Một người làm việc bằng hai
Tháng 3/1974, lực lượng nhà giáo đi B từ miền Bắc, nhà giáo kháng chiến các địa phương và T.Ư Cục miền Nam được lệnh ngưng công tác chuyên môn, chuẩn bị cho việc tiếp quản giáo dục. Mỗi địa phương được trên phân công về một đoàn tiếp quản.
Cùng với đồng nghiệp, những nhà giáo của Trường Sư phạm cấp 2 miền Nam được “xung” vào đội ngũ những chiến sĩ tiếp quản giáo dục Sài Gòn. Nhà giáo Hà Quỳ (nguyên Hiệu trưởng trường) chia sẻ: “Một thành phố lớn, là thủ đô của chế độ cũ, với bao nhiêu trường ĐH, ấy vậy nhưng trên giao chỉ tiêu chỉ có 200 “chiến sĩ”.
Tuy nhiên, đến phút chót, quay đi ngó lại đội quân của chúng tôi chỉ có 116 người, riêng mảng giáo dục ĐH chỉ có 29 người. Mặc quân phục, đội nón tai bèo, chúng tôi được lệnh rời cứ ngày 27/4, hành quân suốt đêm đến kịp điểm tập kết ở một rừng cao su thuộc Trảng Bàng (Tây Ninh) vào tối 29/4. Rạng sáng 30/4, cả đoàn nhà giáo theo một mũi quân phía Tây tiến về giải phóng thành phố. Cơ sở giáo dục đầu tiên chúng tôi tiếp quản là ĐH Sư phạm TPHCM…”.
Không thể nói hết những gian khổ, khó khăn của ngày đầu đầy niềm vui, tự hào nhưng cũng lắm gian truân, thử thách ấy. Từ rừng vào thành phố, thấy bánh mì ngon, thích lắm nhưng cả đoàn chẳng ai dám ăn. Tinh thần cảnh giác và ý thức kỷ luật đặt trên hết. Vậy là mấy tuần ròng, các nhà giáo chỉ độc ăn lương khô. Hôm nào có chút thời gian thì tự mình nấu cơm… Ai cũng lo không tròn nhiệm vụ. Kham khổ và kỷ luật, làm việc không kể ngày đêm nên chỉ trong một tháng sau, đoàn tiếp quản mảng ĐH của Sài Gòn đã bàn giao cho các bộ ngành chủ quản.
Ở miệt tỉnh, tình hình càng khó khăn hơn. Nhà giáo Nguyễn Đức Lợi, người từng hăng hái xung phong đi B khi vợ mới sinh con tròn ngày tuổi kể: “Ngày giải phóng, tôi được lệnh về tiếp quản giáo dục ở Trảng Bàng (Tây Ninh).
Nơi đến đầu tiên của tôi là một trường bấy giờ đang tập trung trên nghìn con người, một bên là lính ngụy, một bên là giáo viên. Khi bước vào giữa hơn nghìn người đó tôi phát hoảng: Một mình làm sao mà quản lý nổi…”. Vậy mà xong vụ tiếp quản đó, nhà giáo tuổi chưa đến 30, nặng chưa đến 45kg ấy còn được huyện ủy tặng một chiếc xe máy vì tiếp quản tốt.
Chinh phục bằng trí tuệ, tình cảm
Không chỉ khó khăn vì công việc nhiều trong điều kiện lực lượng mỏng, khi tiếp quản cơ sở giáo dục chế độ cũ để lại, các nhà giáo chiến sĩ còn vấp phải những rào cản về tư tưởng, nhận thức. Những tin đồn xấu về Việt cộng là sự ám ảnh với nhiều anh em trí thức, trong đó có giáo giới. Vì thế, chuyện bị đồng nghiệp, học trò phía bên kia ngán ngại, không hợp tác là thường ngày. Giải toả vấn đề này, những nhà giáo chiến sĩ tiếp quản đã làm khá tốt với… nghìn lẻ một nghệ thuật.
Lời đồn về Việt cộng 7 người đeo cọng đu đủ không gãy đã được PGS. TS Cao Minh Thì (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM) “tận dụng” biến thành câu chuyện cười đầu tiên khi tiếp quản đội ngũ viên chức Sở Lương và Trung tâm chuẩn bị chi.
Bữa họp mặt đầu tiên, PGS. TS Thì hỏi ngay: “Anh chị em có tin 7 Việt cộng đeo cọng đu đủ không gãy không?”. Câu hỏi vừa dứt, lập tức một tràng cười sảng khoái vang lên từ hội trường bởi… hiên ngang trước mặt họ là một anh nhà giáo - Việt cộng khá hoành tráng với trọng lượng tới… 75 kg.
Ngay sau tràng cười, một câu hỏi từ phía bên kia: “Việt cộng chỉ hát được bài hùng tráng, chẳng biết tình cảm” đã được PGS Thì đáp ứng ngay bằng một giai điệu trữ tình của bài: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”… Mãi sau này, PGS Thì mới “bật mí”: “Chính nhờ bài hát này mà… việc tiếp quản của tôi thuận lợi chưa từng thấy!”.
|
Nhà giáo Phạm Xuân Hải, người bị cho ở lại miền Bắc vì… hay đi khám bệnh trong thời gian đi học, đã từng chạy hết hơi theo ô tô Ban Tổ chức Trung ương mới được đi B cho biết: “Học trò và cả thầy giáo miền Nam tỏ ra khá coi thường thầy miền Bắc. Chúng tôi thường xuyên bị kiểm tra trình độ từ họ. Để chinh phục được trái tim của những người quen sống với môi trường bên kia, đâu phải chỉ màu áo giải phóng là đủ…”.
Còn với nhà giáo Sĩ Mai thì, “ngày ấy, trước khi đi B, Bộ Giáo dục đã nói rõ chúng tôi đi vào Nam không phải bằng chân, mà bằng đầu, nên rất chu đáo trong khâu tuyển chọn. Toàn là thầy giỏi của miền Bắc. Trước sự nghi ngờ của học trò và giáo viên, chúng tôi đã chủ động được tình thế và khẳng định được trí tuệ của những nhà giáo cách mạng”.
Có nhà giáo khéo léo biểu diễn bằng cách giải một bài toán với ba trình độ: Tiểu học, trung học và… đại học. Lại có nhà giáo tìm tòi rất nhiều về đời sống tư tưởng của thanh niên Sài Gòn cũng như ảnh hưởng của các luồng tư tưởng, văn học bấy giờ để có thể chia sẻ và đồng cảm, từ đó kịp thời định hướng.
Chính việc tiếp quản được trái tim của những người từng ở bên kia chiến tuyến mà những nhà giáo chiến sĩ đã sớm bắt đầu cho tiếng trống khai trường của nền giáo dục cách mạng thống nhất.