Sinh viên ngành du lịch hậu Covid-19 sẽ ra sao?

Sinh viên ngành du lịch hậu Covid-19 sẽ ra sao?

Thiếu hụt doanh thu

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế trên thế giới.

Chuyên gia Hoàng Anh Tuấn (Phó Tổng thư ký ASEAN) nhận định, kịch bản có thể xảy ra nhất là trong năm 2020, bệnh dịch cơ bản được khống chế, nhưng vẫn lây nhiễm ở cấp độ thấp ở nhiều quốc qua. Thời gian kéo dài có thể từ 1 - 3 năm cho đến khi con người tạo ra thuốc đặc trị hiệu quả cho các bệnh nhân bị lây nhiễm.

“Các quốc gia cần điều chỉnh nền kinh tế phù hợp, các ngành y tế, chăm sóc sức khoẻ, hay công nghệ cần được chú trọng, phương thức giao tiếp online nên được áp dụng nhiều hơn. Các ngành kinh tế cần thúc đẩy chuyển đổi số thật nhanh, thay đổi cách marketing, thay đổi phương thức giao nhận, thanh toán và chăm sóc khách hàng.

Ngành du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng cần phải thay đổi và thích nghi một cách nhanh chóng. Dự báo du lịch Việt Nam sẽ thiệt hại từ 5 - 7 tỷ USD, chủ yếu do thiếu hụt khách dẫn đến thiếu hụt doanh thu”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Thị trường du lịch nội địa, với khách hàng nội địa chính là “chìa khóa” giúp các công ty du lịch, lữ hành khai thác để phục hồi sau dịch Covid-19.

Bối cảnh ảm đạm mà ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt vì dịch Covid-19 là quá rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cũng nên nhìn nhận một cách lạc quan hơn.

Thạc sĩ Lê Hoàng Phương Linh - cựu Trưởng phòng Hướng dẫn quốc tế Công ty DVLH Saigontourist - giảng viên Khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen cho biết: Lịch sử cho thấy, sau dịch viêm đường hô hấp cấp 2003, ngành du lịch đã phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tốc độ hồi phục và tăng trưởng của ngành sau dịch 1 năm và 2 năm lần lượt là 21% và 18%. Nếu như năm 2004 (sau dịch 1 năm) tổng khách quốc tế đến Việt Nam là hơn 2,9 triệu du khách (tăng 21%) thì đến năm 2005, con số này là hơn 3,4 triệu người (tăng 18%).

“Đặc biệt hơn, Chính phủ luôn xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và sẽ có những chính sách kích cầu phù hợp, mới nhất có thể kể đến Văn bản 1156 ngày 19/3 của Bộ VH,TT&DL có đề xuất các gói tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoàn, hủy tour, chính sách phát hành phiếu mua tour dài hạn từ 12 - 18 tháng dành cho các khách hàng đã đặt tour nhưng không thực hiện được chuyến đi. Hay các chính sách miễn phí cấp mới, thay đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên quốc tế, nội địa trong năm 2020… đều cho thấy sự quan tâm sâu sát dành cho ngành du lịch”, Thạc sĩ Linh nói.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thy, cựu Trợ lý Giám đốc Công ty Indochina Tourist & Trade nhìn nhận: Nếu dịch được khống chế sớm, du lịch đông 2020 (du lịch nội địa) có thể khôi phục lại vào dịp Tết, inbound và outbound sẽ tập trung vào các thị trường gần, do kinh tế mới nhen nhóm trở lại, nhu cầu chưa cao và còn vì tâm lý rủi ro dịch bệnh.

“Vì lẽ đó, đến tận chu kỳ du lịch hè 2021 chúng ta mới có thể kỳ vọng một sự trở lại bùng nổ hơn của du lịch outbound nội địa. Nhu cầu nhân lực du lịch cũng sẽ tăng cao ở tất cả lĩnh vực. Và tất nhiên, du lịch đông 2021 toàn ngành sẽ hồi phục, nhưng có sự giảm cấp trong chi tiêu của đa số du khách”, Thạc sĩ Thy nói.

Đáng chú ý khi hồi phục, nhu cầu lao động của ngành du lịch được dự báo cũng sẽ sôi động trở lại. Hiện nay, do ngừng hoạt động nên phần lớn các công ty du lịch, lữ hành đã cắt giảm nhân sự đến vòng lõi. Nhiều công ty áp dụng hình thức chấm dứt hợp đồng để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp và tự do kiếm việc khác.

Do đó, theo Thạc sĩ Lê Minh Phương - Phó trưởng Khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen: Thị trường lao động trong ngành du lịch sẽ sôi động và hấp dẫn trở lại, có lợi thế cho các bạn trẻ mới tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng tốt.

“Ngành nghề nào cũng có những khó khăn riêng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ kinh tế mũi nhọn, ngành nghề trọng điểm thì du lịch dự báo sẽ là “điểm nổ” cả về thị trường, chi tiêu và nhân lực sau khi hết dịch. Vì vậy, các bạn trẻ có sự quan tâm đặc biệt tới du lịch, cũng đừng ngại ngần lựa chọn.

Du lịch là nhu cầu tất yếu của con người hiện đại, nên khi phục hồi trở lại, ngành sẽ có sức bật mạnh mẽ hơn, bùng nổ hơn, các vị trí công việc sẽ có thể thay đổi. Khi đó, nhân sự trong ngành du lịch đôi khi đòi hỏi phải đa năng hơn, kiến thức du lịch kết hợp marketing; kết hợp ngôn ngữ văn hoá Anh – Mỹ; kiến thức khách sạn – nhà hàng kết hợp với Digital Marketing, Sharing Economic; hay sự kết hợp giữa công nghệ và du lịch sinh thái; thông tin và thực phẩm”, Thạc sĩ Phương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ