TP.HCM: Tập trung đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ

GD&TĐ - Sáng ngày 16/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã có ngày làm việc thứ hai.

Ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh Trung tâm Báo chí TP.HCM cung cấp
Ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh Trung tâm Báo chí TP.HCM cung cấp

Nhiều tham luận về các lĩnh vực đã được các đại biểu trình bày, nổi bật là đề án xây dựng thành phố phía Đông, phát triển kinh tế số, phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khuyến khích đại học chia sẻ... 

Tại Đại hội, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã trình bày tham luận về Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020 - 2035.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X đã xác định Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá.

Đại hội lần này tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa với việc chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào 8 ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, kết hợp với việc xây dựng mô hình “Đại học chia sẻ”, trong khoảng thời gian dài, mang tính chiến lược, giai đoạn 2020 - 2035.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh BTC Đại hội cung cấp
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh BTC Đại hội cung cấp

Hiện nay, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thành phố có 2.385 trường (tăng 453 trường so với đầu nhiệm kỳ), gồm: 1.346 trường mầm non, 500 trường tiểu học, 280 trường trung học cơ sở, 199 trường trung học phổ thông, 32 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 34 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên;

Trong đó, khối công lập có 1.383 trường (tỷ lệ 58%), khối ngoài công lập có 1.002 trường (tỷ lệ 42%).

Toàn thành phố có 48.766 lớp học (tăng 7.017 lớp so với đầu nhiệm kỳ) với 1.711.704 học sinh (tăng 188.442 học sinh so với đầu nhiệm kỳ). Như vậy, so với năm học 2015 - 2016, đầu nhiệm kỳ, số trường học đã tăng 23,45%, số lớp học tăng 16,8% và số học sinh thành phố đã tăng 12,37%.

Học sinh TP.HCM trong tiết học ngoài nhà trường
Học sinh TP.HCM trong tiết học ngoài nhà trường

Về giáo dục ĐH, thành phố có 54 trường đại học, học viện với hơn 200.000 sinh viên đang theo học với nhiều ngành nghề khác nhau.

Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH đã được thành lập và đi vào hoạt động. Chương trình đào tạo được các trường thường xuyên điều chỉnh, trong đó, nhiều chương trình đào tạo tiên tiến được giảng dạy tại các trường, đặc biệt là các thỏa thuận hợp tác quốc tế.

Có nhiều trường đại học, cao đẳng triển khai liên kết đào tạo với nước ngoài với hơn 170 chương trình đào tạo liên kết, tạo điều kiện cho người học được tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Các trường cũng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập với hơn 4.000 sinh viên các nước trên thế giới đến học tập trong giai đoạn vừa qua.

Nhiều sản phẩm từ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được đưa vào đời sống xã hội. Nhiều ngành đào tạo được kiểm định theo chuẩn quốc tế đã thật sự góp phần nâng cao vị thế và uy tín của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Trong 106 ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có 84 ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và 22 ngành được công nhận theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT.

Toàn thành phố có 38 trường đại học, cao đẳng được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GD-ĐT và chuẩn đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Từ quy mô và thực tế của ngành giáo dục thành phố như trên, thành phố đã đề xuất xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.

Nhóm giải pháp thứ nhất là xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông.

Thành phố đã sớm đưa mục tiêu “hội nhập” vào các cấp học phổ thông. Các kĩ năng cần thiết đã được chú ý, giúp học sinh thành phố có hành trang vững chắc để hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tham gia thị trường lao động toàn cầu.

Những chương trình, đề án đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học, chương trình phổ thông vào nhà trường đã được xã hội, các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm, tham gia tích cực. Nội dung giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học,… cũng được đưa vào nhà trường ngày càng nhiều hơn.

Công tác giao lưu, trao đổi các đoàn giáo viên, học sinh quốc tế được tổ chức thường xuyên, đa dạng, hiệu quả, giúp học sinh thành phố thêm hiểu biết về văn hóa các nước, tự tin và có thêm những kỹ năng giao tiếp với bạn bè thế giới.

Trong thời gian tới, giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thành phố đã xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”. Đây là tiền đề quan trọng để giáo dục thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý, hình thức tổ chức hoạt động dạy – học trong nhà trường, mà bước đầu là mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh và Đề án mô hình trường học thông minh đang được gấp rút triển khai.

Giáo dục thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục STEM, STEAM trong nhà trường, tạo điều kiện để các em tham gia nghiên cứu khoa học; tiếp tục mở rộng thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo đến với học sinh các trường phổ thông;

Đưa các tiện ích ứng dụng từ những thành quả của khoa học và công nghệ vào nhà trường; đẩy mạnh hoạt động dạy học trực tuyến để hình thành kho tài nguyên học liệu số, xây dựng môi trường học tập trực tuyến, phục vụ việc tự học của học sinh, việc học tập suốt đời của người dân và xây dựng xã hội học tập thông minh…

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Quận 3 học tập với sự hỗ trợ của kính thực tế ảo
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Quận 3 học tập với sự hỗ trợ của kính thực tế ảo 

Nhóm giải pháp thứ hai là triển khai Đề án “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ”.

Sở GD-ĐT đã tích cực phối hợp với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học xây dựng Đề án tổng thể “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ” cùng với 9 Đềán thành phần.

Đềán được xây dựng công phu, có sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm của các thầy, cô, các nhà khoa học đến từ những trường đại học hàng đầu thành phố;

Đề án đưa ra quan điểm, mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể; có 10 tiêu chí để nhận diện nhân lực trình độ quốc tế, có 3 mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể và 9 giải pháp có tính toàn diện.

Theo ông Lê Hồng Sơn, đó là cơ sở để các trường đại học được phân công xây dựng 9 Đề án thành phần nhằm đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 8 ngành trong điểm: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch;

Về Quản lý đô thị và Đề án Đại học chia sẻ. Đề án này cũng đã đề xuất 9 giải pháp thực hiện cụ thể như sau:

Thành lập Hội đồng Tư vấn giáo dục đào tạo nhân lực trình độ quốc tế. Hội đồng sẽ tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu; có trách nhiệm tư vấn, giúp thành phố hoạch định chiến lược, đề ra những giải pháp cụ thể trong từng thời kỳ để đạt được mục tiêu đề ra.

Hình thành hệ sinh thái nhân lực trình độ quốc tế của 08 ngành trọng điểm.

Đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Đẩy mạnh quốc tế hóa GD-ĐT.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học; là những giải pháp về mặt chuyên môn cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các trường, hướng đến các chuẩn quốc tế.

Trong đó, những nhân lực trình độ quốc tế phải có môi trường để trao đổi thông tin, học tập lẫn nhau, không ngừng phát triển.

Các trường phải mạnh dạn đổi mới trong công tác quản lý, về chương trình, phương pháp đào tạo; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đời sống, hướng đến giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội; mạnh dạn nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, liên kết, hợp tác để đưa các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới đến với sinh viên thành phố;

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hướng đến các chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo của quốc tế; từ đó nâng tầm vị thế của các ngành đào tạo, của các trường từng bước trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo của khu vực.

Xây dựng và triển khai hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung cầu nguồn nhân lực quốc tế.

Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học; là những giải pháp của các cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ các trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và dự báo một cách khoa học, chính xác sẽ giúp các trường điều chỉnh trong chiến lược, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.

Xây dựng học liệu mở, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành mô hình đại học chia sẻ; là những bước đi ban đầu trong quá trình xây dựng Đại học chia sẻ tại thành phố. Khái niệm “Đại học chia sẻ” đã xuất hiện nhiều ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển.

Các chuyên gia, các nhà khoa học của các trường đại học tại thành phố đánh giá cao ý nghĩa và tác động của mô hình đại học chia sẻ nhưng để thực hiện ngay một cách rộng rãi sẽ gặp nhiều trở ngại.

Vì vậy, Ban Biên soạn đã thống nhất giao ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng và triển khai thí điểm mô hình Đại học chia sẻ để làm cơ sở phát triển trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ