Tiếp bước em đến trường

GD&TĐ - Có những em nhỏ vì hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp tục đến trường nhưng may mắn nhận được sự hỗ trợ, động viên của thầy cô, bạn bè và cộng đồng nay có thể tiếp tục thực hiện ước mơ. Vẫn biết hành trình của các em còn nhiều khó khăn nhưng với sự đồng hành của thầy cô, bạn bè, các em sẽ tự tin tiến về phía trước.

Sự hỗ trợ của bạn bè, thầy cô giúp em nuôi dưỡng ước mơ học tập
Sự hỗ trợ của bạn bè, thầy cô giúp em nuôi dưỡng ước mơ học tập

Niềm vui ngày trở lại

Thứ 2 đầu tuần trong tháng 10 là ngày đặc biệt với cô bé Quàng Thị Thảo. Bởi đây là ngày em quay trở lại trường, lớp sau 2 năm phải nghỉ học. Bố mất, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên Thảo ở nhà cùng mẹ chăm sóc các em, lo kinh tế gia đình.

Ngày đầu trở lại trường sau 2 năm gián đoạn, em được bạn bè chào đón, được thầy cô dang rộng vòng tay yêu thương. Đã lâu lắm rồi em mới được mặc bộ quần áo mới, đi đôi dép mới. Quàng Thị Thảo càng vui hơn vì còn nhận được những quyển vở, bút, thước... cùng những lời động viên thầy cô và các bạn dành cho mình.

Vậy là mơ ước được đi học của Thảo nay đã trở thành hiện thực. Dù biết đường đi phía trước còn rất nhiều khó khăn chồng chất nhưng chỉ cần em quyết tâm, thầy cô sẽ đồng hành đưa đến bến bờ của tri thức.

Em Quàng Thị Thảo trở lại trường sau 2 năm nghỉ học
  • Em Quàng Thị Thảo trở lại trường sau 2 năm nghỉ học

Nỗ lực của toàn trường

Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Chiềng Lương (Mai Sơn, Sơn La) cho biết: Em Thảo học hết tiểu học nhưng do gia đình khó khăn nên phải nghỉ học ở nhà trông em cho mẹ đi làm. Biết hoàn cảnh của em, Ban giám hiệu cùng Công đoàn nhà trường đã bàn bạc và quyết định đến nhà vận động em đến lớp. Bên cạnh đó, ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc miền núi, nhà trường đã miễn các khoản đóng góp, cho em mượn sách và hỗ trợ bút vở.

Điều khiến Ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên trăn trở nhất hiện nay là tìm nguồn nước sạch cho 76 học sinh bán trú tại trường. Do trên địa bàn không có cơ sở bán nước sạch nên nhà trường phải nhờ nguồn nước của UBND xã nhưng không được thường xuyên. Những lúc thiếu nước, thầy trò lại cuốc bộ hơn 1 cây số đi lấy nước. Chỉ mong có giếng nước khoan đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của học sinh bán trú để đảm bảo an toàn, các em không phải vất vả.

 

Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa,

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Chiềng Lương (Mai Sơn, Sơn La)

Cũng theo thầy Nghĩa, nhà trường kết hợp cùng UBND xã, các tổ chức xã hội kêu gọi giáo viên, cộng đồng chung tay quyên góp mua cho em Thảo 2 con dê sinh sản để chăm sóc, có kinh phí trang trải cuộc sống. Với gia đình Thảo, nhà trường cũng đề nghị UBND xã tạo điều kiện cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để phát triển kinh tế gia đình.

Trường THCS Chiềng Lương có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, Công đoàn và Ban giám hiệu đã phát động phong trào quyên góp tới đoàn viên, giáo viên và các em học sinh. “Số tiền quyên góp tuy không nhiều (10.000 đồng/giáo viên và 1.000 đồng/học sinh, mỗi tháng một lần) nhưng đã phần nào giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trang trải cuộc sống, có thêm niềm tin, nghị lực để theo đuổi con đường học tập. Chủ trương của nhà trường là hỗ trợ để các em học hết THCS, sau đó hướng nghiệp học nghề hoặc tìm việc làm cho các em” - thầy Nghĩa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ