Tìm giải pháp khơi thông đào tạo nhân lực trình độ quốc tế

GD&TĐ - TPHCM đưa ra nhiều giải pháp để giúp các trường đại học hoàn thành đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Nguyễn Ngọc
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Nguyễn Ngọc

Nỗ lực này góp phần xây dựng thành phố trở thành trung tâm quốc tế về GD-ĐT thu hút sinh viên khu vực và thế giới.

4 đề án ngành đã nghiệm thu

Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM (Hội đồng hiệu trưởng) vừa báo cáo tổng kết đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035. Theo đó, đề án tổng thể có 8 đề án thành phần với các ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông, Cơ khí - Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị và 1 đề án đại học chia sẻ.

Trong năm qua, các đề án thành phần được thành phố đặt hàng, cơ sở giáo dục đại học chủ trì thiết kế, xây dựng. Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã phê duyệt và ký kết hợp đồng thực hiện 7/9 đề án với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có 4 đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế được nghiệm thu, gồm: Ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) chủ trì; ngành Trí tuệ nhân tạo do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) chủ trì; ngành Tài chính - Ngân hàng do Đại học Kinh tế TPHCM chủ trì; ngành Quản lý đô thị do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) chủ trì.

Trong báo cáo tại Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng hiệu trưởng (ngày 29/2), ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết, năm 2023, các trường đại học thành viên Hội đồng hiệu trưởng có những hoạt động tích cực.

Các trường đại học trên địa bàn tham gia phối hợp, hỗ trợ, tư vấn có hiệu quả cho cơ quan quản lý Nhà nước của thành phố trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và định hướng phát triển theo phương châm “Đại học phát triển cùng với phát triển của TPHCM”; thực hiện các chương trình, đề án theo đặt hàng đúng tiến độ hợp đồng ký kết. Các trường cũng đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Nhiều trường chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng nhìn nhận một vài hạn chế trong hoạt động của tổ chức này. Theo đó, một số hội đồng khối ngành chưa tương xứng với tiềm năng các trường đại học do công tác truyền thông, quảng bá và phối hợp thiếu chặt chẽ. Không ít hoạt động theo kế hoạch hội đồng khối ngành triển khai còn chậm. Hoạt động của các Hội đồng hiệu trưởng khối ngành tập trung chủ yếu vào hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các trường thành viên đang giữ cương vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

Sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH

Sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH

Giải pháp tháo gỡ

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thời gian qua, sở đã triển khai các nội dung với 4 đề án thành phần được nghiệm thu, chuẩn bị cho quá trình đào tạo.

Trong đó, sở GD&ĐT đề xuất cơ chế đặt hàng đào tạo với các đề án thành phần, đồng thời xác định 5 nội dung trọng tâm: Cơ sở pháp lý, quy trình đặt hàng đào tạo các ngành trọng điểm với các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện; Đối tượng được tham gia chương trình đào tạo; Kinh phí thực hiện; Trách nhiệm và quyền lợi người học; Trách nhiệm và quyền lợi cơ sở đào tạo.

Theo ông Dũng, người học tham gia chương trình đào tạo được tuyển chọn từ nguồn học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM; đáp ứng chuẩn năng lực về kiến thức, kỹ năng, thái độ (đầu vào) theo quy định tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học và đáp ứng đủ năng lực tài chính.

Sở GD&ĐT đề xuất 3 nhóm người học tham gia chương trình. Thứ nhất, sinh viên năm 3, 4 của các trường đại học đồng ý tham gia chương trình đào tạo theo đề án thành phần với điều kiện cụ thể về kết quả học tập, trình độ ngoại ngữ, ngành đang học…, có thể tuyển sinh thông qua khảo sát hoặc bài đánh giá để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thứ hai, học sinh lớp 12 các trường THPT tham gia chương trình thông qua đợt tuyển sinh hàng năm của các trường. Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị trên địa bàn thành phố, có nguyện vọng tham gia.

Kinh phí thực hiện đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Người học sau khi tốt nghiệp theo chương trình của đề án thành phần được TPHCM giới thiệu việc làm trong thời hạn 1 năm tính từ khi nhận bằng tốt nghiệp.

Về phía chính quyền TPHCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đề nghị các trường tập trung triển khai đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ.

Theo đó, với 4 đề án thành phần đã nghiệm thu, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ phối hợp để triển khai đặt hàng ngay cho các trường để đào tạo nhân lực, hoàn thành trong tháng 6/2024. Những đề án thành phần còn lại, các hội đồng khối ngành và trường được giao nhiệm vụ phải bám sát để thực hiện đúng tiến độ được giao.

“Đào tạo những ngành nào, số lượng bao nhiêu, ai sẽ tham gia và thành phố phải đầu tư, có chính sách gì, trong quý I/2024, các sở, ngành, trường phải trả lời các câu hỏi như thế”, ông Phan Văn Mãi đặt vấn đề. Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng khẳng định: “Thành phố sẵn sàng dành hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc đào tạo nguồn nhân lực”.

Ông Phan Văn Mãi cũng lưu ý, ngoài đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành), Hội đồng hiệu trưởng cần tập trung cho đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ chọn lựa và tập trung đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo ở một số trường đại học có thế mạnh, không phân biệt là trường công hay trường tư, trường của thành phố hay các bộ, ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.