Tìm lời giải cho du lịch hậu Covid: Bài toán đào tạo nhân lực

GD&TĐ - Đại dịch đã khiến ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, nó còn tác động đến công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

LTS: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Phục hồi du lịch phải bắt đầu từ đâu? Đây là câu hỏi mà cơ quan quản lý cũng như địa phương phải tìm lời đáp để sau một thời gian dài “ngủ đông” ngành “công nghiệp” không khói trở lại một cách mạnh mẽ và chuyên nghiệp hơn.

Bài 1 - Bài toán đào tạo nhân lực

Ngành dễ bị tổn thương

Trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về lượng khách và tổng thu du lịch. Tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh kéo theo nhu cầu về nhân lực ngành này rất lớn.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2011- 2019 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Số lượng lao động còn thiếu, chất lượng lao động còn nhiều bất cập. Đặc biệt đối với đội ngũ nhân lực quản trị cấp cao, nhân lực hoạch định chính sách, chiến lược ở các cấp, đội ngũ giảng viên, nhà giáo và nhân lực du lịch chất lượng cao.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ chưa từng có trên phạm vi toàn cầu. Trong đó ngành du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú ngưng hoạt động thậm chí phải đóng cửa dẫn đến một lượng lớn nhân lực du lịch bị mất việc làm và phải chuyển đổi công việc sang lĩnh vực khác.

Theo WTTC, chỉ trong hai năm 2020 - 2021, đại dịch đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua. Mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.

Thực tế các cuộc khủng hoảng trước do dịch bệnh gây ra đã chứng minh du lịch là một ngành dễ bị tổn thương, nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng. Do đó, Việt Nam cần có các chính sách thúc đẩy đào tạo, củng cố, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt là nhóm nhân lực nòng cốt, nhân lực trẻ và chất lượng cao có khả năng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch giá trị, chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành này. Đồng thời bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hầu hết các công việc trong lĩnh vực du lịch đều bị ảnh hưởng và một số lượng lớn lao động trở nên dư thừa trong một thời gian dài. Doanh nghiệp du lịch và người lao động rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết.

Tình trạng cắt giảm hoặc ngưng hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành đã tác động trầm trọng đến đội ngũ nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp. Năm 2021, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đã dẫn đến lực lượng lao động làm việc ở khu vực này càng phải gánh chịu những tác động tiêu cực mạnh mẽ. Nhất là khi gần 30% doanh nghiệp cắt giảm 51 - 80% nhân lực và gần 50% doanh nghiệp lữ hành ngưng hoạt động cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng có chung tình trạng việc ít, thất nghiệp, nhiều hướng dẫn viên phải đổi nghề. Đối với cơ sở lưu trú du lịch, việc giảm công suất và ngưng hoạt động của các cơ sở lưu trú du lịch đã tác động đến việc làm và thu nhập của đội ngũ nhân viên. Kết quả khảo sát đối với 299 cơ sở lưu trú du lịch đã chỉ rằng năm 2020 chỉ khoảng 20% cơ sở lưu trú du lịch vẫn giữ nguyên số lượng nhân viên như năm 2019. Đến năm 2021, con số này giảm xuống còn 11,4%.

Phố cổ Hội An. Ảnh minh họa Internet
Phố cổ Hội An. Ảnh minh họa Internet

Tỷ lệ tuyển sinh giảm mạnh

Không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, đại dịch Covid-19 còn tác động đến công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học về du lịch đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động đào tạo du lịch, đào tạo mới, bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho ngành.

Bên cạnh những khó khăn về chuyển đổi hình thức dạy - học trực tuyến, thời gian thực hành tại các tuyến điểm du lịch, thực tập tại doanh nghiệp, các chương trình đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài, cũng bị gián đoạn, trì hoãn. Nhiều sinh viên năm cuối chưa được thực tập tốt nghiệp do các doanh nghiệp du lịch cắt giảm quy mô hoạt động hoặc đóng cửa.

Cũng trong hai năm qua, thực tế ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid-19 đã làm hạn chế cơ hội việc làm của các sinh viên tốt nghiệp ra trường. Nguồn nhân lực trẻ rất khó có thể tham gia vào thị trường lao động. Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành học sau tốt nghiệp rất thấp. Công tác bổ sung đầu vào cho nhân lực ngành du lịch dự kiến sẽ gặp thách thức trong thời gian tới, khi nguồn tuyển sinh cũng bị ảnh hưởng do tâm lý lo ngại đại dịch sẽ ảnh hưởng đến việc làm trong ngành du lịch khi ra trường.

Theo khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020 là năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tỷ lệ tuyển sinh giảm nhẹ khoảng 6% so với năm 2019. Đến tháng 9/2021, tỉ lệ tuyển sinh đã giảm trên 23% so với năm 2019.

Bên cạnh những tác động tiêu cực của đại dịch đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch, ngành du lịch cũng đã rút ra được những bài học đắt giá. Đó là chủ động linh hoạt để thích ứng, biến khó khăn thành cơ hội. Đồng thời liên kết, hợp tác, phối hợp để phát triển, tập trung vào con người. Khoảng lặng của ngành du lịch trong đại dịch là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để nhìn lại, tái cơ cấu và chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để đón đầu sự trở lại mới của du lịch.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực trẻ, các doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đã thiết kế, thực hiện các chương trình đào tạo mới. Mục đích nhằm hoàn thiện, bổ sung những kiến thức, kỹ năng về vệ sinh, an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động cũng như quản lý rủi ro của doanh nghiệp theo nhu cầu thực tế.

Việc thiết kế chương trình, bài giảng điện tử, đào tạo trực tuyến được đẩy mạnh cũng sẽ góp phần đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Thời gian và phương thức đào tạo cũng linh hoạt hơn, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của nhân lực trẻ trong tình hình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.