Không chỉ dang tay nâng đỡ mà thầy cô còn tìm kết nối, tìm mẹ đỡ đầu cho trò trong hành trình cuộc đời. Để những đôi mắt đượm buồn đã dần ánh lên tia vui ấm áp được yêu thương.
Kết nối, tìm mẹ nuôi là cán bộ, giáo viên nghỉ hưu
Trong hai năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông (Nghệ An) thống kê danh sách học trò mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đồng thời kết nối, tìm mẹ nuôi là cán bộ, giáo viên nghỉ hưu khắp cả nước nhận đỡ đầu cho hàng chục đứa trẻ có số phận không may ấy.
Món quà của mẹ đỡ đầu chưa biết mặt Lang Văn Hướng (Trường Tiểu học Mậu Đức, huyện Con Cuông, Nghệ An) năm nay đã 10 tuổi nhưng chỉ học lớp 2. Sau hơn 3 năm liên tục bữa học bữa nghỉ, Hướng mới chịu lên lớp. Cậu học trò người Thái ở cùng ông bà nội trong ngôi nhà cấp 4 trên đồi. Ngôi nhà không còn mới nữa, nhưng vẫn chưa được quét vôi. Bên góc gian chính có bàn thờ nhỏ, không có di ảnh nào. Đồ đạc trong nhà chỉ có chiếc giường cùng bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ. Giá trị nhất là mấy bì lúa vừa thu hoạch xong, nhìn vào không còn lo đói. Ông Lang Văn Việt (SN 1954) – ông nội của Hướng nói: “Gia đình hộ nghèo, căn nhà gỗ cũ dột nát quá rồi, nên mấy năm trước chính quyền hỗ trợ tiền xây nhà. Nhưng xây gần xong thì hết tiền, nên giờ cứ ở vậy đã”.
Hướng mồ côi cả cha lẫn mẹ sau biến cố gia đình. Từ đó, cậu bé ở cùng ông bà nội già yếu. Cách đây mấy năm, bà còn bị tai biến, không còn nhanh nhẹn nữa, chỉ có thể quanh quẩn trong nhà. Còn ông Việt gần 70 tuổi vẫn chịu khó làm rẫy để nuôi đứa cháu “số khổ”. “Hồi nhỏ nó sinh ra khỏe mạnh, ngoan lắm. Nhưng bố nó thì tính tình nóng giận, đôi lúc không bình thường. Hồi thằng Hướng còn nằm trong tã, bố nó 3 lần ném ra đường, thậm chí đem bỏ ngoài ruộng. Tôi về đi tìm cháu, vớt từ ruộng lên, suýt nữa nó chết ngạt rồi. Vậy mà nó vẫn sống! Nhưng có lẽ do mấy lần bị bố nó đem vứt, bị ảnh hưởng nên lớn lên, thằng Hướng chậm hơn các bạn”, ông Việt kể.
Cô Lương Thị Xuyến là giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của Hướng từ cách đây 3 năm. Sau mấy lần luân chuyển qua các điểm lẻ, năm nay cô lại về điểm trường Kẻ Trằng, và bất ngờ gặp lại Hướng trong lớp 2 mà mình chủ nhiệm. “Thằng bé chậm và giảm chú ý so với các bạn. Đang ngồi học nhưng có thể đùng đùng đứng dậy bỏ ra khỏi lớp. Hoặc cả buổi không thấy đâu, cuối buổi lại thấy xuất hiện. Cô cũng nói với ông bà đưa Hướng đi kiểm tra sức khỏe để có thể được nhận bảo trợ xã hội. Nhưng nhà khó khăn, ở vùng xa. Ngoài trường học cũng không biết gửi Hướng ở đâu. Tôi và giáo viên khác trong trường biết hoàn cảnh của em nên cố gắng động viên, nói nhẹ nhàng để em chịu khó đến lớp đầy đủ”, cô chủ nhiệm kể.
Năm học này, được sự hướng dẫn của lãnh đạo Phòng GD&ĐT Con Cuông, Trường Tiểu học Mậu Đức lập danh sách những học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tìm người đỡ đầu. Lang Văn Hướng được một mẹ ở Hà Nội nhận làm con nuôi. “Người nhận đỡ đầu Hướng là mẹ Hồng Nhung. Mỗi năm, mẹ sẽ gửi một khoản chi phí, chuyển cho cô giáo chủ nhiệm để mua đồ dùng học tập, quần áo cho con. Dù chưa một lần về đây gặp mặt trực tiếp do tình hình dịch bệnh, nhưng nghe có mẹ gửi quà là Hướng mừng lắm. Từ đó cũng đi học chăm hơn, chịu khó viết chữ. Thằng bé vẫn không nói nhiều, nhưng biết nghe lời hơn”, cô Xuyến chia sẻ.
Ông nội nhìn đứa cháu mồ côi “không khôn ngoan bằng bạn bè”, nhưng bây giờ đã biết đọc, biết viết tên mình và tên ông bà, thì mừng lắm. Thay con nuôi cháu, ông Lang Văn Việt chỉ “mong nó được đi học, “sau này biết lo cho bản thân, chứ ông bà già rồi, không ở mãi với cháu được”.
Cùng Trường Tiểu học Mậu Đức, ngoài Lang Văn Việt còn có em Lưu Đình Vi Vương (SN 2011, bản Thống Nhất) được nhận đỡ đầu, giúp đỡ. Mấy hôm nay, góc học tập của Vương có thêm chiếc đèn bàn mới hình con mèo. Đó là quà mẹ nuôi Kim Tuyến nhờ cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Oanh mua hộ. Không chỉ có đèn, Vương còn được mua cặp sách, giày dép và 2 chiếc sơ mi trắng mới tinh. Nhưng đến bữa đi học, em vẫn mặc bộ quần áo cũ đã ố màu. Đến thăm nhà, cô giáo hỏi áo mới đâu, mới hay cậu học trò nghèo đã mang cất trong rương, chưa dám mặc. “Từ khi đi học đến dừ, em chưa khi mô được mua đồ mới, nên để dành”, Vương lí nhí giải thích. Cô giáo động viên mãi, bảo đó là đồ mẹ nuôi tặng, đến Tết sẽ có áo khác, cậu bé mới đồng ý hôm sau mặc đồ mới đến trường.
Cũng theo cô Oanh, năm học này, thông qua nhóm “Trẻ được đỡ đầu” do Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông khởi xướng, em Lưu Đình Vi Vương được mẹ Kim Tuyến nhận làm con nuôi. Mỗi năm, mẹ hỗ trợ cho Vương 3,6 triệu đồng và gửi cô chủ nhiệm mua đồ dùng học tập, sinh hoạt mà con đang thiếu. Số tiền không quá lớn, nhưng đối với những đứa trẻ mồ côi dân tộc thiểu số nơi đây, nó đã chuyển thành những niềm vui, nỗi mong chờ và giá trị không đong đếm được.
Để trò mồ côi không đứt gãy học hành
Vụ tai nạn giao thông cách đây 6 năm đã một lúc cướp đi cả bố lẫn mẹ của hai chị em Lương Thị Huyền (SN 2004) và Lương Tuấn Hưng (SN 2001). Sau đám tang, ông bà nội từ ngoài bãi bồi sông Lam chuyển về sống cùng hai đứa cháu côi cút. Đến giờ, chị em Huyền vẫn chưa quên được cảm giác bơ vơ đến ám ảnh trong căn nhà nhỏ dột nát giữa thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông.
Cuộc sống của ông bà và 2 đứa cháu không chỉ suy sụp về tinh thần mà còn chật vật, túng thiếu kinh tế. “Ngày ấy, ông nhà tôi vẫn phải ra lán ngoài bãi để canh mấy sào rau màu. Buổi đêm chỉ có 3 bà cháu. Nhưng cứ 4 giờ sáng là tôi dậy đi hái rau mang ra chợ bán. Nhưng bà dậy là cháu cũng dậy theo. Hôm nào chợ về tôi cũng thấy 2 đứa cháu ngồi trước cửa đợi. Có hôm đợi mệt quá ôm nhau ngủ gật, muỗi đốt khắp người mà vẫn không chịu vô giường”, bà Phan Thị Lý – bà nội chị em Huyền nghẹn ngào kể lại.
Bà Lý kể, mình không biết lấy đâu ra sức lực để làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, chỉ mong đủ cơm cho cháu, còn lo trả nợ thay các con. Ngôi nhà nhỏ ngày càng dột nát cũng không có tiền sửa chữa. Cứ dột, hỏng ở đâu thì “vá” tạm lại ở đó. Chỉ có điều bà không để cháu thất học, dù đói nghèo đến mấy thì ít nhất cũng phải thay con nuôi các cháu đến hết lớp 12. Vậy mà ngày tháng cứ vậy trôi qua. Đến nay, Huyền đã là học sinh lớp 12, còn Hưng đang học lớp 9. Do dịch Covid-19, nhiều đợt các cháu phải tạm dừng học ở trường, chuyển sang học trực tuyến. Bà lại vay mượn, gom góp thêm, mua chiếc điện thoại thông minh để 2 đứa cháu thay nhau học, ôn thi cuối cấp.
Lương Thị Huyền giờ đã thành thiếu nữ cao hơn 1m65, biết cất giấu những buồn đau, tủi thân để nỗ lực học tập, an lòng ông bà. Em tâm sự cố gắng đậu tốt nghiệp THPT, sau đó sẽ đi học nghề để sớm đi làm phụ giúp ông bà đã già. “Em muốn học nghề nấu ăn, rồi xin việc trong các nhà hàng. Sau này nếu có điều kiện, em về Con Cuông mở quán để gần ông bà”, Huyền nói.
Ông Phan Trọng Trung – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, Nghệ An là người kết nối, phụ trách hoạt động chăm sóc, hỗ trợ học trò mồ côi trên địa bàn. Theo ông Trung, mỗi năm, các nhà trường, địa phương đều dành ưu tiên các suất quà, học bổng cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhưng với trò mồ côi, các em không chỉ đòi nghèo về vật chất, mà còn thiếu thốn, mất mát tình cảm gia đình. Việc tìm kiếm, kết nối, tìm mẹ đỡ đầu, là để các em có thêm một lần được yêu thương, nhận sự quan tâm, dõi theo trong suốt năm tháng đi học. Bù đắp phần nào thiệt thòi trong số phận các em.
“Hiện toàn huyện đã có hơn 30 học sinh mồ côi cả bố lẫn mẹ hoặc mồ côi bố, mồ côi mẹ, hoàn cảnh nghèo khó được nhận đỡ đầu. Với các em đang hưởng chế độ bán trú là 1,8 triệu đồng/năm, những em còn lại được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/năm. Người đỡ đầu là những cán bộ, giáo viên hưu trí, các mạnh thường quân đang sinh sống ở Hà Nội và một số tỉnh thành. Các cháu được bố mẹ, ông bà đỡ đầu đều đã được rà soát, thẩm định thông tin về hoàn cảnh”, ông Phan Trọng Trung cho hay.
Cũng theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất học sinh là con mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lên Phòng. Hồ sơ sẽ được gửi đến tổ chức uy tín, các ông bà, bố mẹ xem xét nhận đỡ đầu. Ngược lại, Phòng cũng sẽ nhận trách nhiệm điều phối, đảm bảo việc hỗ trợ học trò đầy đủ, đúng ý nghĩa nhân văn.
Các mẹ đỡ đầu sẽ chuyển số tiền hỗ trợ cho học sinh mồ côi tại huyện Con Cuông vào tài khoản do ông Trung trực tiếp quản lý. Các khoản hỗ trợ được chia thành 2 hoặc 3 lần chuyển đến giáo viên chủ nhiệm vào dịp đầu năm học mới, Tết Nguyên đán hoặc dịp 30/4. Giáo viên không trao trực tiếp tiền cho học sinh hoặc gia đình, mà sẽ dẫn các em mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt, nhu yếu phẩm thiết yếu cho trẻ. Riêng sách vở không sử dụng số tiền này để mua, mà nhà trường và ngành Giáo dục đã có chương trình hỗ trợ riêng.