* Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Vậy đại biểu có ý kiến gì về dự án Luật này?
- Nhìn tổng thể cho thấy, những chính sách được đề xuất trong dự án Luật rất là tốt, phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là hai chính sách mới đó là: Thứ nhất là nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm; Thứ hai là chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Riêng đối với chính sách nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, tôi cho rằng, đề xuất này rất phù hợp. Bởi vì giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Việc nâng chuẩn giáo viên đồng nghĩa với việc sẽ nâng cao về trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên ở cấp học này. Mặt khác, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Còn đối với chính sách thứ hai như tôi đã nói ở trên, đây là chính sách nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội. Theo tôi, chính sách này có ý nghĩa nhân văn và thể hiện sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với GD-ĐT trong đó có học sinh, đặc biệt là đối với học sinh công lập.
Trong dự thảo Luật lần này có đề cập đến chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Đây được coi là một trong những điểm mới tích cực của dự thảo Luật lần này.
Tuy nhiên theo tôi, việc thực hiện chính sách này cần có lộ trình thích hợp. Nên chăng, chúng ta sẽ ưu tiên trước cho học sinh vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, học sinh thuộc diện hộ nghèo… Với những học sinh này, nếu có thể thì miễn học phí cho các em từ bậc mầm non đến THPT.
Với những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi, phát triển thì sẽ thực hiện xã hội hóa giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
|
* Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng đề xuất về chính sách tín dụng sư phạm. Tức là: Bỏ quy định không thu học phí của sinh viên ngành sư phạm theo Luật Giáo dục hiện hành mà thay bằng chính sách tín dụng. Vậy đại biểu có bình luận gì về đề xuất chính sách này?
- Trước hết, tôi đồng tình với đề xuất như trong dự thảo Luật. Thực tế cho thấy, quy định không thu học phí của sinh viên ngành sư phạm theo Luật Giáo dục hiện hành đã không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi.
Vừa qua rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường nhưng không công tác trong ngành Giáo dục mà làm trái nghề, dẫn đến việc miễn học phí này không trực tiếp phục vụ cho mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên, gây lãng phí nguồn nhân lực và ngân sách của Nhà nước.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã có tác động tích cực đến người học, phụ huynh học sinh. Một số chính sách mới về miễn học phí, tín dụng sư phạm đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội; đồng thời thể hiện tinh thần nhân văn trong quá trình xây dựng chính sách và đó là điều rất cần thiết.
Lần này trên cơ sở đánh giá về chính sách miễn học phí vừa qua, dự thảo Luật đề xuất theo hướng cho vay tín dụng đối với sinh viên vào học ngành sư phạm. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thu hút học sinh phổ thông giỏi vào ngành sư phạm.
Tuy nhiên, theo tôi giải pháp quan trọng nhất để thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm đó là: Cơ chế chính sách việc làm. Tức là, ra trường họ cần được bố trí việc làm phù hợp. Nếu kết hợp được chính sách này với chính sách tín dụng thì tôi tin rằng, ngành sư phạm sẽ thu hút được nhân tài.
|
* Nếu gắn với việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đại biểu có nhận xét gì về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này?
- Trước hết, cần nhìn nhận khách quan rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Chuyển biến rõ nét nhất là trong quản lý giáo dục các cấp. Theo đó, công tác quản lý đã rõ nét hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học trong nhà trường. Cũng từ Nghị quyết 29, các địa phương đã ban hành nhiều chương trình hành động và chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường.
Nghị quyết 29 đã được cụ thể hóa thành hành động và thể chế hóa thành Nghị quyết. Chẳng hạn như, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Quan trọng nhất là lần này chúng ta tiến hành sửa đổiLuật Giáo dục hiện hành dựa trên nền tảng của các Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Có thể nói, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã xuyên suốt tinh thần các Nghị quyết trước đây và các Nghị quyết vừa qua.
Xin cảm ơn đại biểu!