Tiết lộ của nữ nhà giáo đi B về một “thời hoa lửa“

GD&TĐ - Những năm tháng được sống và chiến đấu ở chiến trường Miền Nam mãi mãi là những kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời của Nhà giáo đi B Phạm Hải Ấm. Trở về với thời bình, nhà giáo Phạm Hải Ấm mang trong mình thương tật - thương binh hạng 4/4.

Lễ khai giảng năm học mới trong thời chiến. Ảnh: Tư liệu
Lễ khai giảng năm học mới trong thời chiến. Ảnh: Tư liệu

Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2019, nhà giáo đã có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại về những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa.

Viết đơn tình nguyện đến nơi mưa bom, bão đạn

Ngày ấy theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc "không có gì quý hơn độc lập tự do. Tất cả vì miền Nam ruột thịt ". Lớp lớp thanh niên miền Bắc hồi ấy rầm rộ lên đường vào chiến trường miền Nam rền vang tiếng súng.

Tôi vừa ra trường được phân công tác về Phòng giáo dục huyện Tam Nông (Phú Thọ). Tôi làm đơn tình nguyện xung phong vào tuyến lửa. Đơn được duyệt, giấy báo về tập trung học tập tại trường lý luận nghiệp vụ của Bộ Giáo dục, tại huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ).

Học 3 tháng, tôi được về phép, chia tay gia đình. Bố tôi nói: "Con là đứa con gái thùy mị, nết na, con cố gắng". Không kéo dài giờ phút bịn rịn, tôi không nói lời nào vội chạy ra xe để đi đến nơi bom đạn, không hẹn ngày về.

Xe ô tô đón chúng tôi từ Chương Mỹ lên Hòa Bình. Đây là trường 105, hay còn gọi là trường huấn luyện biệt kích - một nơi hoàn toàn bí mật, không liên hệ với gia đình, bạn bè.

Được lấy bí danh thay tên đổi họ. Tôi vẫn giữ nguyên tên cha mẹ đặt. Ban ngày học chính trị. Đêm tập hành quân đeo gạch từ 5 viên và tăng dần đạt từ 26 đến 30kg.

Chuẩn bị lên đường, phát quân trang, lương thực, thuốc men, tăng, võng, rau khô, mắm ruốc... và sách giáo khoa dạy học cho vùng giải phóng. Nhìn ba lô nặng chĩu ai cũng cố động viên nhau.

Ngày 5/3/1969, lễ tiễn đưa ở câu lạc bộ Thống Nhất bờ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Nhìn các cặp vợ chồng như anh Sáu Thọ không nỡ rời nhau. Ai cũng phải cố nén cảm xúc.

Nhà giáo đi B Phạm Hải Ấm
 Nhà giáo đi B Phạm Hải Ấm

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Liêm đến căn dặn: "Các đồng chí hãy đem những gì ưu việt nhất của miền Bắc XHCN vào với miền Nam. Các em miền Nam chịu nhiều bom đạn không để các em bị "đói chữ". Lời căn dặn đó theo suốt chúng tôi trong quá trình công tác.

Xe ô tô tiến thẳng hướng nam, ngồi trong xe bịt bùng lá ngụy trang, chúng tôi bắt đầu hát, hát cho quên say xe, cho vơi nỗi nhớ nhà. Xe qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, lô nhô hố bom, giặc Mỹ cày nát quê hương.

Xe đến làng Ho điểm đầu tiên của dãy Trường Sơn. Bắt đầu cuộc sống gian khổ, gay go. Trời mưa tầm tã. Căng tăng, mắc võng dù đã học nhưng vẫn lúng túng làm sao cho khỏi ướt, các anh chọn cây đẹp nhất mắc võng cho con gái.

Làm sao nấu cơm,bởi củi ướt. Nhóm ba người tự lo, loay hoay rồi cũng có bữa ăn. Đêm đầu tiên trên Trường Sơn thật khó ngủ, nằm trong võng nghe mưa rơi, giữa bạt ngàn núi rừng.

Thử thách đầu tiên là chúng tôi phải leo dốc Nguyễn Chí Thanh với ba lô nặng trĩu. Đoàn người cố gắng leo. Đường trơn, núi cao, đầu người nọ chạm chân người kia. Nhà giáo Minh Khang thốt lên:

"Lưng đèo thác đứng liêu xiêu

Cánh tay bám ngược, cánh diều mong manh.

Bám chân, giữ gió đạp cành

Nhính lên từng bước mong manh qua đèo.

Bước chân tới đỉnh nắng chiều đã gieo.

Bom Mỹ thả dọc Trường Sơn

Trời đêm pháo sáng. Đướng rày bom rơi".

Không thể nói hết được nỗi vất vả khi vượt Trường Sơn. Ốm đau, sốt rét ác tính. Muỗi, vắt, biệt kích rình rập. Đi đến trạm giao liên 73, trạm này vừa bị B52 "bừa". Xác người chưa được thu dọn xong. Đoàn phải vượt trạm này đi thêm nửa ngày nữa. Sức lực hao kiệt. Đói, khổ nhất là khát, không đủ nước uống khi qua Tây Nguyên.

Khi đến miền Đông Nam Bộ, đoàn phải hành quân ban đêm, mỗi đêm 10 tiếng, vừa đi vừa ngủ như người mộng du. Có hôm hành quân gặp đồng bào Khơ Me, họ đón đoàn hành quân cho bánh thốt nốt. Nghĩ cũng mệt nhưng mà vui.

Thầy trò trong thời kháng chiến. Ảnh: Tư liệu
  Thầy trò trong thời kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Mãi là kỷ niệm đẹp của một thời hoa lửa

Sau 6 tháng đi bộ, đầu tháng 9/1969 đoàn chúng tôi cũng đến nơi Ông Cụ, tức TW Cục miền Nam. Nghỉ hơn một tháng, tôi được phân công về miền Tây Nam Bộ (khu 8). Đang ở rừng lại về vào mùa nước, bao khó khăn gian khổ lại thử thách chúng tôi. Vượt Trường Sơn không phải đi bằng chân mà đi bằng đầu, bằng ý chí và nghị lực.

Mùa khô năm 1970, Mỹ ngụy mở một trận càn lớn nhằm đánh phá vào căn cứ của ta trên đất bạn Cămpuchia. Từ sáng sớm đã nghe dân kêu to : "Địch càn, xe zep tới ".

Lúc đó nghe tiếng ù ù xe zep từng bầy như bọ hung đang tiến thẳng trực diện. Trên trời máy bay đủ loại như một bầy nhặng bay kín bầu trời.

Chúng tôi sợ quá, vác ba lô theo dân chạy thẳng vào rừng. Ba lô cồng kềnh quá tôi và chị Tám Hồng (y sĩ của trường) quẳng ba lô vào bụi rậm, chạy thục mạng.

Vừa mệt, vừa đói may được người dân cho bánh bò ăn cho đỡ đói. Hai đứa ngồi thu lu trong bụi rậm bàn nhau, nếu bị địch bắt thì khai thế nào. Tám Hồng bảo khai đi ở bế em. Tôi khai con em miền Bắc di cư cũng đi ở bế em. Chúng tôi bảo nhau nhớ khai không biết chữ.

Đêm yên tĩnh chúng tôi quay về, thật kinh khủng cả cánh rừng toàn những cây to bị bừa nằm rạp cả xuống. Hôm đó chúng tôi chạy theo người dân, nếu chui hầm bí mật chắc sập hầm chết. Trận càn đó xe chỉ huy của địch bị trúng đạn của ta nên chúng rút quân sớm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tư liệu
 Ảnh minh họa. Nguồn: Tư liệu 

Ngày 5/10/1970, tại chi bộ trường Nguyễn Văn Bé tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng, lớp Đảng viên Hồ chí Minh. Tôi đã thực sự trưởng thành, được tôi luyện trong chiến tranh càng kiên định vững vàng hơn trong mọi thử thách.

Các cán bộ giáo dục tại chỗ và các cán bộ, giáo viên miền Bắc được Trung ương tăng cường đều đoàn kết thương yêu nhau. Cùng chia sẻ khó khăn kiên trì bám dân bám lớp, bám chiến trường, công tác và chiến đấu, tuy gặp nhiều khó khăn nguy hiểm nhưng đều hoàn thành suất sắc nhiệm vụ.

Hàng chục cán bộ trong khu đã hy sinh, nhiều giáo viên bị bắt, bị giam cầm, tù đày tại nhà tù Côn Đảo như: anh Hứa, anh Chu Cấp; tại Nhà tù Phú Quốc như anh Bảy Mai (anh Dương). Dù bị đánh đập, tra tấn, các anh vẫn một lòng trung thành với Cách mạng .

Trong cuộc cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi những người làm công tác giáo dục đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó chúng tôi cũng học được tinh thần quả cảm anh dũng hy sinh của đồng bào miền Nam.

Được chứng kiến và chung sống với đồng bào Nam Bộ tôi càng thấy quí mến họ, những con người luôn thân thiện, cởi mở. Những năm tháng được sống và chiến đấu ở chiến trường Miền Nam mãi mãi là những kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.