Đồng thời xây dựng thành phố trở thành trung tâm đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế.
Nhiều ngành sắp “cán đích”
Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM (Hội đồng) vừa báo cáo kết quả hoạt động 8 tháng đầu năm, trong đó tập trung vào đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2025 và đại học chia sẻ. Kết quả được báo cáo tại kỳ họp chuyên đề của Hội đồng với chủ đề “Giáo dục đại học và một số kết quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU trên địa bàn TPHCM” (ngày 16/9).
Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với 8 ngành (Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị) và đại học chia sẻ được UBND TPHCM phê duyệt từ tháng 7/2021.
Đề án thuộc chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. TPHCM đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học chủ trì thiết kế, xây dựng 9 đề án thành phần, tương ứng với 8 ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và 1 đề án đại học chia sẻ.
Theo báo cáo của Hội đồng, 9 đề án thành phần được Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học họp góp ý, thẩm định nội dung. Tất cả được đánh giá “Đạt”.
Trong đó, 7 đề án thành phần (ngành Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Quản lý đô thị; Đại học chia sẻ) được phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với tổng kinh phí 8,3 tỷ đồng. Hai đề án còn lại (ngành Quản trị doanh nghiệp và ngành Du lịch, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 2,2 tỷ đồng) đang chờ ký hợp đồng thực hiện.
Hội đồng đánh giá, đề án tổng thể đi đúng lộ trình phê duyệt. Các đơn vị chủ trì tích cực hoàn tất giai đoạn thiết kế, xây dựng, sớm có sản phẩm bàn giao, thực hiện các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, đây là đề án có thời gian triển khai kéo dài, các đề án thành phần trong thời gian đầu đều gặp khó khăn khi xây dựng sản phẩm đầu ra phù hợp với mục tiêu chung của đề án tổng thể. Do vậy, đơn vị chủ trì cần nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu sâu để chuẩn bị cho quá trình thiết kế, xây dựng.
Trong hai năm đầu triển khai (2020 - 2021), đề án tổng thể bị tác động bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Hoạt động của hầu hết trường đại học đều chịu ảnh hưởng, đặc biệt là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - nơi có phần lớn cán bộ, giảng viên thuộc tuyến đầu chống dịch.
Sinh viên Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: Mạnh Tùng |
Gấp rút triển khai
Tại hội nghị trên, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM báo cáo, giai đoạn 2023 - 2025, sẽ hoàn thành việc xây dựng kế hoạch triển khai đề án tổng thể, đảm bảo tiến hành ngay sau khi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ của các đề án thành phần được nghiệm thu. Sau năm 2025, Hội đồng sẽ thực hiện công tác đào tạo nhân lực trình độ quốc tế từng ngành.
Theo kinh nghiệm của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), đơn vị xây dựng kế hoạch gửi giảng viên đi đào tạo ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, đồng thời có chế độ, cơ chế đãi ngộ để thu hút giảng viên năng lực cao. Trong số 639 giảng viên hiện nay, hơn 400 người được đào tạo ở nước ngoài, 96% có trình độ sau đại học. Trường còn triển khai quốc tế hóa chương trình đào tạo; sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy; dịch chuyển sinh viên và giảng viên trong trao đổi học tập, nghiên cứu với đối tác nước ngoài.
Trường Đại học Bách khoa còn đẩy mạnh tuyển dụng giảng viên nước ngoài, nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành khắp thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo. Trường tiếp tục mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, nâng tỷ lệ công bố dự án nghiên cứu khoa học có đối tác quốc tế.
TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nêu kinh nghiệm đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch và xã hội: “Nhà trường và các khoa tổ chức nhiều chương trình trao đổi, cho sinh viên đi thực tập trong và ngoài nước, đặc biệt ở Nhật Bản, Ý, Đài Loan, Úc. Trường cũng đầu tư cơ sở vật chất hàng chục tỷ đồng cho hệ thống phòng thực hành lĩnh vực đào tạo văn hóa, nghệ thuật, du lịch... theo hệ sinh thái khởi nghiệp đối mới sáng tạo”, TS Trần Ái Cầm cho biết.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đề án đào tạo nhân lực 8 ngành có trình độ quốc tế và xây dựng TPHCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực và quốc tế là hai nhiệm vụ cấp bách của thành phố hiện nay. Các sở, ngành, Hội đồng và trường đại học cần tiến hành song song hai dự án trên. Bên cạnh việc hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu, cần dự thảo ngay kế hoạch thực hiện hoặc chọn ra một số việc có thể làm.
Để TPHCM thực hiện đào tạo nhân lực chất lượng cao, trở thành trung tâm nguồn nhân lực khu vực và quốc tế, ông Phan Văn Mãi đề nghị phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, Thành phố khuyến khích trường đại học thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển); hình thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Việc hình thành trung tâm này có thể đồng thời nghiên cứu mô hình trung tâm xuất sắc. Ngoài ra, có thể chọn 5 - 6 trường đại học (kể cả công lập và tư thục) để xây dựng thành điểm trường đại học khởi nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM, cho biết thêm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện công tác cấu trúc lại các Hội đồng khối ngành, bổ sung khối ngành mới liên quan ngành “Khoa học sự sống - Môi trường”. Các trường đại học tiếp tục tham gia chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học do TPHCM đặt hàng.