Tiềm năng khôi phục du lịch trong giai đoạn mới

GD&TĐ - Bắt đầu từ 15/3 Việt Nam mở cửa du lịch cả nội địa cũng như quốc tế. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng khách trong và ngoài nước vẫn ở mức khiêm tốn so với trước đại dịch.

Mùa bướm rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi có hệ sinh thái đa dạng nhất nước ta. Ảnh: IT
Mùa bướm rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi có hệ sinh thái đa dạng nhất nước ta. Ảnh: IT

Chưa có sự bùng nổ về lượng khách

Với khẩu hiệu “Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn”, du khách dù là người Việt hay người nước ngoài đều có cơ hội trải nghiệm những dịch vụ du lịch trọn vẹn nhất như trước đại dịch.

Đánh giá về sự phát triển của du lịch Việt Nam sau đại dịch, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, từ nay cho đến hè sẽ không có sự bùng nổ về khách quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tập trung vào tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, cao điểm là tháng 11, 12. Du lịch Việt Nam có thể kỳ vọng đón khách quốc tế vào dịp cuối năm nay.

Đối với khách nội địa, dù mở cửa từ 15/3 nhưng chúng ta vẫn chưa thấy được sự sống động khi tới các điểm du lịch. Điều này thể hiện hành vi tiêu dùng của khách thay đổi nhiều sau dịch. Khách ngại đi du lịch theo đoàn lớn mà có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, gia đình hoặc cá nhân.

Theo ông Long, “hiện khách tập trung nhiều ở một số điểm du lịch mở cửa sớm như Phú Quốc hay một số bãi biển ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ như Nha Trang, Mũi Né. Ngành du lịch Việt Nam có thể kì vọng lượng khách nội địa bắt đầu tăng vào kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 và thời điểm mùa du lịch biển”.

Cần đổi mới, sáng tạo để hấp dẫn du khách

Việt Nam đang định hình rõ ràng 4 sản phẩm chính: Du lịch biển đảo, du lịch tự nhiên sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch đô thị. Để cạnh trạnh với các quốc gia khác, những lĩnh vực trọng tâm này cần sự đổi mới, sáng tạo với những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn du khách.

Du lịch sinh thái là một trào lưu hiện nay. Với thế mạnh có 164 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, Việt Nam có thể phát triển du lịch sinh thái. Việt Nam có những điểm đến nổi tiếng với du khách như Phong Nha – Kẻ Bàng, rừng Cúc Phương... Tuy nhiên, có những điểm đến rất nhiều tiềm năng nhưng ít được khai thác, ví dụ như Vườn quốc gia Cát Tiên.

PGS.TS Phạm Hồng Long đưa ra ý kiến: “Chúng ta có thể khai thác loại hình du lịch safary, thăm động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện nay, trong khu vực Đông Nam Á hiếm nơi có vườn quốc gia có thể đi thăm động vật trực tiếp. Để tham gia loại hình du lịch này thường du khách phải sang châu Phi”.

Trong du lịch văn hóa có nhiều loại hình như du lịch tâm linh, du lịch di sản... Việt Nam có thế mạnh với 8 di sản thế giới, bao gồm: Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, Tràng An, Phong Nha – Kẻ Bàng, Huế, Hội An, Mỹ Sơn và Thành nhà Hồ. Trong đó có 2 di sản tự nhiên và 1 di sản phức hợp. Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, nước ta nên đẩy mạnh những sản phẩm du lịch liên quan đến di sản.

Bởi khách quốc tế thường có xu hướng muốn tìm hiểu sâu về văn hóa các nước. Hiện nay tại Hà Nội, tour đi thăm nhà tù Hỏa Lò được đổi mới rất nhiều. Du khách có thể tự đóng vai nhân vật, trải nghiệm đêm ngục tối hay thưởng thức món ăn thời trước... Đây là sự sáng tạo nhằm thu hút, tăng cường trải nghiệm cho khách.

Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh 2 sản phẩm du lịch biển đảo và du lịch đô thị là hướng đi đúng đắn. Về du lịch biển đảo, Việt Nam có nhiều tiềm năng với 3.260km bờ biển, hơn 400 bãi biển. Trong đó, hiện có 200 bãi biển đang được khai thác. Đây luôn là sản phẩm du lịch được nước ta tập trung khai thác, phát triển và truyền thông rộng rãi. Còn du lịch đô thị thường tập trung về dòng du lịch MICE, loại hình du lịch hội thảo, hội nghị, sự kiện... 

Kỳ vọng 2023 ngành du lịch phục hồi

Dự đoán về thời gian phục hồi, Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra 3 viễn cảnh. Lạc quan nhất là giữa năm 2022 ngành du lịch sẽ phục hồi. Viễn cảnh trung tính là năm 2023, tức 3 năm sau khi dịch bùng nổ ngành du lịch sẽ trở về thời điểm 2019. Cuối cùng kém lạc quan nhất là năm 2024.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 50 nước tiên phong mở cửa lại hoạt động du lịch trên thế giới. Tuy nhiên, với thị trường quốc tế, tâm lý du khách vẫn còn nhiều e ngại. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới vẫn chưa mở cửa trở lại. Ngành du lịch Việt Nam đặt kỳ vọng đạt 5 triệu lượt khách quốc tế trongnăm nay, gần bằng 1/4 so với giai đoạn trước dịch.

PGS.TS Phạm Hồng Long nhận định: “Việt Nam chỉ có thể trở về con số năm 2019 đối với thị trường quốc tế khi các nước trên thế giới thích ứng với đại dịch và mở cửa lại hoàn toàn. Ngành du lịch thế giới phục hồi thì ngành du lịch của chúng ta mới có thể phục hồi. Còn với thị trường nội địa, nếu tiếp tục chiến lược như hiện nay thì lạc quan nhất sang năm 2023, du lịch Việt Nam sẽ trở lại con số như trước đại dịch”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ