“Mẹ đỡ đầu” của học sinh nghèo, mồ côi

GD&TĐ -Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi bố, mẹ ở Quảng Bình đã cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc khi được Hội Phụ nữ Công an tỉnh nhận làm “Mẹ đỡ đầu” để hỗ trợ, giúp đỡ động viên các em tiếp bước đến trường.

Hội Phụ nữ Công an tỉnh phối hợp Câu lạc bộ Ước mơ xanh hỗ trợ cháu Nguyễn Tấn Dũng, bị khuyết tật mất 1 tay, học sinh Trường THCS số 2 Quảng Văn, thị xã Ba Đồn.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh phối hợp Câu lạc bộ Ước mơ xanh hỗ trợ cháu Nguyễn Tấn Dũng, bị khuyết tật mất 1 tay, học sinh Trường THCS số 2 Quảng Văn, thị xã Ba Đồn.

Mô hình thiết thực

Hưởng ứng kế hoạch tổ chức hoạt động “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Bình đã nhận đỡ đầu và giúp đỡ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường.

Em Nguyễn Thị Thùy Trang (thôn Tây, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) không có bố, mồ côi mẹ từ năm lớp 7 và sống một mình từ đó đến nay trong căn nhà của “Chương trình Khăn quàng đỏ” xây tặng.

Mặc dù, gia cảnh khó khăn, không có người thân thích bên cạnh nhưng Thùy Trang luôn cố gắng trong cuộc sống và nỗ lực học tập. Hiện nay, em là sinh viên năm nhất, Khoa Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Quảng Bình.

Nguyễn Thị Thùy Trang tâm sự: “Một mình lủi thủi, em rất buồn tủi, rồi khó khăn hơn khi không có đủ tiền để trang trải việc học. Thế nhưng, được nhà trường, thầy cô và các bạn, đặc biệt là cô bên Hội Phụ nữ Công an tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ, động viên đã tiếp thêm cho em nghị lực để tiếp tục đến trường và nỗ lực hơn trong cuộc sống cũng như học tập”.

Ngoài việc nhận đỡ đầu em Thùy Trang, thời gian qua, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Bình đã giúp đỡ, hỗ trợ 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học được tiếp tục đến trường, trong đó có 3 trường hợp mồ côi bố, mẹ. Tổng số tiền hỗ trợ 4 học sinh là 24 triệu đồng, theo đó trong năm học 2021 - 2022, mỗi tháng các em sẽ nhận 500.000 đồng.

Cùng chung tâm trạng, em Lê Nguyễn Kỳ Lân, học sinh lớp 12, Trường THPT Đồng Hới, xúc động: “Bố em mất cách đây 3 năm, sau đó 2 năm mẹ cũng mất, hai chị em chỉ biết nương tựa vào bà ngoại đã già yếu, bởi thế cuộc sống của bà cháu càng khó khăn, vất vả. Đôi khi em đã có ý định nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp bà và chị. Thế rồi, nhờ nhận được sự hỗ trợ, động viên từ các cô ở Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã giúp hai chị em bớt đi những vất vả, để cố gắng và nỗ lực hơn trong học tập với mong muốn sau này có công việc ổn định để có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân và bà ngoại”.

Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Bình thăm hỏi, động viên và nhận đỡ đầu đối với em Nguyễn Thị Thùy Trang, ở thôn Tây, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Bình thăm hỏi, động viên và nhận đỡ đầu đối với em Nguyễn Thị Thùy Trang, ở thôn Tây, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.

Điểm tựa cho học sinh nghèo

Bên cạnh mô hình “Mẹ đỡ đầu”, nhiều hội phụ nữ cơ sở (Công an tỉnh) đã triển khai chương trình “Em nuôi của Hội”. Chương trình nhận đỡ đầu em Lê Nguyễn Kỳ Lân, mồ côi bố và mẹ từ nhỏ, sống với bà ngoại đã già yếu, hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Hới, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng trong năm học 2021 - 2022.

Cùng với em Kỳ Lân là trường hợp của em Đinh Thị Trà My, mồ côi mẹ, sống với bố bị tàn tật, hiện là học sinh Trường THCS-THPT Hóa Tiến. Trong 4 năm học cấp THCS, mỗi tháng My được hỗ trợ 300.000 đồng với tổng số tiền dự kiến 14,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, “Em nuôi của Hội” cũng hỗ trợ 2 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Trường THCS Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) năm học 2021 - 2022 số tiền 4 triệu đồng…

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Trung tá Trương Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Bình - cho biết: “Để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi bố mẹ được tiếp tục đến trường, yên tâm học tập như các bạn bè cùng trang lứa, đơn vị đã vận động, quyên góp và nhận đỡ đầu, giúp đỡ đối với các em. Hy vọng, đây sẽ là nguồn động viên giúp các em nỗ lực hơn trong học tập và cố gắng vượt qua những khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.