Gian nan nghề múa

GD&TĐ - Ít có gia đình nào đồng ý cho con cái mình đi theo nghề múa, ngay cả trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Đó là một thực tế, bởi trong số các bộ môn nghệ thuật, tiêu chuẩn dành cho diễn viên múa vô cùng khắt khe, đến khi hành nghề thu nhập cũng rất thấp.

Sinh viên Trường Trung cấp Múa TPHCM
Sinh viên Trường Trung cấp Múa TPHCM

Vất vả với nghề

Cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, nghệ thuật múa rất cần ở người theo đuổi sự đam mê để đốt cháy lòng yêu nghề. Nhưng nhiều khi, có lòng chung thủy với nghề vẫn chưa đủ nếu người nghệ sĩ múa không đủ sức để vượt qua những rào cản khắt khe khác trong hành trình gian nan đến với bộ môn nghệ thuật múa.

Sinh ra trong một gia đình cha mẹ là giáo viên và bác sĩ nhưng Cẩm Hồng, ngụ ở quận 3 (TPHCM) lại rất yêu múa. Ngay từ thời đi học, em đã từng lên sân khấu cùng với các bạn biểu diễn ở Nhà thiếu nhi địa phương và sau đó là thành viên trong đội múa của nhà trường vào các dịp hội diễn văn nghệ.

Ước mơ trở thành diễn viên múa đã trở thành hiện thực khi em trúng tuyển vào trường Trung cấp Múa TPHCM. Tuy nhiên khi vào học, Cẩm Hồng mới biết con đường phía trước thật sự không bằng phẳng và êm đềm như mình tưởng. Giữa niềm say mê đầy màu sắc lãng mạn và thực tế bước vào nghề đã có một khoảng cách quá lớn.

Nhớ lại ngày đầu bước chân vào trường múa, Cẩm Hồng kể: “Cái khó khăn đầu tiên trước khi đến mới nghề múa đó là áp lực về tinh thần, lúc nào trong đầu mình cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi rằng: liệu mình có làm được hay không và có tương lai hay không?”. Mặc dù luôn hỗ trợ cho con gái bước lên sàn diễn thời học sinh nhưng mẹ của Hồng lại muốn cho con gái mình có một nghề ổn định như đi dạy hoặc kế toán. Vì thế sự lựa chọn của Hồng đã gây nên những ý kiến bất đồng từ gia đình. Không chỉ riêng cô mà ngay các bạn khác cùng khoa cùng lớp tại trường Múa cũng đều rơi vào tình cảnh đó.

Sau niềm vui đậu vào trường múa là “nỗi đau” trong quá trình tập luyện. Thái Ngọc Thành – từng là SV khoa Múa nước ngoài đến nay vẫn không quên những ngày đầu “nhập môn” không kém phần khốc liệt: “Sinh viên mới vào trường hầu hết chưa được học chuyên môn liền mà phải qua một lớp học thể chất.

Đó là bộ môn ép dẻo và rèn sức bền. Một số bạn đã có độ dẻo sẵn thì tập luyện rất dễ dàng, còn đối với những bạn có cơ địa chưa tốt thì quá trình này có thể nói là một cực hình”. Sau mỗi giờ bị thầy cô “tra tấn” hầu hết đều đau đớn đến chảy nước mắt và tối về không ngủ được vì “rêm” cả mình. Thành cho biết, vài tháng sau mới quen.

NS Trần Tuấn – thành viên đoàn múa Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen cho biết, trong chương trình đào tạo, dù múa minh họa hay múa chuyên nghiệp đều phải tập luyện như nhau. Để cho ra một bài múa trong thời lượng 4 phút diễn viên phải tập luyện trong vòng 3 ngày, thậm chí cả tuần nếu như đó là chương trình lớn. Đối với người nghệ sĩ, múa không chỉ tay dẻo chân mềm mà còn phải tập diễn tả cảm xúc trên gương mặt để làm cho bài múa có sức sống hơn.

Một tiết mục múa của nghệ sĩ Linh Nga

Một tiết mục múa của nghệ sĩ Linh Nga

Những “lỗ hổng” lớn

Ai cũng biết “vào vai” diễn viên múa rất vất vả, khắt khe về thời gian và tuổi tác nhưng có một câu hỏi đặt ra là tại sao nghề múa vất vả như vậy mà vẫn có các bạn trẻ theo học? Ngọc Thành từng trả lời dứt khoát: “Chính em cũng không biết lý do vì sao nữa! Đôi khi cũng có lúc nghĩ lại tại sao mình lại chịu đựng được những giờ khổ luyện gần như kiệt sức và lâu lâu còn đổ bệnh vì quá sức. Bạn bè nhiều khi cũng hỏi nhau sao tụi mình lại chọn cái nghề gì mà cực khổ quá, cứ như hành hạ bản thân mình?”

Thế nhưng, như Thành tâm sự: “Biết là khổ nhưng một ngày không lên sàn tập có cảm giác khó chịu, như thiếu thiếu cái gì đó. Một ngày không gặp được thầy cô bạn bè trên sàn tập, sàn diễn là thấy buồn. Có lẽ chỉ niềm đam mê với sự yêu thích mới làm cho mình không ngại vượt khó như vậy. Nghiệp dĩ bắt buộc mình phải theo”.

Áp lực tinh thần không chỉ đối với các bạn nữ, các bạn nam đôi khi còn chịu nhiều hơn. Thành cho biết bạn nào múa dẻo diễn tốt thì bị nghi về giới tính. Khi nghe một bạn nam học trường múa thì điều đầu tiên mọi người bàn tán đó là bạn này có bị “3D” hay không vì đơn giản ai cũng nghĩ múa là chỉ dành cho con gái. Việc tìm bạn gái để yêu cũng gian nan đối với họ.

Nhiều người cho rằng nghề múa đang thiếu đất diễn nhưng thực tế hoàn toàn không như vậy. NS múa Đoan Trinh – Trưởng đoàn múa Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen cho biết, hiện nay có rất nhiều vũ đoàn, nhóm múa được thành lập thì việc tham gia vào một nhóm nào đó không có gì khó ngay cả người chưa có bằng cấp. Tuy nhiên những bài múa đó chỉ là để minh họa hoặc là múa đám cưới dành cho những bạn sinh viên làm thêm.

Còn nói về các đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp thì đó là những nơi dành cho những nghệ sĩ múa thực thụ, xin vào những nơi đó là cả một vấn đề. Đòi hỏi diễn viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải đẹp về ngoại hình, trình độ bằng cấp đủ chuẩn. Tuy nhiên đó không phải là con đường cuối cùng. Không vào được những đoàn chuyên nghiệp thì các diễn viên trẻ có thể đến với các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi tại địa phương.

Ở đây, họ có thể dang rộng cánh bay khi mở các lớp dạy múa cơ bản cho các em thiếu nhi, đạo diễn chương trình nhỏ. Về lương bổng, ngoại trừ những diễn viên múa nổi tiếng thì hầu hết các diễn viên múa đều có mức thu nhập thấp. Vì thế sau vài năm theo đuổi có người đã rẽ ngang để tìm một công việc khác có thu nhập tốt hơn tạo nên một “lỗ hổng” lớn cho thế hệ sau.

Công việc hiện tại của Ngọc Thành, Cẩm Hồng là một giáo viên dạy múa tại trung tâm văn hóa và nhà thiếu nhi nên điều mà các bạn mong muốn là có nhiều bài học mang tính chuyên nghiệp về nghệ thuật múa và quan trọng hơn là truyền đạt thật nhiều ngọn lửa đam mê cho các bạn trẻ đang yêu thích bộ môn này một cách ý nghĩa nhất. Dù tiền thu nhập ít ỏi nhưng họ vẫn gắn bó và yêu công việc của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.