Thanh xuân gửi lại chiến trường

GD&TĐ - Gần nửa thế kỷ trước, chàng trai xứ Nghệ đang là sinh viên năm thứ 4, Khoa Nga văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xung phong đi B với niềm tin “đánh Mỹ xong lại về học tiếp”. Nhưng anh đã mãi mãi nằm lại chiến trường, khi cuộc chiến bước vào năm tháng cuối cùng. 

Lê Văn Thể (thứ tư hàng trên) cùng đồng đội, dân quân tại chiến trường.
Lê Văn Thể (thứ tư hàng trên) cùng đồng đội, dân quân tại chiến trường.

Trở về với gia đình, bạn bè và giảng đường đại học là 21 lá thư và cuốn nhật ký hơn 100 trang. Nét chữ đẹp, hào hoa của tuổi 20, với lý tưởng cách mạng, và nỗi nhớ nhà, yêu làng quê, yêu nhân dân tha thiết…

Trường ĐH không phải là hầm trú ẩn tốt nhất

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An chỉ có ba người học cấp III và vào đại học, trong đó có anh Lê Văn Thể (SN 1950). Chàng thanh niên trẻ lúc ấy có lựa chọn chẳng giống ai ở làng, học chuyên ngành Tiếng Nga, khoa Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm Hà Nội.

Rời quê ra Thủ đô, Lê Văn Thể đã có những ngày tháng sinh viên đầy ước mơ, hoài bão, lý tưởng đẹp đẽ. Và còn ấp ủ tình yêu đầu đời với cô nữ sinh cùng trường mà chưa dám thổ lộ. Nhưng đất nước còn chiến tranh, chia cắt. Năm 1972, Lê Văn Thể đang là sinh viên năm cuối, nằm trong danh sách được cử ra nước ngoài học tập.

Chàng sinh viên quê xứ Nghệ quyết định nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Anh không dám nói với nhà, chỉ thư về cho người em trai đang là bộ đội: “Anh đã đi khám nghĩa vụ quân sự sáng nay. Sức khỏe là B1 và có thể vác B40 hay B41. Với anh thì thế nào cũng được thôi, dù là đi hay ở. Nhưng trường đại học không phải là hầm trú ẩn tốt nhất”.

Hành trang vào chiến trường của chàng sinh viên sư phạm là cuốn sách “Những trường đại học đường đời” của nhà văn Maksim Gorky và những bài thơ tiếng Nga anh thuộc nằm lòng. “Mình sẽ sẵn sàng đón đợi tất cả mọi khó khăn trở ngại trên đường mình đi để ngày mai sẽ vững vàng trong cuộc sống. Nếu cuộc sống của tuổi 20 đầy băn khoăn, trăn trở thì cuộc sống hôm nay sẽ là tích lũy và thể nghiệm rất nhiều. Hôm nay cuộc đời sẽ khắc nghiệt hơn xưa nhưng mình đã thấy được một phần nào cái “tôi” trong cái “ta” của dân tộc” - anh Thể viết.

Thời gian đầu, những buổi học huấn luyện khiến chàng lính trẻ “thấm thía vô cùng và tưởng như có thể lao vào cuộc chiến để bảo vệ lấy mọi cái mà mình yêu dấu, bảo vệ sự nghiệp cách mạng”. Nhưng càng về sau, Lê Văn Thể nhận ra, cuộc chiến không đơn giản như những sôi nổi háo hức ban đầu.

Ở đó, người lính còn phải biết kiên định, kiên nhẫn, biết rút ra kinh nghiệm cho bản thân để tự mình vượt qua mọi gian khổ. 9 tháng vào quân ngũ, ngày 2/10/1972 cũng là sinh nhật tuổi 22, Lê Văn Thể viết: “Tuổi của thế hệ chống Mỹ đi trước với biết bao nhiêu người đã bước vào cuộc chiến đấu một cách thanh thản với tất cả nhiệt tình và sức lực của mình”…

Bởi vậy, anh Thể chưa bao giờ tiếc nuối hay hối hận gì về quyết định rời giảng đường, từ bỏ cơ hội học tập ở nước ngoài để vào bộ đội. Anh là con của nhân dân, và sẽ chiến đấu vì nhân dân, bảo vệ làng quê, đất nước…

Mãi mãi tuổi 20

Thư liệt sĩ Lê Văn Thể gửi về cho gia đình.
 Thư liệt sĩ Lê Văn Thể gửi về cho gia đình.
Ngày 1/1/1973, ngày đầu tiên của năm mới, chàng lính trẻ lạc quan viết: “Thế là năm 1973 đã tới. Lại một năm mới trong cuộc đời lính bao gian khổ nhưng đầy những sự kiện đáng nhớ. Mình sẽ sẵn sàng đi vào cuộc chiến đấu như đi vào cuộc trường chinh của cuộc đời. Mình tin rằng trong cuộc sống hiện tại mình sẽ trưởng thành lên nhiều hơn nữa. Mình sẽ là một người cán bộ và sẽ là một người chiến sĩ vững vàng”.

Nhớ về anh trai của mình, ông Lê Văn Toàn – người em thứ 7 trong gia đình chia sẻ: Khi anh Thể nhập ngũ, chúng tôi khi đó chỉ 9, 10 tuổi chưa biết gì. Chỉ nhớ, tết cuối cùng anh về nhà là năm 1972. Khi đó, Trường ĐH Sư phạm Vinh sơ tán về làng chúng tôi và có rất nhiều sinh viên ở trong nhà. Về nghỉ Tết, anh còn dạy cho sinh viên Tiếng Nga, đứng ra tổ chức một trận đấu bóng trong làng rất vui vẻ. 

Sau này, khi nhận lại cuốn nhật ký viết trong chiến trường của liệt sĩ Lê Văn Thể, cả nhà mới biết phần nào những gian khổ, thử thách mà người lính phải chịu trong 2 năm nơi bom rơi, bão đạn khốc liệt. Bởi trong 21 bức thư của anh mà gia đình nhận được, anh không nhắc đến, hoặc “đơn giản hóa” cuộc chiến cho bố mẹ, các em yên tâm.

Ngày 14/5/1974 khi anh và các đồng đội chuẩn bị hành quân từ Campuchia về Cần Thơ, anh viết thư về, lần đầu tiên nói về lo lắng của mình, và dặn: “Nhiệm vụ của chúng con là về hoạt động ở Cần Thơ. Đường bộ từ đây về đến đó còn dưới 1 tháng nữa. Dọc đường đi cũng sẽ chạm nhiều địch, pháo và sẽ nguy hiểm chứ không bình thường như trước. Chưa ai ở miền Tây này nhận được một bức thư cả. Do vậy là từ nay con không có thư về nhà nữa đâu”.

Kể từ đó, gia đình không nhận được thư của Lê Văn Thể. Rồi 1 tháng… 1 năm… trôi qua, chờ đến Tết, đến cả ngày lịch sử trọng đại 30/4/1975 hai miền Bắc Nam thống nhất, niềm vui khải hoàn vỡ òa trên khắp mọi miền quê. Thêm 1 năm nữa sau ngày hòa bình, vẫn chẳng thấy tin tức gì.

Cuối năm 1976 thì có thư về, nhưng là tờ giấy báo tử! “Thương tiếc báo tin anh Lê Văn Thể – Trung đội trưởng Trung đoàn 10 – Sư đoàn 4 đã hy sinh tại đồn Vĩnh Chèo, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ vào ngày 20/10/1974…”. Năm ấy, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội cũng gửi thư bày tỏ niềm tiếc thương “gia đình mất đi một người con hiếu thảo. Trường chúng tôi mất đi một học sinh tốt”.

Nhận tin con hi sinh khi đất nước đã hòa bình, bố mẹ liệt sĩ Lê Văn Thể như hóa đá. Suốt hơn 40 năm qua, nỗi đau vẫn còn day dứt, bởi anh vẫn nằm đâu đó ở chiến trường, chưa tìm được về nhà. Tháng 3/2019, cụ Lương Thị Chắt – mẹ liệt sĩ Lê Văn Thể đã 99 tuổi, quyết định tặng tất cả kỷ vật về người con trai yêu thương, tài giỏi của mình cho Bảo tàng Quân khu IV. Để nơi đó, con của mẹ sẽ được sống mãi mãi tuổi 20. Để các thế hệ sau của đất nước, sẽ biết và nhớ về một chàng sinh viên – chàng lính đầy hoài bão, lý tưởng, đã chiến đấu, hi sinh cho ngày hòa bình.

Hành quân qua làng bao giờ lòng người lính cũng thấy ấm cúng hơn, có một tình cảm gì đấy khó diễn đạt nỗi đầy vơi. Tình cảm đó bắt nguồn từ những lúc ta nhìn lên lũy tre um tùm, từ một gốc cây ăn quả, một tấm ngõ rợp bóng cây, từ tiếng nói bi bô hoặc còn ngọng líu của các cháu với những cặp mắt đen láy tò mò và khâm phục: Chú bộ đội! (trích Nhật ký của liệt sĩ Lê Văn Thể).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.