Giữ lửa múa rối

GD&TĐ - Trong khi nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật khác trầy trật sống bằng nghề, thậm chí phải làm thêm nhiều nghề tay trái để nuôi đam mê thì các nghệ sĩ múa rối nước vẫn tự tin đi trên đôi chân của mình.

Giữ lửa múa rối

Quả ngọt của những sáng tạo

Trong bối cảnh nhiều nhà hát và đơn vị nghệ thuật khác chật vật tìm khán giả, lo lắng về doanh thu thì Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn đỏ đèn cả tuần. Cứ đều đặn một ngày 6 suất diễn, kéo dài từ 12 giờ đến 22 giờ, Nhà hát Múa rối Thăng Long, với địa thế cực kỳ đắc lợi, nằm ngay sát cạnh Hồ Gươm, 365/365 ngày luôn đỏ đèn đón khán giả. Khán phòng luôn đầy chật người, không chỉ là khách Việt mà khá nhiều khách Tây đến xem môn nghệ thuật truyền thống này.

Tính riêng năm 2016, Nhà hát thu hút được 410.090 lượt người xem, doanh thu đạt gần 42 tỷ đồng, vượt dự toán 23%; 6 tháng đầu năm 2017, Nhà hát thu hút 179.860 lượt người xem, thu gần 18 tỉ đồng…

Mười năm trở lại đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long “tung hoành” ở nhiều liên hoan múa rối quốc tế, liên hoan sân khấu thử nghiệm, liên hoan nhạc cụ dân tộc… Tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm năm 2016, tác phẩm chuyển thể từ kịch bản sân khấu “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Múa rối Thăng Long khiến Ban giám khảo bất ngờ vì yếu tố thử nghiệm đã được thể hiện rõ trên sân khấu múa rối. Vở diễn giành giải Tiết mục thử nghiệm rối xuất sắc.

Năm 2017, Nhà hát tiếp tục đem chương trình hòa nhạc dân tộc “Khoảnh khắc Hà thành” dự thi Liên hoan Nhạc cụ dân tộc lần 2 và giành giải Bạc.

“Làm mới” trò rối nước

Vài năm trở lại đây, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long đã có xu hướng tìm tòi, để làm mới cho rối nước. Đó là các vở diễn như “Hồn quê”, “Truyện cổ Andecxen”, “Huyền thoại Rồng - Tiên”, “Bay lên từ mặt nước”… mỗi vở diễn cũng thể hiện được những nét mới lạ, đặc sắc, với sự kết hợp giữa múa rối nước với nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật múa, thành những kịch bản, cốt truyện, có nhân vật, có tính cách, mang chủ đề tư tưởng rõ ràng… Đặc biệt, việc đưa lên sân khấu nhiều vở mới hấp dẫn cũng là một trong những cách để các nhà hát cạnh tranh để tồn tại.

Đạo diễn, NSND Hoàng Tuấn chia sẻ: “Vốn cha ông để lại cho chúng ta vô cùng phong phú và quý giá. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta ỷ lại, chỉ biết biểu diễn những gì có sẵn. Chúng ta cần kế thừa, phát triển từ vốn cổ ấy, một việc làm không chỉ là trách nhiệm mà còn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay… thì mới có thể tồn tại”.

Chính vì thế, múa rối nước Việt Nam không chỉ có vị trí trong lòng người Việt mà nó còn để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với người ngoại quốc.

Ông Jean Luc Larguier, một trong những người đầu tiên đưa nghệ thuật rối nước Việt Nam trở lại châu Âu cho biết, ông thật sự bất ngờ trước loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của Việt Nam bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển giữa những con rối với âm thanh, ánh sáng, mặt nước của nó. Múa rối Việt Nam luôn xen các yếu tố hài hước khiến cho người xem cảm thấy vô cùng thoải mái. Điều đó đã tạo nên ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn đối với thế hệ trẻ Việt Nam về truyền thống anh hùng của dân tộc. Mặt khác, nó cũng có tác dụng giúp cho khán giả quốc tế hiểu thêm về đời sống văn hoá, tinh thần và con người Việt Nam.

Những thành tựu nổi bật của Nhà hát Múa rối Thăng Long mấy năm gần đây là minh chứng sống động cho một hướng đi đúng đắn là làm nghệ thuật phải bám sát hiện thực cuộc sống, phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.