Tiếp lửa cho nghệ thuật múa rối

GD&TĐ - Liên hoan Múa rối ASEAN 2017 tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả. Những người làm nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp quốc tế đều dành cho nghệ thuật múa rối Việt Nam sự ngưỡng mộ đặc biệt.

Tiếp lửa cho nghệ thuật múa rối

Cầu nối giao lưu văn hóa

Liên hoan Múa rối ASEAN 2017 hội tụ đông đủ tất cả các loại hình múa rối của khu vực. 34 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN: Campuchia, Brunei, Myanmar, Thái Lan, Lào, Singapore, Philippines, Indonesia, Việt Nam và những nghệ sĩ múa rối Nhật Bản (khách mời của Liên hoan) đã cống hiến cho khán giả một chương trình nghệ thuật đầy thú vị và bất ngờ.

Nếu như đoàn múa rối Lào gửi đi thông điệp về ý thức và hành động bảo vệ môi trường hành tinh thông qua những con rối được làm từ vật liệu tái chế như hộp thiếc, nguyên liệu có sẵn trong cuộc sống hàng ngày như tre, lá dừa khô thì đoàn chủ nhà Việt Nam gây sự chú ý với màn múa rối dây kết hợp rối que trên sân khấu rối nước. Còn múa rối Campuchia nổi bật với hình tượng các bức phù điêu tinh tế và sống động tại đền thờ Angkor Wat nổi tiếng, màn múa rối truyền thống Myanmar là vũ điệu muông thú núi rừng Himalaya..

Theo chia sẻ từ nhiều nghệ sĩ, tham gia Liên hoan Múa rối ASEAN là dịp để họ có cơ hội học hỏi các loại hình múa rối trong khu vực. Thông qua các buổi nói chuyện về nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam, tham gia những trải nghiệm thú vị trong điều khiển con rối, các nghệ sĩ Việt Nam có thể tiếp thu, nghiên cứu thêm các hình thức múa rối của các nước bạn như rối dây, rối bóng, học tập cách kết hợp ngôn ngữ rối với nhiều loại hình nghệ thuật khác như: Âm nhạc, ảo thuật, tương tác, trình chiếu… làm tăng tính hấp dẫn cho nghệ thuật rối.

Bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: “Là một trong những nước đầu tiên tham gia Hiệp hội Múa rối ASEAN nên năm nào Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng tham gia Liên hoan Múa rối ASEAN trong cộng đồng ASEAN. Chúng tôi muốn các nghệ sĩ của mình thử lửa và có những trải nghiệm mới”.

Tìm hướng đi mới

Việt Nam có nền múa rối phát triển lâu đời, song việc quảng bá nghệ thuật rối nước đến khán giả trong nước cũng như khu vực chưa làm tốt. Liên hoan Múa rối ASEAN là dịp để khán giả Việt Nam hiểu hơn loại hình nghệ thuật truyền thống của khu vực, cũng là cơ hội cho nghệ sĩ các quốc gia thành viên chia sẻ sâu hơn về nghề, từ đó chúng ta có thể giới thiệu rộng rãi tới khán giả trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, mỗi năm múa rối có tới cả chục chuyến lưu diễn khắp các khu vực trên thế giới đã cho thấy phần nào những nỗ lực của ngành múa rối Việt Nam. Dưới bàn tay khéo léo của những người nghệ sĩ, những con rối đã trở nên có hồn, tạo nên những vở kịch rối hết sức sống động và đẹp mắt.

Chia sẻ tại bế mạc Liên hoan, em Nguyễn Anh Minh, sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Những sáng tạo như kết hợp rối nước với hoạt hình, sử dụng kỹ xảo, hay cho con rối múa ballet trên mặt nước, làm rối từ ống tre… khiến các vở diễn hấp dẫn và gần gũi hơn với người xem. Sự sáng tạo trong các màn múa rối góp phần mang lại những nét chấm phá cho loại hình nghệ thuật dân gian đang dần bị lãng quên này”.

Vốn cha ông để lại cho chúng ta vô cùng phong phú và quý giá. Chúng ta cần kế thừa, phát triển từ vốn cổ ấy, một việc làm không chỉ là trách nhiệm mà còn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Tới đây, năm 2018 thì Nhà hát nghệ thuật múa rối phải tự chủ 100% tài chính, những cuộc liên hoan, trình diễn về múa rối dẫu chỉ mang tính định kỳ nhưng cũng là bước đệm trong hành trình tìm hướng đi mới cho nghệ thuật truyền thống. Dẫu biết hành trình đó không ít gian nan, không thể là điều một sớm một chiều mang lại thành công, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào sự khởi sắc của múa rối nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.