trên biển

Trong quá trình tìm kiếm phi cơ mất tích MH370, các chuyên gia phát hiện nhiều vật thể trôi nổi ngoài khơi bờ biển Australia. 

Rác thải từ thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản trôi nổi trên Đại Tây Dương.
Rác thải từ thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản trôi nổi trên Đại Tây Dương.

Theo các nghi vấn ban đầu, đây có thể là mảnh vỡ máy bay. Tuy nhiên, những vật thể này chỉ là thiết bị đánh cá, thùng hàng hóa, mảnh vỡ hộp đựng, vỏ nhựa và nhiều loại rác thải khác.

"Đây là lần đầu tiên cả thế giới cùng theo dõi việc tìm kiếm máy bay mất tích và cũng là thời điểm để mọi người cần biết rằng các đại dương của chúng ta đang ngập tràn rác. 

Đây là vấn đề ở mọi đại dương", Kathleen Dohan, một nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Trái Đất và Không gian tại Seattle, Washington, Mỹ, cho hay.

Theo National Geographic, rác được thải xuống biển sẽ trôi xuống các khu vực được gọi là "bãi chứa rác". Dưới đại dương, đây được coi là phiên bản của các bãi rác trên đất liền. 

Khi di chuyển đến khu vực này, hoạt động của các tàu thuyền sẽ bị gây cản trở. Đời sống của sinh vật biển và các hệ sinh thái ở đây cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thái Bình Dương và Đại Tây Dương là hai đại dương có bãi chứa rác khổng lồ, một ở phía bắc và một ở phía nam. Bãi chữa rác ở Ấn Độ Dương nằm ở giữa châu Phi và Australia. Trong đó, khu vực Thái Bình Dương được xem là bãi rác lớn nhất.

Rác thải dưới đại dương có nguồn gốc từ các vụ tràn dầu, sự cố giao thông đường biển, tàu thuyền bị hư hại hay ảnh hưởng của thiên tai như động đất, sóng thần. 

Nikolai Maximenko, một nhà hải dương học tại Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương của Đại học Hawaii ở Honolulu, cho biết có khoảng 100.000 đến một triệu vật thể là các mảnh gỗ lớn vẫn đang trôi nổi ở khu vực này.

Khoảng 90 % rác thải ở 5 bãi rác đại dương được xác định là nhựa, bao gồm vỏ chai, lọ nhựa, túi hay hộp đựng, nắp chai, đồ dùng trong bếp... Các loài rùa biển và cá voi xám California đang trở thành nguồn tiêu thụ tương đối lớn các loại rác thải này. 

Tuy nhiên, rác thải nhựa đều có độc tố nguy hiểm và có thể không tiêu hóa được. Rác thải nhựa tập trung nhiều nhất ở khu vực rác ở bắc Đại Tây Dương, nơi tiếp nhận rác thải từ Mỹ, Canada, Mexico và châu Âu.

Vì nằm ở đại dương mênh mông và xa xôi nên các bãi rác này vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Theo ước tính của các nhà khoa học, bãi rác ở Ấn Độ Dương có thể có kích thước 5 triệu km2 nhưng không có ranh giới rõ ràng và thậm chí có thể thay đổi theo mùa.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ