Nỗi niềm tri ân: Những điều trăn trở

GD&TĐ - Cách đây hơn nửa thế kỷ, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), với 16 người bắn rơi nhiều máy bay của quân thù, góp phần bảo vệ non sông đất nước. Các mẹ được Đảng, Nhà nước ghi công và phong tăng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND). Những tưởng ở tuổi xưa nay hiếm, họ vui thú tuổi già nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn còn nhiều băn khoăn, buồn phiền chất chứa.  

Trong số 16 thành viên của Trung đội, giờ đây người còn, người mất.	Ảnh: T.G
Trong số 16 thành viên của Trung đội, giờ đây người còn, người mất. Ảnh: T.G

Ký ức hào hùng

Dưới cái nắng chói chang của những ngày hạ tuần tháng Sáu, chúng tôi tìm về xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) để thăm các cụ nguyên là chiến sĩ của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải. Được hẹn trước, các cụ gọi nhau tụ họp tại ngôi nhà của cụ Hồ Thị Chuông - nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân (gọi tắt là Trung đội) Hoằng Hải năm xưa, để đón chúng tôi.

Trong căn nhà cấp 4, lợp mái tôn màu đỏ, nằm ở khoảng giữa thôn 10, xã Hoằng Hải, dù đã hơn 80 tuổi nhưng cụ Chuông còn minh mẫn, nhanh nhẹn, hoạt bát, quýnh quáng đi lấy nước mời khách. Các cụ bà còn lại, người thì đi tìm ghế, người xách quạt điện ra...

Trong câu chuyện, ký ức về cuộc bảo vệ Tổ quốc năm xưa bỗng ùa về theo từng lời kể của mỗi người. Cụ Nguyễn Thị Thanh, năm nay 73 tuổi, nguyên là Chính trị viên của Trung đội, kể lại: “Trung đội nữ ngày ấy có 16 chị em là người địa phương (trong đó có một nam, là ông Nguyễn Hữu Dấng - Xã đội phó được Đảng ủy, UBND xã điều động phụ trách binh khí, kỹ thuật - PV).

Những ngày đầu mới thành lập (năm 1967), nhiệm vụ của đội là tuần tra, canh gác ven biển rồi lên trận địa ở đỉnh đồi 181. Lúc bấy giờ, cả Trung đội sinh hoạt, luyện tập trong hầm, đồ ăn, thức uống thiếu thốn. Khổ nhất là vào những ngày mưa, nước tràn khắp hầm, mười mấy chị em chỉ biết ôm nhau mà run.

Cuộc sống vô cùng khổ sở, nhưng cứ nghĩ đến lúc máy bay Mỹ kéo tới bắn phá, mọi người đều đồng tâm, quyết chí tập luyện để sử dụng thành thạo các loại vũ khí, sẵn sàng chiến đấu với quân thù.

Sau giờ tập luyện, tranh thủ những ngày máy bay Mỹ ít ném bom, chúng tôi lại đi mò cua, bắt cá, hái rau về cải thiện bữa ăn. Vũ khí của Trung đội ngày đó chỉ có 3 khẩu 12,7 ly và 3 khẩu trung liên, còn lại là súng trường. Mặc dù vũ khí không nhiều, nhưng cấp trên giao phó cho Trung đội nhiệm vụ vừa chặn đầu, chặn đuôi khi máy bay địch từ biển vào ném bom cầu Hàm Rồng”.

Bà Nguyễn Thị Thanh (giữa), nguyên Chính trị viên Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải kể lại thời oanh liệt. Ảnh: T.G
Bà Nguyễn Thị Thanh (giữa), nguyên Chính trị viên Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải   kể lại thời oanh liệt. Ảnh: T.G 

Nhắc đến chuyện dùng vũ khí thô sơ bắn hạ máy bay quân thù, nguyên Trung đội trưởng Hồ Thị Chuông, hồi tưởng: “Ngày 11/11/1967, khi phát hiện một tốp máy bay địch từ ngoài biển, cả Trung đội nhận lệnh sẵn sàng chờ máy bay địch vào trận địa thả bom thì đồng loạt nổ súng.

Lần đầu tiên, khi Trung đội bắn hạ được một chiếc máy bay phản lực của địch, ai nấy đều sung sướng, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Chúng tôi nói với nhau rằng, Trung đội ta đã tiêu diệt được một máy bay, thì cũng có thể bắn hạ được nhiều máy bay khác của Mỹ, nếu có cơ hội.

Vì thế, đến ngày 16/11/1967, phát hiện hai chiếc máy bay từ biển lao về phía trận địa, Trung đội phối hợp cùng Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, bắn rơi cả 2 chiếc máy bay của giặc. Sau chiến công ấy, ai nấy đều tự tin hơn về cách đánh chặn máy bay quân thù”.

Dường như khi nhắc đến những chiến công oai hùng một thời vang dội ấy, trí nhớ và lòng tự hào của các cụ trỗi dậy. Cụ Lê Thị Nhõi, năm nay 74 tuổi, nguyên là Trung đội phó cũng hào hứng tham gia: “Sau khi Trung đội của chúng tôi bắn hạ được máy bay, cấp trên đã ghi nhận thành tích và báo cáo lên Trung ương. Nhận được tin ấy, ngày 13/11/1967, Bác Hồ viết thư khen ngợi Trung đội và tặng Huy hiệu của Người cho tất cả chị em trong đơn vị”.

Trong thư khen Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ, Bác Hồ viết: “Thân ái gửi các cháu dân quân xã H (bí danh của xã Hoằng Hải thời điểm đó), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa! Ngày 11/11/1967, các cháu đã chiến đấu dũng cảm bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, cùng với thành tích to lớn chống Mỹ cứu nước của phụ nữ cả nước, chiến công của các cháu làm rạng rỡ thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu một Huy hiệu, các cháu cũng luôn cố gắng học tập, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi cùng bà con địa phương và quân dân cả nước giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Thư khen của Bác càng củng cố niềm tin và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngay sau đó, ngày 16/11/1967, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải phối hợp với Trung đội nữ dân quân Hoằng Trường bắn rơi cả 2 máy bay.

Nhận được tin ấy, Bác Hồ lại gửi thư khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người cho Trung đội. Ngoài ra, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải cũng được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Cờ thi đua và Huy hiệu Phụ nữ ba đảm đang... Đặc biệt, ngày 28/11/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công cho Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải, để ghi nhận chiến công của đơn vị.

Nỗi niềm còn đó

Bà Chuông sống độc thân trong ngôi nhà tình nghĩa. Ảnh: T.G
Bà Chuông sống độc thân trong ngôi nhà tình nghĩa. Ảnh: T.G

Những nữ anh hùng của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải thuở nào, nay đã bước vào tuổi 70 - 80, với mái đầu bạc trắng. Chúng tôi không thể hình dung được, những người con gái độ tuổi đôi, ba mươi kiên trung ngày ấy lại có thể lập nên chiến công kỳ diệu: Bắn rơi chiến đấu cơ của Mỹ ngay từ loạt đạn đầu tiên. Và, hơn 50 năm sau, ngày 26/4/2018, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải đã vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 623/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu LLVTND.

Khi biết được tin vui ấy, tôi đã lên UBND xã, xin cán bộ mở tủ cho được nhìn thấy Bằng công nhận Anh hùng LLVTND của chúng tôi một lần thôi. Được như vậy, tôi có chết cũng yên tâm rồi. Nghe tâm sự của các cụ, bất chợt, trong lòng tôi  nhói lên nỗi đau khó tả.

Nhớ lại thời điểm sau khi Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải giải thể (năm 1968), đôi mắt của cụ Nguyễn Thị Thanh ngấn lệ: “Từ thời điểm đó, chị em chúng tôi, người thì quay về với công việc ruộng đồng tại quê nhà, người tiếp tục tham gia phong trào Thanh niên xung phong... Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, để có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, không riêng gì chúng tôi phải hy sinh tuổi thanh xuân, mà có biết bao đồng đội, đồng chí đã phải ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Còn với chúng tôi, khi tham gia cách mạng, tuổi đời đều còn rất trẻ, nhưng ngày trở về thì đã quá tuổi thanh xuân, rồi trở thành lỡ thì. Ví như bà Chuông đây, ngày đơn vị giải thể, bà ấy không trở về với ruộng đồng, mà tiếp tục đăng ký tham gia Thanh niên xung phong, đi các chiến trường từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Mãi đến năm 1971, sau khi rời đơn vị Thanh niên xung phong, trở về địa phương làm cán bộ thôn, làm thủ kho hợp tác xã cho đến khi hết bao cấp (năm 1986). Lúc về nghỉ, bà ấy cũng ở vậy một thân, một mình cho đến bây giờ. Hiện nay, trong số 16 chị em chúng tôi, chỉ còn lại 13 người, ai nấy cũng đã ngoài 70, 80 tuổi cả rồi. Các bà đùm bọc nhau, lập quỹ hàng tháng để thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau hay khi có công việc”.

Trò chuyện với chúng tôi, các cụ bà có vẻ vui, nhưng thực sự trong sâu thẳm của những nữ anh hùng ấy vẫn có những trăn trở, buồn phiền chất chứa. Điều mong muốn lớn nhất của các mẹ, các bà hiện nay, là sớm được địa phương tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho họ. Bởi lẽ, đã hơn 1 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải, đến nay chưa thấy địa phương có ý kiến gì về việc tổ chức Lễ đón nhận.

Nhắc tới chuyện này, cụ Nguyễn Thị Thanh, buồn rầu, nói: “Danh hiệu Anh hùng LLVTND mà Chủ tịch nước phong tặng cho Trung đội chúng tôi năm xưa, không chỉ là thành tích, chiến công của riêng Trung đội, mà là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Hoằng Hóa.

Thế nhưng, mặc dù Chủ tịch nước ký quyết định từ ngày 26/4/2018, nhưng mãi tới ngày 10/12/2018, chúng tôi mới nhận được thông tin từ UBND xã Hoằng Hải thông báo lên huyện mà lấy Bằng công nhận Anh hùng LLVTND.

Hôm đó, khi tôi lên UBND xã, trời mưa to nên phải nhờ ông Xã đội phó đưa lên huyện để nhận quyết định phong tặng Anh hùng, rồi đem về đưa vào UBND xã.

Từ ngày đó đến nay, không có ai đả động gì tới việc này nữa. Hôm trước, bà Chuông có lên trụ sở UBND xã, đề nghị cán bộ xã cho bà ấy xem một lần cái quyết định phong tặng và Bằng công nhận Anh hùng LLVTND của Trung đội, rồi bà ấy chết cũng được. Sau khi cho bà Chuông xem xong, cán bộ UBND xã Hoằng Hải lại cất hết vào tủ”.

Mang theo trăn trở của các nữ anh hùng, chúng tôi tìm đến Ban Thi đua khen thưởng của tỉnh Thanh Hóa. Ông Đỗ Trọng Hùng – Trưởng ban cho biết: “Đối với danh hiệu Anh hùng LLVTND trong hai cuộc kháng chiến (chống Pháp và chống Mỹ), hiện nay đều không có tiền thưởng kèm theo. Còn việc tham mưu cho chính quyền tổ chức trao tặng cho cá nhân hay tập thể được phong tặng, là thuộc Ban chỉ huy Quân sự các cấp”.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, Nghị định số: 91/2017/NĐ- CP, ngày 31/7/2017, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng; Khoản 2, Điều 71, quy định mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước, như sau: “Cá nhân được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”, “Anh hùng Lao động” được tặng Bằng, Huy hiệu và được thưởng 15,5 lần mức lương cơ sở. Tập thể được tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”, “Anh hùng Lao động” được tặng Bằng, Huy hiệu và kèm theo mức tiền thưởng gấp hai lần mức tiền thưởng đối với cá nhân”.

Chia tay các bà, các mẹ thuộc Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải năm xưa, trong lòng chúng tôi luôn canh cánh một điều: Sau hơn nửa thế kỷ, công lao của các bà, các mẹ thuộc Trung đội năm xưa ấy đã được Đảng, Nhà nước phong tặng cho họ danh hiệu Anh hùng – một danh hiệu cao quý như vậy, nhưng không hiểu sao, các cấp chính quyền địa phương lại thờ ơ với họ? Trung đội Anh hùng ấy, giờ đây chỉ còn lại 13 người và họ đều đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”,liệu họ có đủ thời gian chờ đến lúc được trao danh hiệu?.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.